A+ A A- Kiểu đọc sách

2 người Na Uy tử vong sau khi được tiêm vaccine ngừa COVID-19

10:14 06/01/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể cấp phép cho loại vaccine thứ hai ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong những giờ tới và thông báo một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khủng hoảng y tế sẽ được tổ chức trong tháng 1 này. 

Thế giới hơn 86 triệu ca mắc Covid-19, hơn 1,8 triệu người chết

Thế giới hơn 86 triệu ca mắc Covid-19, hơn 1,8 triệu người chết

86.803.021 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.874.297 ca tử vong. Hơn 61,52 triệu bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới đã phục hồi trong khi còn 23,407 triệu bệnh nhân vẫn đang được điều trị.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các nước thành viên EU đã gây áp lực buộc Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) phải cấp phép cho vaccine của hãng dược phẩm Moderna của Mỹ khi các quốc gia tiên tiến khác như Anh, Mỹ và Israel đã phê duyệt. Ủy ban về các sản phẩm thuốc dùng cho người (CHMP) thuộc EMA đã không chấp thuận trong cuộc thảo luận ngày 4/1 và đồng ý triệu tập lại cuộc họp vào ngày 6/1. Đến nay, vaccine ngừa COVID-19 duy nhất được sử dụng trong EU là loại vaccine do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất, đã được EMA cấp phép ngày 21/12/2020.

Tại cuộc họp báo tại Lisbon, nhân dịp Bồ Đào Nha nhậm chức Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng đầu năm, ông Michel khẳng định ngay cả khi không chắc chắn, EU hy vọng rằng trong những giờ tới, loại vaccine  thứ hai sẽ được công nhận.

Chủ tịch Michel nói rằng việc cung cấp vaccine cho gần 450 triệu người dân của EU là "thách thức to lớn", nhưng nhấn mạnh cùng với các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu đang làm việc ngày đêm để đảm bảo liên minh có thể tăng số lượng vaccine, đồng thời tôn trọng tính độc lập của cơ quan dược phẩm EMA.

Trong ảnh: Một cụ bà được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại Haxby, Anh ngày 22/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Một cụ bà được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại Haxby, Anh ngày 22/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày 5/1, Cơ quan Dược phẩm Na Uy cho biết 2 người đã tử vong sau khi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở nước này. Thông báo nêu rõ: “Ngày 5/1, chúng tôi nhận được báo cáo về 2 trường hợp tử vong xảy ra vài ngày sau khi tiêm chủng”.

Việc tiêm chủng ở Na Uy sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech, bắt đầu từ ngày 27/12/2020. Cư dân một nhà dưỡng lão ở Oslo là những người đầu tiên được tiêm chủng. Nhà chức trách Na Uy đang điều tra xem liệu các trường hợp tử vong có liên quan đến vaccine hay không.  

Trong khi đó, Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang lên kế hoạch tiêm phòng vaccine COVID-19 cho 50% dân số ngay trong quý I/2021.

Người phát ngôn Cơ quan y tế UAE Farida Al Hosani nhấn mạnh UAE sẽ nỗ lực tập trung tiêm chủng với tỷ lệ cao nhất cho toàn xã hội nhằm tạo ra hiệu quả miễn dịch từ vaccine, qua đó giúp giảm số ca mắc COVID-19 và tiến tới kiểm soát được dịch bệnh.  

UAE đã khởi động chương trình tuyên truyền toàn quốc về vaccine COVID-19 nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho xã hội nhằm giúp họ đưa ra quyết định phù hợp và góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Kim Chung - Duy Trinh - Văn Ứng 

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...