Chuyện về người đàn ông mua hụt MU
(Thethaovanhoa.vn) - MU đang là đế chế kinh doanh thành công bậc nhất trong thế giới bóng đá với giá trị câu lạc bộ được định ở mức khoảng 3 tỷ bảng Anh. Sự vươn tầm của MU nhờ phần lớn vào sự thống trị của họ ở bóng đá Anh trong những năm 1990, 2000 và 2010, cũng như cách tiếp thị thông minh để tên tuổi của họ được công nhận trên toàn cầu.
Quay ngược thời gian trở lại năm 1989, MU lúc đó ở một vị thế hoàn toàn khác so với bây giờ. Câu lạc bộ thậm chí đứng trước bờ vực bị thâu tóm với giá chỉ… 10 triệu bảng.
Kế hoạch 150 triệu bảng
1989 là năm đầy biến động trong lịch sử MU. Thời điểm đó, các câu lạc bộ Anh vẫn đang bị UEFA cấm tham dự 3 Cúp châu Âu. Trước sự thống trị của Serie A, Premier League trở thành giải đấu tầm thường, tài chính ảm đạm. MU lúc đó, dưới sự quản lý của Giám đốc điều hành Martin Edwards, rơi vào tình trạng khó khăn. Công việc kinh doanh thua lỗ, lượng khán giả tới sân giảm sâu. Hội đồng quản trị vấp phải nhiều chỉ trích, Martin Edwards không được lòng các nhân vật cấp cao khác trong câu lạc bộ và có ý định ra đi. Michael Knighton, một cựu hiệu trưởng chuyển nghề kinh doanh bất động sản từ năm 1980 và tích lũy được khối tài sản đáng kể, đã nhận ra cơ hội trong tình thế hỗn loạn này.
Ông nhận thấy tiền bản quyền truyền hình đang tăng lên từ gói thầu dự kiến với Sky TV có thể biến câu lạc bộ bóng đá thành một cỗ máy kiếm tiền béo bở. Vào năm 1989, không ai có thói quen coi các câu lạc bộ bóng đá là thương hiệu. Knighton nghĩ khác. Kế hoạch của ông là thâu tóm MU và biến câu lạc bộ thành một doanh nghiệp trị giá 150 triệu bảng.
Lượng người hâm mộ đông đảo của MU là chìa khóa cho lý thuyết của Knighton. Một ngày trước khi MU đá trận mở màn mùa giải Premier League 1989-90 với Arsenal, Knighton chính thức công bố kế hoạch tiếp quản đội chủ sân Old Trafford. Trước trận đấu, Knighton mặc đồ thi đấu của MU, đứng trước khán đài Stretford End trước 48.000 người hâm mộ, tung hứng trái bóng với đông đảo phóng viên săn đón.
“Tôi muốn cho người hâm mộ thấy trước hết tôi là một cầu thủ bóng đá và thứ hai là một doanh nhân”, Knighton kể lại khoảnh khắc ngày hôm đó. “Tôi muốn thu hẹp khoảng cách giữa phòng họp và khán đài. Tôi biết có một thị trường khổng lồ đang bị giam cầm. Nếu bạn định khai thác thị trường đó, bạn cần CĐV đứng về phía bạn. Nếu bạn nhìn vào những hình ảnh của ngày hôm đó và nụ cười trên khuôn mặt của các CĐV trên khán đài, nó đã có tác dụng.”
“Quay xe”
Giám đốc điều hành Martin Edwards thời điểm đó gần như đã chấp nhận việc sẽ bán MU cho Knighton. Giá trị của thương vụ là 20 triệu bảng, trong đó 10 triệu bảng là định giá câu lạc bộ, 10 triệu bảng là chi phí để tân trang cơ sở vật chất.
Trước trận đấu với Norwich vào ngày 30/8/1989, Edwards đã viết trong bản ghi chú của mình rằng ông muốn bán MU và tiền của Knighton sẽ được sử dụng để xây dựng lại sân đấu. “Chẳng có gì bí mật, trong nhiều năm nay chúng tôi đã mong muốn cải tiến Stretford End. Tuy nhiên, kinh phí 7,5 triệu bảng Anh cho hạng mục này khiến tôi nhận ra rằng việc khởi động kế hoạch còn phải mất rất nhiều năm. Đề nghị của ông Knighton đã mang lại cho chúng tôi cơ hội phát triển sân vận động cũng như chất lượng đội bóng. Lời đề nghị này không thể từ chối”.
Nhưng màn ra mắt người hâm mộ “như thể một chính trị gia đang kêu gọi các cử tri” của ông Knighton đã khiến các lãnh đạo của MU lúc đó không hài lòng. Họ gọi khoảnh khắc ông Knighton tạo ra là “nực cười”. Và Edwards bắt đầu hối hận vì quyết định bán câu lạc bộ cho một doanh nhân mà ông đánh giá là “ngông cuồng”. Ở mỗi lần xuất hiện trên truyền hình, Knighton nói về việc mua MU, ông càng khiến các nhân vật cấp cao ở câu lạc bộ khó chịu hơn.
Và một điều kỳ lạ đã xảy ra ở giai đoạn bước ngoặt. Một bản tài liệu được gọi là “kế hoạch chi tiết” của Knighton nhằm xây dựng MU thành một doanh nghiệp trị giá 150 triệu bảng đã rơi vào tay Eddy Shah, chủ sở hữu một loạt tờ báo tại Anh có quan hệ thân thiết với lãnh đạo Quỷ đỏ.
Eddy Shah ngay lập tức liên lạc với các thành viên hội đồng quản trị của MU. Họ vội vã đến nhà của Eddy Shah ở Macclesfield, trong đó có cả huyền thoại Bobby Charlton. Xem xét bản tài liệu, họ nhận ra mình suýt gặp phải sai lầm. Ngay sau đó, họ “quay xe”, tìm mọi cách để phá vỡ quy trình tiếp quản MU của Knighton. Bởi mọi thứ đã trở nên rõ ràng, họ chẳng biết gì về giá trị của tài sản mà họ đang sở hữu.
Những lý do khiến Knighton từ bỏ thỏa thuận thế kỷ khá phức tạp. Ông chấp nhận một vị trí trong hội đồng quản trị của MU, một đề nghị được coi là giải pháp mang tính hòa giải từ ban lãnh đạo câu lạc bộ.
“Tôi nghĩ rằng tôi đã bị coi là kẻ lang băm hay diễn viên xiếc, một người không có tiền nhưng cố vẽ ra mọi thứ. Tôi muốn tất cả hiểu rằng nếu tôi như vậy thì sao tôi lại được bổ nhiệm làm Giám đốc ở MU? Tôi ngậm miệng và cúi đầu vì danh tiếng của tôi đã bị mài mòn và hầu như không thể thay đổi hình ảnh của mình trước công chúng”, Knighton thổ lộ chua xót về thất bại của mình.
Cho đến bây giờ, ông vẫn chưa thôi cảm thấy hối tiếc. Vị doanh nhân nay đã 69 tuổi ước gì ông đã nhẫn tâm hơn trong thời khắc quyết định. Ông chia sẻ: “Khi đó tôi mới 37 tuổi, tôi chưa bao giờ quen với sự chú ý của truyền thông và đột nhiên trở thành chủ đề bị báo chí miệt thị mỗi ngày. Điều làm tôi buồn một chút là nếu tôi thực hiện thỏa thuận đó, tôi sẽ được ca ngợi với tư cách là một doanh nhân bậc thầy”.
Khánh Đan