Fidel Castro - Nghề nghiệp ngôn từ: 'Học cách làm việc cũng quan trọng như học cách nghỉ ngơi'
(Thethaovanhoa.vn) - Có lần Fidel từng nói như thế. Nhưng cách nghỉ ngơi của ông cũng thật là độc đáo, bởi nhiều khi nói chuyện cũng là một cách nghỉ ngơi.
- Fidel Castro - Nghề nghiệp ngôn từ: Giọng nói, thứ vũ khí hữu ích của Fidel
- Một bộ phim hiếm về Fidel Castro
- Fidel Castro 'mê hoặc' Hollywood như thế nào?
Fidel là người luôn duy trì kỷ luật nghiêm ngặt, ông phải tuân thủ một thời gian biểu chặt chẽ, nhưng sức mạnh của óc tưởng tượng luôn cuốn ông theo sự ngẫu hứng. Với Fidel, ai đó có thể biết được sự bắt đầu, nhưng không thể nào biết đâu là điểm kết thúc. Sẽ không có gì lạ khi một đêm nào đó ông lên máy bay đi đến một địa điểm bí mật, để chủ trì một lễ cưới, đi câu tôm hùm ngoài biển khơi, hay đi thăm buổi ra lò mẻ phô-mai Pháp đầu tiên sản xuất tại một nhà máy ở tỉnh Camagüey.
Một người Cuba không nhảy múa, ca hát
Có lần Fidel từng nói: “Học cách làm việc cũng quan trọng như học cách nghỉ ngơi”. Nhưng cách nghỉ ngơi của ông cũng thật là độc đáo, bởi nhiều khi nói chuyện cũng là một cách nghỉ ngơi. Có lần ông ra khỏi một buổi làm việc căng thẳng vào nửa đêm với dáng điệu mệt mỏi, nhưng đến gần sáng thì ông trở lại khỏe khoắn hoàn toàn sau khi đi bơi trong vài giờ. Những buổi liên hoan vui chơi bạn bè có vẻ như không hợp với ông, và Fidel là một trong số rất ít người Cuba không nhảy múa, ca hát.
Đối với một số cuộc vui ít ỏi mà Fidel tham dự thì khi có mặt ông tính chất của nó đã thay đổi. Có thể là ông đã không nhận thấy sự thay đổi đó. Có thể ông cũng không ý thức được rằng sự xuất hiện của mình đã tạo ra một sức hấp dẫn chiếm lĩnh tất cả, mặc dù đôi khi ông cũng không phải là người cao to hơn hẳn những người hiện diện tại đó như người ta tưởng thế.
Tôi đã từng chứng kiến những người mạnh bạo nhất cũng tỏ ra lúng túng trước Fidel, họ không hề biết rằng chính ông cũng rụt rè như họ, và ông đã phải ra sức làm cho người khác không nhận ra điều đó khi bắt đầu câu chuyện.
Tôi luôn tin rằng việc Fidel thường hay dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều để nói về những việc làm của bản thân không phải là một lối nói trịnh trọng quá mức mà chỉ là một cách nói văn vẻ để che giấu sự nhút nhát của ông.
Sự thực diễn ra là khi Fidel đến thì người ta ngừng các điệu nhảy, nhạc tắt, bữa tiệc như tạm ngừng và mọi người đều xúm lại xung quanh ông để tham gia câu chuyện mà ông bắt đầu ngay khi bước chân vào. Và cứ như thế ông có thể đứng suốt cả buổi, không ăn uống gì.
Nhiều lần trước khi đi ngủ, mặc dù đêm muộn nhưng Fidel vẫn gõ cửa nhà một người bạn thân mà ông có thể đến bất cứ giờ nào không cần báo trước và bảo rằng ông chỉ ghé qua dăm phút. Ông nói rất chân tình, và cũng không ngồi xuống ghế. Ông cứ đứng nói chuyện say sưa cho đến khi thả người ngồi phịch xuống chiếc ghế bành, duỗi chân và nói “Chà chà thoải mái quá!”. Như vậy đó, Fidel là người nói chuyện không biết mệt và khi mệt thì lấy việc nói chuyện để thư giãn!
Diễn văn soạn sẵn và sự ngẫu hứng
Vào khoảng những năm 1970, Fidel đã tập thói quen tự viết ra giấy các bài diễn văn, ông viết chậm rãi và chặt chẽ, từng câu, từng chữ như người thợ làm đồng hồ tỉ mỉ lắp ráp từng chi tiết. Nhưng chính sự cẩn thận như thế lại làm hỏng các bài viết. Fidel Castro sẽ không còn là chính mình khi ông cầm giấy đọc các bài viết sẵn, giọng đọc cũng khác đi, cách đọc và chất giọng cũng thay đổi hẳn.
