loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ người dân Đà Nẵng, không chỉ Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng, phần lớn phóng viên báo chí ở thành phố bên sông Hàn đều hân hoan về động thái mới nhất của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, liên quan đến bản Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nức lòng
Cụ thể, ngày 12/5, Văn phòng Chính phủ gửi thông báo đến Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND TP Đà Nẵng truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ và chính quyền Đà Nẵng "khẩn trương chỉ đạo xem xét một cách thực sự khoa học và cầu thị kiến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng; kịp thời thông tin đầy đủ cho công luận, có báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/5".
“Chỉ lệnh” của Phó thủ tướng phát ra trong bối cảnh một ngày trước đó, trong buổi làm việc của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) với Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã cấm cửa báo chí, tuyên bố bản Quy hoạch tổng thể trên là đúng quy trình, không phải “sửa” theo khuyến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng về Giải pháp Bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, vốn được 11.700 người ký ủng hộ.
Chính điều đó đã làm người Đà Nẵng vô cùng bức xúc. Nên nhớ, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thuộc Tổng Cục Du lịch, “ tác giả” của “Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã không tham dự Hội thảo “Giải pháp Bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng” tổ chức ngày 28/04/2017, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Nhóm nghiên cứu – Giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật (DN- EBR) thuộc Đại học Đà Nẵng cùng phối hợp tổ chức.
Tổng cục Du lịch cho rằng cần phải tuân thủ tuyệt đối bản Quy hoạch đã được phê duyệt là làm tròn bổn phận “công bộc”, thay vì phải biết lắng nghe ý kiến, trí tuệ, nguyện vọng của người Đà Nẵng về sinh mệnh Sơn Trà, phải biết tham mưu với Chính phủ, với Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan về những “lỗ hổng” phát sinh trong bản quy hoạch, có thể nguy hại đến Sơn Trà, đã được cảnh báo trong Khuyến nghị của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng.
Chính vì lẽ đó, ông Huỳnh Tấn Vinh và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã không ký vào biên bản buổi họp mang tính áp đặt này.
Nghĩ về việc nhận sai và sửa sai
“Chúng tôi đón nhận thông tin Phó thủ tướng chỉ đạo Tổng cục du lịch xem xét lại khuyến nghị của các nhà khoa học, của Hiệp hội du lịch và người dân Đà Nẵng với tâm trạng vô cùng hạnh phúc. Cuối cùng thì những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều người yêu mến Sơn Trà đã được Phó thủ tướng quan tâm”, sáng nay, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng nói với người viết.
“Tổng cục Du lịch vào Đà Nẵng làm việc chỉ để thông báo là bản quy hoạch đúng quy trình, không điều chỉnh gì nữa, họ có dấu hiệu lạm quyền bởi phát ngôn đó phải thuộc về chính phủ, hay ít nhất là Bộ VH, TT& DL. Chính vì thế dư luận càng bức xúc. Quy hoạch Sơn Trà không phải nặng phần xây khách sạn, băm nát Sơn Trà”. Ông Vinh nói thêm.
Ở bài viết này, chúng tôi không nói ai sai, ai đúng liên quan đến bản Quy hoạch, nhưng vấn đề Sơn Trà cần được ứng xử theo tinh thần nghiêm túc hơn, cầu thị hơn, thực sự vì sự phát triển bền vững của Sơn Trà, thay vì chuyện đã rồi (tức đã phê duyệt bản Quy hoạch rồi coi như cứ thế mà thực hiện).
Cũng cần phải xác định lại: Trước hàng loạt công trình manh mún, phân bổ không khoa học, trước các mối quan hệ chồng chéo của các dự án có từ lãnh đạo các nhiệm kỳ trước lẫn phát sinh từ nhiệm kỳ hiện tại, có nguy cơ nhiễu loạn thông tin bất lợi, phương hại nghiêm trọng đến bán đảo Sơn Trà, việc “Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà đến năm 2025” là đúng đắn.
Khát vọng nâng tầm Sơn Trà thành Khu du lịch Quốc gia đẳng cấp không tác hại đến các hệ sinh thái, cảnh quan môi trường, để thế giới biết đến (như nhiều khu du lịch quốc gia nhiều nước) là chính đáng.
Lúc này, cũng không phải là “bới lông, tìm vết” ai sai, dự án nào sai, công trình nào sai, mà là sửa những cái sai, chưa hợp lý về Sơn Trà, như thế nào.
Điều nhiều người mong mỏi là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, tham gia cùng với Hiệp Hội du lịch Đà Nẵng trong nỗ lực rà soát lại các bất cập như được khuyến nghị của Quy hoạch tổng thể Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà đến năm 2025”, thay vì cứ để dư luận, báo chí và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khá “đơn độc” như lâu nay.
Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm thành phố Đà Nẵng không xa, nhưng hết sức bí ẩn, hàm chứa nhiều mật ngữ thiên nhiên. Thế nhưng thời gian qua, Sơn Trà càng có phần “bí ẩn”, bởi những gì mà con người đang khoác lên mình “mắt thần Đông Dương”.
“Có lẽ thời gian tới, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng sẽ phối hợp với nhiều phía, nhiều tổ chức để mở cuộc Hội thảo rộng rãi về Quy hoạch Sơn Trà sao thì mới ra vấn đề” - ông Huỳnh Tấn Vinh phấn khởi.
Hữu Quý
loading...