A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch Covid-19 đến sáng 19/3: Toàn thế giới đã có hơn 122 triệu ca bệnh

09:35 19/03/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 19/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 122.353.809 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.702.305 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 98.644.731 người.       

Thế giới hơn 121 triệu ca mắc Covid-19, gần 2,7 triệu ca tử vong

Thế giới hơn 121 triệu ca mắc Covid-19, gần 2,7 triệu ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 18/3, trên thế giới có tổng cộng 121.799.722 ca mắc COVID-19 và 2.691.716 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 98.194.611 ca.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 552.347 ca tử vong trong tổng số 30.358.868 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 287.795 ca tử vong trong số 11.787.600 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 159.405 ca tử vong trong số 11.513.945 bệnh nhân.        

Tính theo tỷ lệ tử vong trên số dân, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ cao nhất, với 226 ca tử vong trong số 100.000 người dân. Tiếp đến là Bỉ với 195 người và Slovenia 189 người/100.000 dân.         

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 40,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 908.300 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 729.400 ca tử vong trong hơn 23,1 triệu ca nhiễm.

Bắc Mỹ có hơn 560.600 ca tử vong trong hơn 30,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 264.500 ca tử vong trong hơn 16,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 109.300 ca tử vong, châu Phi có hơn 108.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 963 người.   

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ, ngày 8/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ trình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, lãnh đạo của 4 địa phương này đã nhất trí sẽ nới lỏng một số hạn chế để tạo điều kiện cho các hoạt động dần trở lại bình thường. Trong cuộc họp trực tuyến thảo luận về các bước đi nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát, thống đốc của 4 địa phương đã đồng ý cho các cơ sở kinh doanh ăn uống được mở cửa tối đa đến 21h thay vì 20h như hiện nay.

Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ cho các cơ sở này sẽ giảm từ 60.000 yen/ngày xuống còn 40.000 yen/ngày. Ngoài ra, các thống đốc cũng đánh giá những nguy cơ từ việc lượng người đi lại sẽ tăng lên đáng kể sau khi được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và việc sắp tới sẽ có một số sự kiện truyền thống thu hút đông người tham gia như lễ hội ngắm hoa anh đào, bế giảng năm học… Để ngăn dịch bùng phát trở lại, các thống đốc kêu gọi người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng bệnh, thực hiện triệt để các biện pháp như tránh ở trong không gian kín, tránh nơi tập trung đông người và tránh tiếp xúc gần.   

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của châu Phi ngày 18/3 cho biết đến nay đã có 17 quốc gia ở lục địa này ghi nhận sự xuất hiện của biến thể lần đầu được phát hiện ở Nam Phi. Theo CDC Châu Phi, 3 quốc gia châu Phi mới nhất xác nhận sự hiện diện của biến thể này là Eswatini, Malawi và Namibia. Trước đó, 14 quốc gia châu Phi khác đã báo cáo sự hiện diện của biến thể mới là Nam Phi, Angola, Cameroon, Botswana, Comoros, CHDC Congo, Gambia, Ghana, Kenya, Mauritius, Mozambique, Rwanda, Zambia và Zimbabwe. Hiện Nam Phi vẫn là nước ghi nhận số ca mắc cũng như tử vong cao nhất châu Phi, tiếp theo là Maroc và Tunisia.   

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Khemisset, Maroc ngày 5/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, Chính phủ Pháp quyết định đưa 16 khu vực của nước này vào diện phong tỏa toàn bộ lần thứ 3 bắt đầu từ nửa đêm 19/3 và kéo dài ít nhất 4 tuần. Những khu vực này bao gồm thủ đô Paris, 7 tỉnh vệ tinh thuộc các vùng Île-de-France, 5 tỉnh thuộc vùng Hauts-de France, tỉnh Eure và Seine-Maritimes (vùng Normandie) và tỉnh Alpes-Maritimes (vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur).

Theo đó, chỉ những cửa hàng cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu mới được phép mở cửa. Các trường phổ thông vẫn hoạt động bình thường nhưng các trường đại học phải duy trì dạy trực tuyến như trước. Trong thời gian phong tỏa, người dân có thể ra ngoài không giới hạn thời gian nhưng chỉ trong bán kính 10 km từ nhà riêng. Việc di chuyển giữa các vùng bị cấm hoàn toàn, ngoại trừ  vì công việc và những lý do đặc biệt khác. Ngoài việc phong tỏa 16 khu vực trên, Chính phủ Pháp cũng quyết định vẫn duy trì giờ giới nghiêm nhưng lùi đến 19h hàng ngày, muộn hơn một giờ so với quy định trước đó, vì châu Âu sắp chuyển sang giờ mùa Hè.      

Kể từ ngày 22/3 tới, Bulgaria sẽ tiến hành phong tỏa trên toàn quốc trong 10 ngày trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh ở Bulgaria. Với lệnh phong tỏa mới, các biện pháp cứng rắn hơn sẽ được áp dụng như đóng cửa các trường học, nhà trẻ, nhà hàng, trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và nhà hát…

Hiện Bulgaria đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19, khiến hơn 7.000 bệnh nhân phải điều trị tại các bệnh viện và khoảng 4.600 người có kết quả xét nghiệm dương tính trong 1 ngày (17/3). Riêng tại thủ đô Sofia, các bệnh viện đang quá tải với 75% số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 đã được sử dụng. Bulgaria cũng đang có tỷ lệ người tiêm chủng ngừa COVID-19 thấp ở EU. Cho đến nay, chỉ có 4% người Bulgaria được tiêm ít nhất một liều vaccine.   

Sau khi có kết luận của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) về độ an toàn của vaccine do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford bào chế, nhiều nước châu Âu đã nối lại việc sử dụng vaccine này, trong đó có Đức, Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Latvia, Litva và Cộng hòa Cyprus.    

Tại châu Mỹ, Tại châu Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ cán mốc 100 triệu liều vaccine trong ngày 19/3, sớm hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra ban đầu là trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên. Hiện Mỹ đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để đẩy lùi làn sóng dịch bệnh vốn đã khiến hơn 30 triệu người ở nước này mắc bệnh, trong đó có hơn 55.000 ca tử vong.   

Bộ Ngoại giao Mexico thông báo lệnh hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới đường bộ chung với Mỹ sẽ kéo dài thêm một tháng tới ngày 21/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Cơ quan chức năng Mexico và Mỹ đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại qua biên giới đường bộ chung từ tháng 3/2020.

Theo Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard, các biện pháp hạn chế trên không ảnh hưởng tới công dân của nước này làm việc tại Mỹ và ngược lại. Quan chức Mexico cho biết hai bên đã nhất trí danh mục các hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo lưu thông thương mại qua biên giới chung. Theo thống kê của cơ quan cửa khẩu, mỗi ngày khoảng 1 triệu công dân của hai nước qua lại biên giới chung và giá trị biên mậu lên đến 1,7 tỷ USD.     

Lực lượng hải quan và quân đội Mexico đã thu giữ 5.775 liều vaccine Sputnik-V giả tại sân bay Campeche nằm ở phía Đông Nam của Mexico. Sau khi nhận thông báo, Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) - chủ thể chịu trách nhiệm hoạt động xuất khẩu vaccine Sputnik-V - cho biết qua phân tích hình ảnh thiết kế và mẫu mã có thể khẳng định đây là lô vaccine giả. Theo thông cáo của cơ quan chức năng Mexico, lô vaccine giả được vận chuyển bởi một máy bay tư nhân có đích đến là Honduras.

Thanh Phương/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...