Bần cùng sinh... không tặc
(Thethaovanhoa.vn) - Ai cũng vui mừng khi Thế Chiến 1 ngưng tiếng súng, chỉ có các phi công là thất nghiệp hàng loạt, vì cái nghề máu me của họ không được trọng dụng nữa. Các anh hùng trên không trung phải kiếm miếng ăn bằng cách nào đó dưới đất, hoặc nghĩ ra mấy trò mạo hiểm mà không ít người phải trả bằng mạng sống.
Tất cả hãy nhìn lên trời!
Dòng tít in đậm trên bìa tuần báo Liberal Democrat hôm 10/11/1921 thực ra là thừa, vì không ai đủ mù và điếc để lờ đi 35 chiếc máy bay hai tầng cánh vè vè quần đảo ở độ cao sát tháp chuông nhà thờ. Cũng có lẽ nhiều người trong số 3.600 dân làng lần đầu tiên được thấy máy bay; chả mấy khi có chuyện gì nhộn nhịp ở xứ Kansas khỉ ho cò gáy này.
Và dân làng cũng không phải hối hận. Hai ngày liền, như quảng cáo hứa hẹn, họ được chứng kiến những màn biểu diễn trên không đến thót tim. Không chỉ các trò phi cơ bay đua, bay nhào lộn, mà đột nhiên có người trèo ra cánh, chạy đi chạy lại hoặc trồng cây chuối, rồi lại bám dây thừng đu theo máy bay. Từ khi các nhà tiên phong như Wilbur và Orville Wright vào năm 1908 mở đường cho ngành hàng không có động cơ, đã có nhiều phi công lẻ tẻ biểu diễn kiếm tiền, nhưng ở đâu ra cả đàn phi cơ và nghệ sĩ nhào lộn đầy vẻ chán sống?
Từ mặt trận về, dĩ nhiên: khi Thế chiến 1 chấm dứt, đa số các phi công bị sa thải. Là những kỹ thuật viên cao cấp và được đào tạo để làm những việc phi thường, họ không dễ chuyển sang làm nghề khuân vác hay quét đường. May mắn thay, thị trường giờ đây cũng tràn ngập đủ loại máy bay đã bị xếp kho, quá đắt đỏ trong bảo dưỡng và chỉ tìm chủ mới rước đi. Một chiếc máy bay “bà già” mới tinh chỉ có giá bằng nửa chiếc Ford T là chiếc ô-tô rẻ nhất bấy giờ! Và thế là các đội phi công diễn rong lấy tiền xuất hiện, được gọi là lũ Barnstormer - giống như các tốp diễn kịch rong, đi từ làng này qua làng khác khất thực. Nhóm Barnstormer cũng rách rưới tương tự, nhưng họ đem đến những show diễn hoành tráng hơn nhiều.
Mọi may rủi nhờ Jenny
Nếu truyền thuyết không bị tam sao thất bản thì năm 1918 phi công Mỹ Ormer Locklear là người tình cờ khởi sự trò Wingwalking - ông lấy dây buộc chặt cần lái khi máy bay ở trạng thái thăng bằng rồi trèo ra cánh máy bay để sửa một lỗi nào đó. Khi chạm đất, các đồng nghiệp và thợ máy tưng bừng chạy tới đón chào người hùng.
