loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 19/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 122.533.849 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.705.812 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 98.766.829 người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 19/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 122.353.809 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.702.305 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 98.644.731 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 552.556 ca tử vong trong tổng số 30.365.111 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 287.795 ca tử vong trong số 11.787.600 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 159.451 ca tử vong trong số 11.520.268 bệnh nhân.
Tình hình dịch bệnh đã căng thẳng trở lại tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ. Theo giới chức sở tại, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở mức cao nhất trong vòng 3 tháng, do con số cao kỷ lục tại bang miền Tây Maharashtra, nơi chính quyền đã áp dụng các biện pháp mới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Cụ thể, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận thêm 39.726 ca nhiễm - mức cao nhất kể từ ngày 30/11/2020, và 154 ca tử vong. Maharashtra, bang có "thủ đô thương mại" Mumbai của Ấn Độ, ghi nhận 25.833 ca nhiễm mới, chiếm 65% số ca nhiễm mới của cả nước trong 24 giờ qua.
Thủ đô New Delhi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đều trong 2 tuần qua, khiến chính quyền thành phố phải tăng cường chiến dịch tiêm phòng lên mức 125.000 liều/ngày, so với con số 40.000 liều/ngày hiện tại. Trước tình hình trên, Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi lãnh đạo các bang tăng cường chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc, với mục tiêu đến tháng 8 tới, có 300 triệu người được tiêm chủng.
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines cũng thông báo số ca nhiễm mới tại nước này trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước tới nay, lên tới 7.103 ca, đồng thời có thêm 13 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm ở nước này hiện là 648.066 ca và số ca tử vong là 12.900 ca. Philippines, đặc biệt là vùng thủ đô, đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng cao, trong đó nhiều ca nhiễm các biến thể dễ lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Indonesia cũng có thêm 6.279 ca nhiễm và 197 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.450.132 và 39.339. Hiện Indonesia vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trước tình hình trên, giới chức Indonesia đã quyết định gia hạn biện pháp hạn chế hoạt động công cộng tới ngày 5/4 tới, đồng thời mở rộng quy mô thực hiện sang thêm 5 tỉnh. Như vậy, tổng số tỉnh đang áp dụng các biện pháp này tại Indonesia đã tăng lên thành 15 tỉnh.
Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 100 ca mắc mới và 1 ca tử vong. Hiện tổng số ca bệnh ở nước này là 27.594, trong đó có 90 ca không qua khỏi. Trong bối cảnh dịp Tết cổ truyền Songkran, còn gọi là Lễ hội té nước, đang sắp tới gần, người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA), ông Taweesilp Visanuyothin, cho biết CCSA đã gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc cho tới ngày 31/5 nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trong dịp Tết cổ truyền, hoạt động té nước, các buổi hòa nhạc hoặc bất kỳ hoạt động nào liên quan sự tiếp xúc gần giữa mọi người đều bị cấm, song các hoạt động truyền thống như thực hành tôn giáo hoặc nghi lễ thể hiện sự tôn trọng đối với người cao tuổi cũng như giao thông liên tỉnh có thể diễn ra bình thường. Tuy nhiên, CCSA đã quyết định nới lỏng dần các biện pháp kiểm soát COVID-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 1/4 tới. Theo đó, du khách nước ngoài sẽ không phải xuất trình giấy chứng nhận đủ sức khỏe đi máy bay, trong khi các cơ sở cách ly vẫn sẽ hoạt động dưới nhiều hình thức từ ngày 1/4 đến ngày 30/9.
Campuchia xác nhận thêm 1 trường hợp tử vong do mắc COVID-19. Bệnh nhân là nữ giới, 62 tuổi, sống ở thủ đô Phnom Penh, có các bệnh lý nền như viêm phổi, tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao và chứng béo phì. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 1.578 người, trong đó có 917 người đã bình phục và 2 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Âu, Hungary thông báo ghi nhận số ca mắc mới và tử vong ở mức cao chưa từng thấy, với 10.759 ca mắc mới và 213 ca tử vong. Tuy nhiên, trước việc có thêm 1 triệu người dân được tiêm phòng, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố Hungary có thể khởi động giai đoạn đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan dịch COVID-19. Theo ông, Hungary có khả năng sẽ ngừng áp đặt hạn chế vào mùa Hè này, khi các bệnh viện đủ sức ứng phó với làn sóng lây nhiễm.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Hà Lan cũng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 vừa qua. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Hà Lan ghi nhận thêm khoảng 7.400 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 1,1 triệu.
