Giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn châu Âu: Bóng đá cần góp một tay
(Thethaovanhoa.vn) - Như mọi khi, các CĐV là những người đầu tiên. Khoảng một tuần trước, các tấm băng-rôn với cùng một nội dung đồng loạt xuất hiện trên các sân bóng ở Bundesliga, ở Borussia Dortmund, Hamburg, Werder Bremen, Wolfsburg…
Khi cả châu Âu chung tay
Chỉ trong vài ngày, thông điệp của họ cũng trở thành thông điệp chung của châu Âu: Chào mừng những người tị nạn.
Các CLB chậm chạp hơn, nhưng dần dần, họ cũng tham gia. Bayern Munich là đội đầu tiên, thông báo tuần trước rằng họ sẽ đóng góp 1 triệu euro để hỗ trợ những người tị nạn ở bang Bavaria. Họ cũng sẽ tổ chức các sân chơi bóng đá và lớp dạy tiếng Đức cho trẻ em.
Celtic là đội tiếp theo, nói họ góp một phần tiền bán vé trong một trận giao hữu ở kỳ nghỉ khi các ĐTQG tập trung cho việc từ thiện. Tiếp theo là những khoản đóng góp hào phóng từ Real Madrid. Tuần này, Chủ tịch FC Porto, Pinto da Costa, đã viết một lá thư cho UEFA đề nghị mỗi CLB đóng góp một euro từ một tấm vé bán được để giúp người tị nạn trong vòng đấu mở màn Champions League.
Đó chỉ là những điểm nổi bật, còn nhiều nhân vật khác trong thế giới bóng đá, các CLB cả lớn và nhỏ, cả giàu lẫn nghèo, có kế hoạch riêng hỗ trợ những nạn dân xấu số.
Thật ra, việc giúp đỡ người nhập cư của các CLB bóng đá không chỉ mới diễn ra, chẳng qua là điều đó nhận được nhiều sự chú ý hơn vì cuộc khủng hoảng nhân đạo lần này quá tồi tệ với quy mô quá lớn.
Việc hỗ trợ những người tị nạn đã được Liên minh châu Âu (EU) xác định là công việc của cả khối, và bóng đá không phải là ngoại lệ. Trong khi quan điểm ở mỗi nước, mỗi người và tất nhiên là mỗi đội bóng, khác nhau, đang ngày càng có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ.
Không như những nhà điều hành bóng đá vẫn tin tưởng và vẫn cố gắng thực hiện, bóng đá không thể tách rời chính trị. Khi một lá cờ Albania được diễu trên bầu trời bằng máy bay điều khiển từ xa ở trận vòng loại EURO 2016 giữa Albania và Serbia ở Belgrade, trận đấu đã bị hoãn lại và Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố: “Bóng đá không thể lẫn lộn với chính trị”.
Nhưng không ai có thể ngăn cản điều đó. Bóng đá, cũng như mọi khía cạnh của đời sống, chính là chính trị. Nói cho đúng, bày tỏ sự ủng hộ với dân tị nạn cũng là một quan điểm chính trị, giống như việc bài xích và từ chối họ vậy.
Châu Âu cần đền đáp
Những người tị nạn lên các con tàu chết chóc lênh đênh trên biển giữa đêm đen ở TNK hay Libya, chờ đợi mỏi mòn ở các nhà ga xe lửa tại Macedonia và Hungary, mạo hiểm tính mạng của họ và trải qua những gian khổ mà chúng ta sẽ không tưởng tượng nổi, để thoát khỏi những vùng đất chết chóc. Phần lớn họ là người Syria, nhưng cũng có cả người Iraq, Afghanistan, Eriteria… Có những người theo Hồi giáo Sunnia, những người Hồi giáo Shia, những người Thiên Chúa giáo, cả những người vô thần.
Nhưng trong mọi bức hình chụp họ mà bạn từng thấy, dù là trên tàu giữa Địa Trung Hải hay đang bồng bế nhau ở miền Nam châu Âu, bạn sẽ luôn thấy một chiếc áo bóng đá. Đó có thể là áo đấu của Barcelona hay Real Madrid, Manchester United hay Chelsea, trên những cơ thể gầy gòm với những gương mặt tuyệt vọng.
Họ không tới châu Âu vì bóng đá, nhưng không thể phủ nhận vai trò của môn thể thao này như một đại sứ đã mang châu Âu tới với cả thế giới. Đó thậm chí có thể coi là món hàng hóa văn hóa xuất khẩu nhiều ảnh hưởng nhất của lục địa già, một thứ ngôn ngữ toàn cầu.
Bóng đá ở châu Âu đã hưởng lợi không ít từ điều đó, đã trở nên giàu có, hùng mạnh và nổi tiếng nhờ bản quyền truyền hình quốc tế, những chuyến du đấu, những chiếc áo bán được khắp thế giới, và cả những du khách đổ xô về đó chỉ để xem một trận Siêu kinh điển như giấc mơ của cả cuộc đời. Đã tới lúc bóng đá châu Âu phải đền đáp chút ít cho những người thực sự góp phần nuôi sống họ.
Trần Trọng (theo ESPN)
Thể thao & Văn hóa