loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 5/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 86.260.742 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.864.089 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 61.206.135 người.
Thủ tướng Angela Merkel cùng thủ hiến của 16 bang và lãnh đạo các chính quyền địa phương họp trực tuyến ngày 5/1 thảo luận kế hoạch kéo dài lệnh phong tỏa, trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 tại nền kinh tế số 1 châu Âu vẫn gia tăng bất chấp các biện pháp siết chặt trong kỳ nghỉ lễ.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 362.130 ca tử vong trong tổng số 21.354.933 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 149.886 ca tử vong trong số 10.357.569 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 196.591 ca tử vong trong số 7.754.560 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 170 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 139 người và Bosnia-Herzegovina với 126 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 27,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 589.500 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 513.500 ca tử vong trong hơn 15,8 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 369.500 ca tử vong trong hơn 21,4 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 221.800 ca tử vong trong hơn 14 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 90.800 ca tử vong, châu Phi có hơn 67.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 945 người.
Tại châu Á, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 5/1 ghi nhận thêm 1.278 ca mắc COVID-19 - mức tăng trong ngày cao thứ 2, chỉ sau mức 1.337 ca nhiễm được ghi nhận vào ngày 31/12/2020. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Tokyo là 64.724 ca, trong đó số ca nghiêm trọng cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay là 111 ca, tăng 3 ca so với 1 ngày trước đó. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dự kiến vào ngày 7/1, Chính phủ Nhật Bản sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Saitama, Chiba và Kanagawa theo Luật đặc biệt phòng chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, giới chức y tế Hàn Quốc xác nhận thêm 2 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới ở quốc gia châu Á này lên 12 ca. Hiện làn sóng lây nhiễm thứ 3 tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu chậm lại và ở mức có thể kiểm soát nhờ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng trước kỳ nghỉ lễ cuối năm. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này vẫn bày tỏ lo ngại khi vẫn xuất hiện các trường hợp lây nhiễm tập thể và biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn.
Tính đến ngày 5/1, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 64.979 ca bệnh sau khi phát hiện thêm 715 ca mắc mới trong 24 giờ trước đó. Số ca mắc mới đã giảm mạnh so với mức 1.020 ca ghi nhận ngày 4/1 và thấp hơn mức trung bình 894 ca/ngày trong tuần trước. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Hàn Quốc hiện là 1.007 ca. Thủ tướng Chung Sye-kyun đang thúc đẩy kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn một nửa dân số Hàn Quốc trước mùa Thu năm nay.
Ngày 5/1, Thái Lan ghi nhận thêm 527 ca mắc mới, hầu hết là những người di cư từ Myanmar sinh sống tại tỉnh Samut Sakhon ở miền Trung nước này. Tính tới nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 8.966 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.900 ca lây nhiễm trong nước và 2.066 ca trong các khu cách ly. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan hiện là 65 ca. Đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất ảnh hưởng tới 56 tỉnh, trong đó 28 tỉnh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất, với 5 tỉnh trong nhóm này buộc phải triển khai các biện pháp ngăn chặn bổ sung.
Bộ Y tế Philippines cùng ngày cũng thông báo thêm 937 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 479.693 trường hợp. Như vậy, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại Philippines dưới mức 1.000.
Tuy nhiên, bộ trên cho rằng số ca mắc mới giảm chủ yếu vì công tác xét nghiệm chậm lại trong kỳ nghỉ lễ cuối năm và không loại trừ khả năng số ca mắc mới tăng trở lại trong những tuần tới. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Philippines hiện là 9.321, tăng 58 ca trong 1 ngày qua. Số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục ở quốc gia này là 448.375 ca.
Tại châu Âu, Chính phủ Italy đã quyết định siết chặt hoạt động đi lại của người dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sau kỳ nghỉ Giáng Sinh và Năm mới. Cụ thể, từ ngày 7-15/1, mọi hoạt động đi lại giữa các vùng, các khu vực tự trị đều bị cấm, ngoại trừ lý do công việc, sức khỏe hay trường hợp khẩn cấp.
Theo sắc lệnh mới của Chính phủ Italy, tại các "vùng đỏ", các cửa hàng, quán bar, nhà hàng đều phải đóng cửa, trừ các cửa hàng thiết yếu như thực phẩm, nhu yếu phẩm; người dân không được phép ra ngoài ngoại trừ lý do công việc, sức khỏe, và trường hợp cấp thiết… Sắc lệnh mới cũng hạn chế đi lại vào dịp cuối tuần, tiếp tục áp dụng lệnh giới nghiêm sau 22h00, người dân không được phép đi lại giữa các thành phố, và các nhà hàng, quán bar đóng cửa.
Đan Mạch cũng thông báo sẽ siết chặt giới hạn số người được phép tụ tập từ 10 xuống còn 5 người nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Armenia ngày 5/1 cho biết Tổng thống nước này - ông Armen Sarkissian đã mắc COVID-19 và đang phải tự cách ly. Theo thông báo, ông Sargsyan đã ăn mừng Năm mới với gia đình ở London (Anh) và vừa trải qua phẫu thuật chân tại đây ngày 3/1.
Hiện đã có thêm Oman, Iran, Brazil và bang New York (Mỹ) ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh. Trong những tháng gần đây, cả Anh và Nam Phi đều phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, kéo theo số ca nhiễm mới tăng nhanh và lây lan ra nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể mới tại Anh đã chiếm tới 50% các ca nhiễm mới được chẩn đoán ở nước này.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học, biến thể mới được phát hiện ở Nam Phi khác với biến thể tại Anh vì có nhiều đột biến ở protein gai quan trọng mà virus SARS-CoV-2 dùng để thâm nhập vào các tế bào của con người. Bên cạnh đó, biến thể tại Nam Phi còn khiến tải lượng virus SARS-CoV-2 cao hơn, nghĩa là nồng độ hạt virus trong cơ thể bệnh nhân cao hơn, có thể góp phần làm mức độ lây nhiễm cao hơn.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 5/1 đã quyết định hủy chuyến công du theo kế hoạch đến Ấn Độ vào cuối tháng này, với lý do cần phải giám sát công tác ứng phó đại dịch COVID-19 ở Anh. Một người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết: "Trong bối cảnh lệnh phong tỏa toàn quốc được công bố vào đêm qua và tốc độ lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Thủ tướng (Johnson) nói rằng điều quan trọng là ông phải ở lại Anh để có thể tập trung vào công tác ứng phó trong nước đối với loại virus này".
TTXVN
loading...