loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 10/8 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 204.096.215 ca mắc Covid-19 và 4.315.463 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 183.274.533 ca.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 9/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 203.404398 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.306.942 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 182.702.650 người.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 36.778.407 ca mắc và 633.796 ca tử vong. Biến thể Delta đang khiến số ca dương tính, nhập viện và tử vong tại nước này tăng cao chưa từng thấy kể từ giai đoạn đỉnh điểm vào mùa Đông năm 2020. Nhằm hạn chế dịch lây lan, Lầu Năm Góc yêu cầu mọi quân nhân Mỹ phải tiêm phòng trước ngày 15/9.
Quyết định này được đưa ra hơn một tuần sau khi Tổng thống Joe Biden chỉ đạo giới chức Bộ Quốc phòng xây dựng một kế hoạch yêu cầu các quân nhân đi tiêm phòng, như một phần trong chiến dịch sâu rộng nhằm tăng cường tiêm chủng đối với lực lượng lao động liên bang. Đây cũng là quyết định tương tự của các chính phủ và các công ty trên khắp thế giới, trong bối cảnh các quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng lây nhiễm tăng cao do biến thể Delta.
Đối với những người Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ, Chính phủ Canada quyết định dỡ bỏ các yêu cầu về kiểm dịch từ ngày 9/8, gần một năm rưỡi sau khi tất cả các hoạt động đi lại không thiết yếu bị tạm dừng. Theo quy định của Canada, để được coi là đã tiêm chủng đầy đủ, công dân Mỹ và người thường trú tại Mỹ phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (những loại đã được Bộ Y tế Canada phê duyệt) 14 ngày trước khi nhập cảnh vào Canada.
Người Mỹ phải gửi thông tin du lịch của họ, bao gồm cả tài liệu tiêm chủng, thông qua ứng dụng ArriveCAN hoặc bằng cách đăng ký trực tuyến trong vòng 72 giờ trước khi đến. Tất cả những người muốn nhập cảnh Canada phải cung cấp bằng chứng về xét nghiệm COVID-19 âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi đến.
Hiện nay, số ca nhiễm mới COVID-19 bắt đầu tăng trở lại trên khắp Bắc Mỹ, với biến thể Delta đang áp đảo trong số các ca nhiễm này. Theo thống kê, một nửa dân số Mỹ được tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19, trong khi 81% người Canada đã được tiêm ít nhất một liều và 68% đã hoàn thành tiêm chủng.
Tại Đông Nam Á, số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Indonesia giảm không đáng kể trong 7 ngày nước này thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 vừa qua. Cụ thể, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 223.940 ca mắc từ ngày 3-9/8, giảm so với mức 268.067 ca trong 7 ngày trước đó, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm số lượng người được xét nghiệm COVID-19. Số ca tử vong cũng giảm nhẹ từ mức 12.525 ca xuống còn 11.280 ca.
Trong khi đó, dịch bệnh có xu hướng gia tăng đột biến ở một số tỉnh bên ngoài đảo Java và Bali trong hai tuần qua. Các địa phương bên ngoài hai hòn đảo này chỉ ghi nhận 13.000 ca mắc, chiếm 34% cả nước trong ngày 25/7. Tuy nhiên, đến ngày 6/8, con số này đã tăng lên 21.374 ca và 54%.
Tối 9/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã quyết định kéo dài (PPKM) cấp độ 4 từ ngày 10-16/8 tại hai hòn đảo Java và Bali đông dân. Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartarto cũng thông báo rằng PPKM cấp độ 4 sẽ được kéo dài thêm hai tuần từ ngày 10-23/8 tại nhiều khu vực bên ngoài Java và Bali “do yêu cầu xử lý khác biệt” với các khu vực trên hai hòn đảo này.
Tại châu Âu, từ ngày 9/8, Pháp chính thức áp dụng kiểm tra giấy chứng nhận sức khỏe ở những nơi công cộng như quán bar, nhà hàng, trung tâm mua sắm, nhà ga xe lửa, xe bus đường dài, sân bay, bệnh viện, nhà dưỡng lão... Trước đó, từ ngày 21/7, biện pháp này đã được áp dụng đối với những cơ sở giải trí hay văn hóa có sức chứa trên 50 người, như rạp hát, viện bảo tàng, triển lãm, công viên giải trí... Các trường hợp vi phạm hoặc có hành vi gian lận giấy chứng nhận sẽ bị phạt 135 euro.
Có hiệu lực đến hết ngày 15/11, quy định này đã được Chính phủ Pháp đề xuất, được Nghị viện Pháp bỏ phiếu ủng hộ và Hội đồng Hiến pháp thông qua vào ngày 5/8. Chứng nhận sức khỏe được cấp dưới dạng một mã QR, xác nhận ít nhất là một trong ba điều kiện: đã tiêm chủng đầy đủ, đã xét nghiệm âm tính với virus trong vòng 72 giờ, hoặc đã được chữa khỏi sau khi mắc COVID-19. Ngoài các quy định mang tầm quốc gia, chính quyền nhiều địa phương của Pháp cũng tăng cường các biện pháp hạn chế và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Trong khi đó, tình hình dịch chưa có dấu hiệu tạm lắng tại Anh và Italy. Số liệu của Chính phủ Anh công bố ngày 9/10 cho thấy nước này có thêm 25.161 ca mắc COVID-19 trong các ngày 3-9/8, tăng 5,2% so với giai đoạn 7 ngày trước đó. Ngoài ra, nước này ghi nhận thêm 37 ca tử vong trong vòng 28 ngày kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 14,8%.
Tính đến ngày 8/8, tổng cộng 47,06 triệu người ở Anh đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 và 39,55 triệu người tiêm đủ hai mũi. Còn tại Italy, số ca tử vong do COVID-19 ghi nhận ngày 9/8 đã tăng gấp đôi so với ngày trước đó lên 22 ca, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 128.242 ca. Tin vui là số ca mắc mới ở nước này trong 24 giờ qua đã giảm xuống còn 4.200 ca từ mức 5.735 ca của ngày trước đó. Hiện Italy có 4,4 triệu ca mắc COVID-19.
Còn tại châu Phi, số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 7 triệu ca, cụ thể là 7.040.394 ca tính đến ngày 9/8. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi, số ca tử vong vì COVID-19 tại châu lục này là 177.400 ca, trong khi 6.138.912 ca đã được điều trị khỏi. Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất ở khu vực.
Phan An/TTXVN
loading...