Với hơn 25.000 ca mắc mới COVID-19, tổng số ca bệnh tại Ba Lan đã vượt 2 triệu người. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, quốc gia với 38 triệu dân này đã ghi nhận 2.010.244 ca mắc, trong đó có 48.807 người không qua khỏi. Số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan đã vượt 1 triệu người kể từ đầu tháng 12/2020 khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch COVID-19 chậm lại, song đã phải đối mặt với số ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian gần đây do sự xuất hiện của các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Bộ Y tế Kazakhstan thông báo đã phát hiện tình trạng lây lan COVID-19 tại Almaty - thành phố lớn nhất nước này, khả năng do biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra. Bộ trên cho biết cơ quan chức năng sẽ cần phân tích trình tự gene đầy đủ để xem liệu đây là biến thể của virus có nguồn gốc từ Anh, Nam Phi hay Brazil. Tuy nhiên, Bộ Y tế Kazakhstan không nêu rõ đã phát hiện bao nhiêu ca mắc tại thành phố Almaty. Đến nay, quốc gia Trung Á này xác nhận tổng cộng khoảng 280.000 ca mắc, trong đó có 3.550 ca không qua khỏi.
Giới chức Đức nhận định số ca mắc mới tại nước này đang gia tăng theo cấp số nhân, đồng thời cảnh báo khả năng phải tái siết chặt các biện pháp phong tỏa hiện hành. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết tốc độ lây nhiễm đang ngày càng gia tăng và với biến thể phát hiện ở Anh đang lây lan mạnh, Đức sẽ phải đối mặt với "những tuần khó khăn phía trước". Theo RKI, tình hình nhiều khả năng sẽ tồi tệ hơn vào dịp Lễ Phục sinh so với thời điểm trước Giáng sinh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19 để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cảnh báo có thể ngừng nới lỏng những hạn chế trong lệnh phong tỏa hiện nay, thậm chí cần siết chặt hơn trong bối cảnh số ca lây nhiễm mới đang ngày càng tăng mạnh.
Trong khi đó, Iceland trở thành quốc gia đầu tiên trong khối Schengen đón du khách quốc tế, khi một chuyến bay, chở 150 hành khách quốc tế xuất phát từ Frankfurt (Đức), đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Keflavik của nước này. Chuyến bay chủ yếu mang tính biểu tượng, phản ánh quyết tâm của Iceland nhằm giải cứu ngành du lịch trong nước, vốn đang phải vật lộn với những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Nằm trong số những quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, Iceland đã mở cửa cho hành khách đến từ các nước trong khu vực Schengen kể từ cuối tháng 1 nếu họ chứng minh được đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Và đến nay, Iceland đã chào đón tất cả người nước ngoài, không chỉ những hành khách trong khối Schengen, với điều kiện họ xuất trình được giấy chứng nhận tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc chứng nhận rằng hơn 14 ngày trước khi nhập cảnh họ đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Liên quan đến vấn đề vaccine, số liệu tổng hợp của hãng tin AFP cho thấy đã có hơn 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được phân phối trên khắp thế giới. Con số này cho thấy chiến dịch tiêm chủng vaccine đã được đẩy nhanh tại các nước trong thời gian gần đây. Cụ thể, đã có 100 triệu liều vaccine được sử dụng tiêm chủng trong 11 ngày gần đây nhất, nhanh gấp 6 lần so với 100 liều vaccine đầu tiên.
Giám đốc điều hành Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) Emer Cooke khẳng định vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) là chế phẩm "an toàn, hiệu quả" và không gây ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng, qua đó xóa tan nghi ngại về những tác dụng phụ của chế phẩm này.
Để đi đến kết luận trên, EMA đã điều tra từng trường hợp, tham vấn các nhà khoa học tại 27 quốc gia thành viên EU. Trong tổng số 5 triệu người châu Âu đã được tiêm chủng vaccine của AstraZeneca, có 30 người xuất hiện triệu chứng máu vón cục. EMA khẳng định, đối với cả 30 trường hợp này, cục máu đông hình thành không liên quan đến việc vừa tiêm chủng vaccine trước đó.
Ngay sau thông báo trên của EMA, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Đức, Pháp, Italy, CH Cyprus, Latvia và Litva, Indonesia đã nối lại việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca sau khi các cơ quan quản lý của Anh và châu Âu khẳng định tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này.
TTXVN
loading...