Locklear cũng chỉ hoàn tất được cú biểu diễn rợn tóc gáy đó vì ông lái một chiếc Jenny, loại máy bay huấn luyện của Mỹ ngày đó. Jenny là tên gọi âu yếm dành cho máy bay hai tầng cánh Curtis JN-4, được thiết kế trong Thế chiến 1 sau khi quân Đồng minh tổn thất nhiều phi công trong các chuyến bay tập (8.000 người) so với trong các cuộc không chiến (khoảng 6.000). Nhà sản xuất phi cơ Mỹ Curtis vắt óc nghĩ ra một chiếc máy bay với tốc độ tối thiểu để tăng mức an toàn. Jenny đóng vai trò cải thiện rõ rệt triển vọng… sống sót của phi công qua thời kỳ đào tạo, và do đó được sản xuất với số lượng lớn. Nó đạt tốc độ tối đa 120 km/h, và khi hạ cánh chỉ còn 60 km/h, quả là không khác một cái xe máy hạng trung thời nay. Jenny là máy bay học nghề lý tưởng, tuy nhiên để chiến đấu hay làm các việc khác thì quá tồi, do đó vào thời hậu chiến Jenny không chỉ là mẫu máy bay hai tầng cánh được sản xuất nhiều nhất thế giới, mà còn là phi cơ vô dụng nhất. Chính vì tốc độ nực cười ấy mà các phi công thất nghiệp mê mẩn Jenny. Cả Ormer Locklear cũng mua một chiếc và biểu diễn trò chui khỏi ca-bin đi ra cánh. Với tốc độ bay tối thiểu 70 km/h, Jenny là công cụ lý tưởng cho những trò mạo hiểm tương tự và là phao cứu sinh cho các cựu phi công đói kém.
“Vũ điệu thần chết” - theo nghĩa đen
Ormer Locklear nhanh chóng trở thành một trong những Wingwalker nổi tiếng thế giới, trong hai năm, ông giàu sụ nhờ các màn biểu diễn cũng như đóng thế cho Hollywood. Sinh nghề tử nghiệp, ngày 2/8/1920 ông qua đời trong một vụ bay đêm với Jenny trước ống kính camera. Nói ra thì cũng tàn nhẫn, song đó chính là cái khán giả chờ đợi: Họ muốn được trải nghiệm những vở nguy hiểm chết người. Và chừng nào có cầu thì sẽ có cung. Một năm sau, một phụ nữ Pháp tên Andree Peyree bắt đầu lưu diễn dọc ngang Hoa Kỳ với danh hiệu “Wingwalker phái yếu” độc nhất vô nhị. Chỉ ba tuần sau, cô phải chia danh hiệu đó với Elsie Allan, một đồng nghiệp người Mỹ. Màn rùng rợn nhất là hai người bay song song rồi trèo ra cánh, lách qua nhau rồi đổi máy bay cho nhau, tất nhiên không có biện pháp bảo hiểm nào. Đó là màn nhái theo “Vũ điệu tử thần” mà đích thân Ormer Locklear sáng tác và cùng biểu diễn với William Pickens, ba tuần trước khi tử nạn.
Trò nguy hiểm đến mấy rồi cũng nhàm, đòi hỏi phải kinh dị hơn nữa. Trong đội bay nghệ thuật bắt đầu một cuộc ganh đua, ngày càng liều mạng và nguy hiểm hơn. Khi vũ điệu tử thần đã nhạt, người ta còn nhảy từ máy bay xuống ô-tô hay ngược lại, nhào lộn hay chơi tennis trên cánh… Không ít người phải trả giá cho mạng sống vì bị cuốn vào cánh quạt hoặc đứt dây thừng bảo hiểm.
Xét về mặt nào đó, sự nghiệp ngắn ngủi của cô bé Mildred Urban cũng nên đem kể lại ở đây. Tại Triển lãm Pathé, khán giả đứng tim khi xem một cô bé 10 tuổi trong áo dài trắng leo ra tầng cánh trên của chiếc Jenny, cố chống lại sức gió rồi từ từ bắt đầu điệu nhảy Charleston. Mildred còn may mắn, trong khi báo liên tục đăng tin về tai nạn, nhiều đến nỗi nhà chức trách phải can thiệp. Cuối thập niên 20, báo chí Mỹ bắt đầu mở mục tranh luận về sự thiếu vắng của luật pháp trên mây. Năm 1936, một đạo luật quy định độ cao tối thiểu khi biểu diễn trên không. Hai năm sau, Air Commerce Act ra đời, luật này quy định các nghệ sĩ phải đeo dù. Nhưng có hay không có bảo hiểm thì nghệ thuật này cũng hết khán giả, vì ở độ cao đó chẳng nhìn thấy gì nữa…
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần