Liệu hình xăm có còn là điều cấm kỵ ở Olympic?
(Thethaovanhoa.vn) - Hình xăm được coi là một trong những khía cạnh được quan tâm trước khi đại dịch Covid-19 thay đổi mạnh mẽ câu chuyện của Thế vận hội. Liệu khi không có khán giả hoặc khách du lịch quốc tế ở Nhật Bản, các VĐV mang hình xăm, mà điều này vốn bị cấm kỵ trong văn hóa Nhật Bản hiện đại, có gây sự chú ý một cách tiêu cực?
Xem trực tiếp Olympic Tokyo 2021 trên VTV5, VTV6:
https://vtv.vn/vtv6/truyen-hinh-truc-tuyen.htm
https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv5.htm
- Lịch thi đấu bóng đá Olympic 2021: VTV5 VTV6 trực tiếp bóng đá Olympic Tokyo 2020
- Kết quả bóng đá Olympic Tokyo 2021 hôm nay - Ket qua bong da Olympic 2021
- Bảng xếp hạng bóng đá Olympic Tokyo 2021 - Bang xep hang bong da Olympic 2021
Trước khi đại dịch trở thành câu chuyện được nói đến nhiều ở Tokyo 2020, đã có những câu hỏi xoay quanh việc liệu các VĐV và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến Nhật Bản để khoe những hình xăm có thể nhìn thấy được có ảnh hưởng gì đến văn hóa nước này không.
Lịch sử tai tiếng
Vấn đề là hình xăm từ lâu đã trở thành điều cấm kỵ ở Nhật Bản do chúng có mối liên hệ với các băng nhóm tội phạm như yakuza. Điều này bắt nguồn từ “irezuma”, là những hình xăm truyền thống của Nhật Bản lần đầu tiên nổi tiếng cách đây hàng trăm năm và từng được trưng bày trong nước như một loại hình nghệ thuật. Sau đó, vào năm 1720, chính phủ quyết định rằng thay vì cắt mũi hoặc tai của những tên tội phạm bị kết án, họ sẽ xăm lên cánh tay hoặc trán của chúng để mọi người có thể nhận dạng.
Đến đầu thế kỷ 19, hình xăm không còn được ưa chuộng dưới thời Minh Trị, khi đất nước đang trải qua những thay đổi khác nhau thông qua quá trình thực dân hóa khu vực và hiện đại hóa của châu Âu. Một bài báo trên tờ Asia Pacific Perspective có cho biết, trong khi các nước phương Tây như Mỹ ngày càng chấp nhận hình xăm hơn, thì ở Nhật Bản, chúng vẫn là một "dấu hiệu của sự ghẻ lạnh", “sự chống đối xã hội vốn đã được củng cố vững chắc trong suy nghĩ của mọi người. Nói một cách dễ hiểu, hình xăm ở Nhật Bản có vấn đề gì đó về hình ảnh”.
Vì thế, hiện nhiều nơi ở Nhật Bản vẫn cấm những người có hình xăm lộ liễu, chẳng hạn như trong nhà tắm, phòng tắm hơi, bể bơi công cộng, bãi biển, phòng tập thể dục và thậm chí cả nhà hàng. Nhiều thành viên yazuka, vốn đã rời bỏ lối sống tội phạm trong bối cảnh chính phủ kiểm soát thu nhập của các nhóm, rất khó có thể tái hòa nhập xã hội nếu hình xăm của họ vẫn còn lộ rõ. Một số gặp khó khăn khi tìm việc làm và cảm thấy bị kì thị vì hình xăm của họ.
Đại dịch làm thay đổi tất cả
Trước đại dịch Covid-19, hình xăm là chủ đề gây tranh cãi tại Giải bóng bầu dục thế giới 2019 ở Nhật Bản, khi các trận đấu được tổ chức trên khắp đất nước. Lí do là các cầu thủ New Zealand có nói rằng, họ hài lòng khi che được các hình xăm trước công chúng vì sự nhạy cảm về văn hóa.
Vào tháng 9/2019, một phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án tối cao Nhật Bản cho thấy, các quy tắc truyền thống đang bắt đầu thay đổi khi nói đến các tập tục cổ xưa. Tòa án cấp cao nhất của đất nước lần đầu tiên ra phán quyết rằng, việc xăm mình cho ai đó mà không có giấy phép y tế không vi phạm luật của những người hành nghề y. Vì thế, Tòa án tối cao Nhật Bản đã từ chối kháng cáo của các công tố viên đối với vụ kiện chống lại Taiki Masuda, 32 tuổi, người đã xăm trổ cho ba người và bị phạt 150 nghìn yên Nhật (tương đương với 1.350 USD). Masuda không có giấy phép y tế, tuy nhiên, hầu hết các tiệm xăm ở Nhật Bản đều không có giấy phép và xem như hoạt động bất hợp pháp. Tòa án cũng đề nghị một luật mới nên được ban hành nếu cần có các hạn chế pháp lý khi nói đến hình xăm.
Về phía Masuda, Tòa tối cao tuyên bố rằng, các hành vi y tế là "hành động được coi là điều trị y tế hoặc hướng dẫn sức khỏe có thể gây hại vệ sinh nếu không được bác sĩ thực hiện". Tòa cũng thêm rằng, "hình xăm đòi hỏi kĩ năng nghệ thuật khác với y học và không thể cho rằng chỉ có bác sĩ thực hiện độc quyền”.
Tại Olympic Tokyo 2020, có rất nhiều VĐV có hình xăm có thể nhìn thấy và họ sẽ tham gia các môn thể thao như bơi lội, thể dục dụng cụ, bóng rổ, bóng đá và trượt ván, nơi cơ thể không được che đậy hoàn toàn bởi thiết bị hoặc áo thi đấu. Trong số này có các VĐV bơi lội người Mỹ Caeleb Dressel, VĐV trượt ván Nyjah Huston và VĐV bóng rổ Czech, Ondrej Balvin.
Việc xăm những vòng tròn Olympic lên cơ thể của một người cũng là một thói quen phổ biến đối với các VĐV và nhiều người đến Tokyo sẽ xăm thêm, như VĐV bơi lội người Thụy Điển Michelle Coleman, VĐV thể dục dụng cụ người Italy Vanessa Ferrari và VĐV thể dục dụng cụ người Croatia Ana Derek.
Mạnh Hào