loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 8h sáng 23/8 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 23,36 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 807.700 ca tử vong. Hơn 15,89 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và hơn 6,65 triệu ca đang được điều trị với khoảng 1% trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.
Theo hãng tin AFP của Pháp, tính đến tối 22/8 (giờ Việt Nam), số ca tử vong do bệnh COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt 800.000 người.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 5,84 ca mắc bệnh và hơn 180.100 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với hơn 3,58 triệu ca mắc và hơn 114.200 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 3 thế giới với hơn 3 triệu ca mắc và hơn 56.800 ca tử vong.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận 12 ca mắc mới trong ngày 22/8, tất cả đều là các ca "nhập khẩu", không có ca nào lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến hết ngày 22/8, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 84.951 ca mắc bệnh, trong đó 4.634 ca tử vong, 79.895 ca đã hồi phục.
Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 23/8 cho biết tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tăng thêm 397 ca lên 17.399 ca. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thực thi giãn cách xã hội cấp độ 2 nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc từ ngày 23/8. Trước đó, ngày 18/8, Chính phủ nước này đã quyết định tăng cường giãn cách xã hội lên cấp độ 2 ở thủ đô Seoul, tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon nhằm nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Về nguyên tắc, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cấm tụ tập, tổ chức sự kiện trên 50 người trong nhà và trên 100 người ngoài trời, dừng hoạt động toàn bộ 12 loại hình cơ sở có rủi ro lây nhiễm cao như sàn nhảy, phòng hát karaoke, ăn buffet, quán Internet và các cơ sở trong nhà thuộc quản lý của Nhà nước.
Hiện ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, chính quyền địa phương đã nâng mức giãn cách xã hội lên tương đương cấp độ 3, cấp độ cao nhất trong thang bậc giãn cách xã hội ở Hàn Quốc. Theo đó, tất cả các cuộc biểu tình, tụ tập trên 10 người bị cấm tại các địa phương này cho đến đêm 30/8.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Pháp thông báo thêm 3.602 ca mắc mới và 9 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và ca tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 238.002 và 30.512. Bộ Y tế nước này cảnh báo biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Pháp có tỷ lệ lây nhiễm ở nhóm tuổi dưới 40 cao hơn 4 lần so với nhóm 65 tuổi. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm trong nhóm người cao tuổi và nhóm dễ chịu tổn thương hiện vẫn tiếp tục tăng.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo tình hình dịch bệnh tại quốc gia này hiện đang "nguy hiểm", việc những ngày gần đây số ca mắc mới tăng liên tục không hẳn chỉ vì số lượng xét nghiệm tăng. Tuy nhiên, cũng giống như Tổng thống Emmanuel Macron, ông Veran cho rằng biện pháp phong tỏa toàn quốc chưa thực sự cần thiết vào lúc này mà thay vào đó sẽ là các biện pháp hạn chế theo từng địa phương cụ thể. Ông này cũng khẳng định giới chức sẽ sớm triển khai thêm những biện pháp để phòng dịch nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới trong vài ngày trở lại đây tại Italy đã tăng cao trở lại. Theo số liệu của Bộ Y tế Italy, trong ngày 22/8, số ca nhiễm mới tại nước này đã tăng lên 1.071 ca và 3 ca tử vong, lần đầu tiên số ca nhiễm trong ngày vượt 1.000 ca kể từ ngày 12/5. Riêng ở thủ đô Rome, số ca nhiễm mới trong ngày là 215 ca, cao nhất kể từ mốc 208 ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận vào ngày 28/3. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do số người ồ ạt trở về sau các kỳ nghỉ trong nước và nước ngoài.
Theo số liệu của tổ chức Gimbe, các ca nhiễm mới tại Italy đã tăng hơn 140% trong một tháng trở lại đây. Chủ tịch của Gimbe Nino Cartabellotta cho biết, “sự gia tăng liên tục của số lượng ca nhiễm mới đã được ghi nhận, bao gồm các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, lây nhiễm từ người nước ngoài nhập cảnh và người Italy bị lây nhiễm khi đi du lịch nước ngoài. Sự gia tăng của đường cong lây nhiễm này làm dấy lên lo ngại số ca nhập viện cũng sẽ gia tăng”.
Trước tình trạng ca nhiễm mới gia tăng liên tục trong những ngày gần đây, Bộ trưởng Y tế Ittaly Roberto Speranza cảnh báo độ tuổi trung bình của những người bị nhiễm bệnh đã giảm xuống còn 30 tuổi, do đó ông đã kêu gọi những người trẻ tuổi có trách nhiệm hơn, đặc biệt là những người đã bị nhiễm bệnh, trong việc bảo vệ cha mẹ và ông bà mình.
Theo cố vấn của Bộ Y tế Italy trong vấn đề COVID-19 Walter Ricciardi đây là một thực tế có thể dự đoán được, bởi vì sự gia tăng này phản ánh hậu quả của các hành vi đã có từ trước đến nay bắt đầu từ khi mở cửa và nghỉ lễ. Ông này cũng loại trừ khả năng phải phong tỏa toàn Italy vì quốc gia này đã sớm phát hiện các trường hợp lây nhiễm mới thông qua việc mở rộng xét nghiệm trên diện rộng, dịch vụ y tế quốc gia đã được tăng cường đáng kể, các quỹ quan trọng đã được cung cấp nguồn lực tài chính mà một số trong đó chưa được cấp trong 5 năm qua và điều này giúp cho việc thuê nhân viên, cải thiện điều kiện làm việc, dự kiến các công việc này sẽ được hoàn thiện trong tháng 9-10.
Ngày 22/8, Bộ Giáo dục Italy đã ra thông báo các trường học trên cả nước Italy sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/9 và học sinh sẽ đi học từ ngày 14/9. Bộ Giáo dục Italy cũng đã thành lập một bộ phận trợ giúp nhằm hỗ trợ cho các trường trong việc khôi phục lại các hoạt động sau thời gian đóng cửa kéo dài từ tháng 3 và hướng dẫn các trường trong việc thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Tại châu Mỹ, Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo thêm 46.754 ca mắc mới trong ngày 22/8, đánh dấu ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại Mỹ giảm xuống dưới mức 50.000 ca, tính từ ngày 16/8. Và đây cũng là lần đầu tiên Mỹ ghi nhận cả một tuần có số ca mắc mới mỗi ngày dưới mức 50.000 kể từ khi đợt bùng phát mùa Hè hồi tháng 7. Giám đốc CDC Mỹ Robert Redfield nhận định tình hình dịch bệnh tại Mỹ bắt đầu cải thiện được khoảng 4 tuần và hy vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn. Số ca mắc mới giảm dù số xét nghiệm tăng tạo ra một tín hiệu mạnh mẽ rằng tình hình lây lan dịch bệnh trên cả nước có thể đang giảm.
Bộ Y tế Mexico thông báo thêm 6.482 ca bệnh và 644 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 556.216 và 60.254. Trước đó, Chính phủ Mexico từng lo ngại số người mắc bệnh trên thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số được xác nhận. Brazil cũng ghi nhận 50.032 ca mắc mới và 892 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tới nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 3.582.362 ca mắc và 114.250 ca tử vong.
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) đã kêu gọi các quốc gia trong châu lục cần thận trọng tránh lơ là trong công tác phòng dịch. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong nhận định thời gian qua tỷ lệ lây nhiễm tại châu lục này bắt đầu "giảm nhẹ", củng cố cho hy vọng rằng dịch bệnh có thể đang được kiềm chế dần dần.
Mạnh Hùng - Huy Thông - Lê Ánh (TTXVN)
loading...