Bảo tồn Sơn Trà: 'Xin hãy nghĩ tới con cháu mình'
(Thethaovanhoa.vn) - Đó là phát biểu của ông Huỳnh Tấn Vinh (Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng) tại buổi tọa đàm phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà (tổ chức tại Hà Nội sáng nay 30/5.)
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với các bộ, ngành về Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà
- Cần một quy hoạch quốc gia để giữ Sơn Trà toàn bích
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải trình về quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sơn Trà
- Sơn Trà và chỉ lệnh của Phó Thủ tướng
Trước đó, vào tháng 3, ông Vinh cũng được dư luận chú ý khi gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ với nội dung đề xuất giữ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà, không xây mới cơ sở lưu trú.
Trong cuộc tọa đàm sáng nay (do Bộ VH, TT&DL phối hợp cùng UBND tỉnh Đà Nẵng tổ chức), một lần nữa ông Vinh nhắc lại đề xuất của mình: Các cơ quan chức năng cần sớm rà soát lại thực trạng bảo tồn tự nhiên tại Sơn Trà, kèm theo đó là những dự đoán về sự biến động của khu vực này trong tương lai. Trên cơ sở những nghiên cứu này, việc quy hoạch bảo tồn và phát triển bán đảo Sơn Trà cần được tiếp tục lấy ý kiến trước khi có quyết định cuối cùng.
Dẫn ra những giá trị đặc thù của Sơn Trà về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, vai trò quốc phòng, ông Vinh đặt câu hỏi: việc xây thêm những cơ sở lưu trú tại bán đảo Sơn Trà có cần thiết, khi mà Đà Nẵng đã có rất nhiều khách sạn?
"Tính tất cả các loại hình, Đà Nẵng có tới gần 3 vạn phòng nghỉ. Trên lý thuyết, nếu khai thác tốt, số phòng này có thể đón được hàng chục triệu lượt khách" – ông Vinh nói. "Sơn Trà chỉ cách trung tâm thành phố vài cây số. Du khách hoàn toàn có thể tới thăm bán đảo rồi quay xuống nghỉ tại các khách sạn quanh bãi biển".
Không phản đối việc khai thác bán đảo Sơn Trà vào mục đích du lịch nhưng từ góc độ cá nhân, ông Vinh cho rằng khu vực này nên được quy hoạch theo hình thức bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, thay vì hưởng thụ các dịch vụ "nhân tạo", du khách tới đây sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, khám phá các hệ thống thực vật, sinh vật... với những yêu cầu nghiêm ngặt.
"Mô hình như vậy không thiếu ở các nước. Tôi từng đến công viên sinh thái ở đảo Philip, gần Melbourne (Australia). Tại đó, du khách phải trả hàng chục đô la, cất hết các thiết bị hitech cá nhân và giữ yên lặng để... ngồi chờ ngắm những chú chim cánh cụt, biểu tượng của khu du lịch nổi tiếng này" – ông Vinh nói.
"Với loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm, Sơn Trà hoàn toàn cũng có thể làm như vậy. Khi đó, bán đảo này sẽ trở thành điểm đến, có tác dụng kích thích sự phát triển du lịch của toàn Đà Nẵng, thay vì việc xây khách sạn tại đây và chỉ để một số chủ đầu tư hưởng lợi".
"Có các lãnh đạo ngành văn hóa và du lịch ở đây, tôi mong các anh hãy cùng chung sức bảo tồn Sơn Trà vì tương lai của con cháu mình. Để một ngày nào đó trong tương lai, các anh có thể dẫn con tới Sơn Trà và kể rằng: năm 2017, ba là một trong những người cùng lên tiếng để bảo vệ và giữ màu xanh cho bán đảo này" – ông Vinh nói.
Sơn Tùng