Fidel Castro - Nghề nghiệp ngôn từ: Cách Fidel đọc sách
(Thethaovanhoa.vn) - Ông vốn là một người cực kỳ ham đọc sách, và có lẽ đó là một phương diện trong tính cách của Fidel Castro khác xa với hình ảnh mà các đối thủ của ông tạo ra.
- Fidel Castro - Nghề nghiệp ngôn từ: Đi đến tận cùng của sự hiểu biết
- Fidel Castro - Nghề nghiệp ngôn từ: 'Học cách làm việc cũng quan trọng như học cách nghỉ ngơi'
- Fidel Castro - Nghề nghiệp ngôn từ: Giọng nói, thứ vũ khí hữu ích của Fidel
Không ai có thể giải thích ông lấy đâu ra thời gian và bằng cách nào mà ông đọc được nhiều và nhanh đến thế, mặc dù ông luôn nói rằng chẳng có biện pháp gì đặc biệt cả. Trên những chiếc ô tô của ông, từ chiếc Oldsmobile cổ lỗ sĩ đến những chiếc xe Zil của Liên Xô và chiếc Mercedes sau này, luôn phải có một ngọn đèn rọi để đọc sách khi đi đêm. Nhiều khi nửa đêm ông cầm một cuốn sách và đến sáng hôm sau đã có thể bình luận về nó.
Ông đọc tốt các sách tiếng Anh, nhưng thường thì ông thích đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, vào bất cứ giờ nào Fidel cũng sẵn sàng đọc bất cứ tờ giấy có chữ nào rơi vào tay ông. Khi ông cần đọc một quyển sách mới nào mà chưa có bản dịch thì văn phòng sẽ cho dịch khẩn cấp.
Một người bạn bác sĩ gửi tặng ông một cuốn sách về Khoa chỉnh hình và không nghĩ là ông có thì giờ để đọc, nhưng một tuần sau vị bác sĩ rất ngạc nhiên khi nhận được bức thư của Fidel với một danh sách những ý kiến nhận xét khá chi tiết.
Những câu hỏi liên tiếp
Dù thế nào đi nữa, nguồn thông tin trực tiếp và hữu ích nhất đối với ông vẫn là những cuộc chuyện trò, đối thoại. Fidel thường có thói quen đặt câu hỏi nhanh chóng giống như kiểu chơi búp bê Nga khi ta rút ra từ trong bụng con lớn ra một con nhỏ hơn, rồi lại rút ra một con nhỏ hơn nữa, nhỏ hơn nữa, cho đến con cuối cùng không thể nhỏ hơn. Những câu hỏi liên tiếp ông đặt ra tức thời cho tới khi tìm được câu trả lời cho cái vì sao của cái vì sao, cho tới tận cái vì sao cuối cùng. Người đối thoại lắm khi không khỏi cảm thấy như là mình đang đứng trước sự tra hỏi của một nhà thám tử lừng danh.
Có lần, một vị khách Mỹ Latin đưa ra con số về tiêu thụ gạo của người dân nước này, Fidel tính nhẩm và nói ngay: “Lạ nhỉ, sao mà mỗi người lại có thể ăn đến hai ki-lô-gam gạo một ngày?” Cùng với thời gian, người ta nhận ra chiến thuật thường dùng của ông là hỏi về những điều đã biết để kiểm chứng các dữ kiện mà ông có. Trong một số trường hợp, ông hỏi nhằm lượng định tầm cỡ của người đối thoại để có cách ứng xử phù hợp. Ông không bỏ lỡ những cơ hội để tìm hiểu thông tin.
Fidel vẫn thường có các cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Colombia Belisario Betancur, mặc dù hai nước cho tới thời điểm này không có quan hệ ngoại giao chính thức. Sau một lần gọi điện thoại như thế, Fidel kể: “Tôi đã tranh thủ dịp nói chuyện để hỏi ông ấy một số thông tin về tình hình sản xuất cà phê của Colombia mà trong các bản tin báo chí không thấy đề cập”.
Trước cách mạng, Fidel Castro chưa đi ra nước ngoài nhiều, sau này ông đã đến nhiều nước trong các chuyến thăm chính thức, nhưng thường không có nhiều thời gian và bị ràng buộc bởi các thủ tục lễ tân. Nhưng ông vẫn có thể nói chuyện về các nước đó và nhiều nước khác với một sự hiểu biết khá tường tận.
Trong thời kỳ chiến tranh ở Angola, có lần trong một buổi chiêu đãi chính thức ông đã trình bày về diễn biến một trận đánh có sự tham gia của quân đội Cuba chi tiết đến mức mà một nhà ngoại giao châu Âu cứ khăng khăng cho rằng nhất định Fidel phải có mặt ở đó mới nắm kỹ đến thế. Những câu chuyện mà Fidel kể trong các diễn văn chính thức về việc Che Guevara bị bắt và bị sát hại, về cuộc tiến công của quân đảo chính vào dinh Tổng thống Chile và sự hy sinh của Salvador Allende hay khi ông nói về diễn biến và hậu quả của cơn bão Flora tàn phá Cuba năm 1963 có thể được coi là những tuyệt tác của thể loại phóng sự bằng lời!