Trên quảng trường Cách mạng rộng lớn, trước hơn nửa triệu người, nhiều lần ông cảm thấy như nghẹt thở vì bị bó buộc bởi văn bản có sẵn, dần dần ông phải rời bỏ tờ giấy để nói vo khi nào có thể. Có đôi lần, gặp phải những từ bị đánh máy sai, đáng lẽ sửa nhẩm trong đầu và đọc lướt đi thì ông đã dừng lại, rút bút máy ra chữa rồi mới chậm rãi đọc tiếp.
Không bao giờ ông cảm thấy thỏa mãn, và mặc dù ông nỗ lực hết sức để làm cho các bài viết sẵn ấy có hồn, nhiều khi ông đã thành công, nhưng nói chung những bài diễn văn bị trói buộc ấy thường cho ông cảm giác hẫng hụt nhiều hơn. Bởi lẽ, những bài viết sẵn có thể nói được tất cả những gì muốn nói, thậm chí nói được nhiều hơn thế, nhưng nó lại mất đi sức cổ vũ to lớn của đời sống, đó chính là trạng thái hồi hộp, xúc động của sự mạo hiểm.
Diễn đàn ngẫu hứng, vì vậy có thể coi là môi trường hoàn hảo của các bài diễn thuyết của Fidel, mặc dù bao giờ ông cũng phải vượt lên sự rụt rè ban đầu, điều mà nhiều người không biết, và ông cũng không phủ nhận.
Trong một lá thư ngắn Fidel gửi cho tôi cách đây mấy năm để mời tham dự một buổi mit-tinh, ông viết: “Anh hãy cố gắng một lần thử từ bỏ nỗi sợ hãi đứng trước công chúng, giống như tôi đã từng phải làm điều đó rất nhiều lần”.
Chỉ trừ những trường hợp thật đặc biệt ông mới mang theo một vài tấm phích có ghi chép những con số và dữ liệu cần thiết để sẵn trong túi áo và khi bắt đầu phát biểu, ông nhẹ nhàng rút ra đặttrước mặt. Ông thường bắt đầu bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, đôi khi ngập ngừng, nghe không rõ, giống như là người đi trong làn sương mù với một mục tiêu mơ hồ, không xác định, nhưng rồi bỗng ông nắm lấy một chi tiết nào đó để vượt lên cho đến khi tăng tốc và chiếm lĩnh người nghe.
Và khi đó giữa ông và công chúng sẽ hình thành một dòng chảy qua lại làm cho cả hai cùng phấn chấn, tạo nên một sự đồng cảm biện chứng, và trong cao trào của sự căng thẳng ấy xuất hiện niềm say sưa của diễn giả. Đó chính là sự khởi hứng: một trạng thái hưng phấn mạnh mẽ và choáng ngợp mà chỉ những ai chưa từng bao giờ có vinh dự được trải nghiệm mới phủ nhận điều ấy.
Mong muốn thành nhà văn Ông có lần tâm sự “Nếu có thể đầu thai sang kiếp khác, tôi mong muốn sẽ trở thành người viết văn”. Thực tế là ông viết hay và rất ham viết lách, ngay cả những lúc ngồi trên ô tô đang chạy, mỗi khi nghĩ ra điều gì ông lập tức ghi chép vào quyển sổ tay luôn để sẵn trên xe, kể cả là những bức thư riêng. Đó là những quyển sổ ghi chép bằng giấy thường, đóng bìa ni lông màu xanh, ngày càng chồng cao lên trong đống tư liệu cá nhân đồ sộ của ông. Chữ viết của Fidel thường thanh mảnh và hơi nghiêng, thoạt nhìn có vẻ dễ viết như kiểu chữ học trò. Nhưng cách viết chữ của ông lại rất chuyên nghiệp. Một câu viết ra rồi, ông thường sửa lại vài lần, xóa đi, viết lại ra bên lề, và với ông việc trăn trở tìm kiếm một từ cho thật đắt trong thời gian một đôi ngày cũng không có gì là lạ. Ông tra cứu trong từ điển, hỏi người này người kia, cho đến khi tìm được chữ ưng ý. |
Kỳ 3: Đi đến tận cùng của sự hiểu biết
G.G Marquez (Phạm Đình Lợi dịch)