Tây Ban Nha, miền quê cha đất tổ, là nơi ông ông thường xuyên nghĩ tới. Tầm nhìn của ông về tương lai Mỹ Latin cũng tương đồng như của Bolívar và Martí: đó là một cộng đồng toàn vẹn và độc lập có khả năng làm thay đổi vận mệnh của thế giới.
Với người Mỹ
Đất nước mà ông hiểu rõ hơn cả, sau Tổ quốc Cuba của mình, đó là Hoa Kỳ. Ông hiểu biết kỹ tính cách người Mỹ, các cấu trúc quyền lực, các ý đồ bên trong của chính quyền Mỹ, và điều đó giúp ông có thể đối phó với mọi cung bậc lên xuống của cuộc bao vây cấm vận.
Mặc dù có sự hạn chế gắt gao của chính phủ Mỹ, con đường hàng không nối liền La Habana với Miami hàng ngày vẫn có những chuyến Charter bay đi bay về, và không ngày nào là không có các vị khách Mỹ đủ các tầng lớp đổ bộ xuống La Habana. Trước các cuộc bầu cử ở Mỹ, các nhà chính trị Mỹ đi lại Cuba không ngừng nghỉ.
Fidel Castro gặp gỡ với tất cả những ai mà ông có điều kiện gặp, đón tiếp họ rất chu đáo và dành cho họ nhiều thời gian nhất có thể để trao đổi sâu về những thông tin không có trên báo chí. Đó thật là những ngày hội của các cuộc hàn huyên và trò chuyện. Fidel kể cho họ nghe những câu chuyện thực và ông cũng sẵn sàng chịu nghe họ kể những câu chuyện như thế. Có cảm tưởng rằng chẳng có gì làm ông thích thú hơn là việc thể hiện rõ thái độ thực sự của mình trước những người từng thấm nhuần các lý lẽ tuyên truyền thù địch sẵn sàng đến để nghe chuyện của một thủ “lĩnh độc tài hung bạo” như họ quan niệm.
Có lần, trước một nhóm nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, các nhà doanh nghiệp và cả một sĩ quan của Lầu Năm Góc, Fidel kể một câu chuyện thật về việc những người Gallego tiền bối ở miền bắc Tây Ban Nha và các thầy giáo là những cha cố dòng Tên đã truyền thụ những quy phạm đạo đức rất có ích trong việc hình thành tính cách của ông sau này, và ông kết luận: “Tôi là một tín đồ Thiên Chúa giáo”.
Câu nói của Fidel như một trái lựu đạn nổ tung giữa mặt bàn. Những người Mỹ, vốn được đào luyện trong một nền văn hóa chỉ quen nhìn cuộc sống theo hai mặt đen và trắng đối lập nhau, không thể nào hiểu được những lời giải thích trước đó và tất cả đều vô cùng ngạc nhiên trước kết luận của Fidel.
Kết thúc chuyến thăm, người bảo thủ nhất trong số nghị sĩ Mỹ đã đưa ra ý kiến gây ngạc nhiên nói rằng không ai có khả năng như Fidel Castro trong việc làm trung gian hòa giải giữa nước các nước Mỹ Latin và Hoa Kỳ.
Đọc sách best-sellers để tìm sự cân bằng Fidel thường đọc các sách về kinh tế và chính trị. Có lần ông đọc quyển hồi ký của Lee Laccoca, ông phát hiện thấy một số lỗi về số liệu vênh nhau đến khó hiểu nên phải cho tìm nguyên bản tiếng Anh từ New York về để đối chiếu với bản dịnh tiếng Tây Ban Nha. Quả nhiên, người dịch đã một lần nữa nhầm lẫn nghĩa của từ billon, trong tiếng Anh-Mỹ là 1 tỷ (1.000.000.000), còn billón trong tiếng Tây Ban Nha là một nghìn tỷ (1.000.000.000. 000). Fidel cũng thích đọc sách văn học và luôn chú ý theo dõi sự phát triển của các trào lưu văn chương. Tôi là người đã gợi ý với Fidel và thường xuyên giúp ông cập nhật để duy trì niềm say mê với các loại sách best-sellers như là một biện pháp giữ cân bằng trước việc phải thường xuyên tiếp xúc với các loại văn kiện khô khan. |
Kỳ 5 & hết: Phút trầm tư của con người phi thường
G.G Marquez (Phạm Đình Lợi biên dịch)