Thế giới nhuộm sắc cam để bảo vệ phụ nữ
(Thethaovanhoa.vn) - Cứ 3 phụ nữ và trẻ em gái thì có 1 người là nạn nhân của bạo lực thể xác hoặc tình dục. Con số nhức nhối này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến, dai dẳng và tàn khốc nhất trong thế giới hiện đại.
Mặc dù từ năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc mới thông qua nghị quyết lấy ngày 25/11 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, song những nỗ lực để chấm dứt tình trạng phụ nữ bị đánh đập, ngược đãi, hành hạ về tâm lý, cưỡng bức, quấy rối, bị buôn bán… đã kéo dài được 4 thập niên, từ khi LHQ năm 1979 thông qua Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này ở quy mô toàn cầu vẫn là một chặng đường dài. Năm 2017, toàn thế giới có khoảng 87.000 phụ nữ bị sát hại, trong đó, khoảng 50.000 người đã bị chính người chồng hiện tại, chồng cũ, bạn tình hoặc các thành viên khác trong gia đình sát hại. Tính trung bình mỗi ngày có 137 phụ nữ trên thế giới bị chính người chồng hoặc thành viên khác trong gia đình sát hại.
Tính đến nay, chỉ có khoảng 60% các quốc gia trên toàn thế giới có điều luật chống lại bạo lực gia đình, trong khi có 37 quốc gia vẫn miễn truy tố thủ phạm cưỡng bức nếu họ kết hôn hoặc sẽ kết hôn với nạn nhân và có 49 quốc gia hiện không có luật bảo vệ phụ nữ trước bạo lực gia đình; 71% nạn nhân buôn người trên thế giới là phụ nữ và trẻ em gái, và 75% trong số này bị bóc lột tình dục.
Đặc biệt, cưỡng bức phụ nữ vẫn là một vấn nạn toàn cầu. Số liệu của cảnh sát Ấn Độ cho thấy có 38.947 vụ cưỡng dâm được báo cáo tại nước này năm 2016, tức là cứ sau 15 phút lại có một phụ nữ bị hãm hiếp, biến Ấn Độ trở thành một trong những đất nước nguy hiểm nhất đối với phụ nữ. Tại những khu vực có chiến tranh hay xung đột, như Nam Sudan, CHDC Congo, hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của nạn cưỡng hiếp. Mỹ nằm trong nhóm có tỉ lệ các vụ cưỡng hiếp cao nhất thế giới, với 91% số nạn nhân là nữ. Tại Indonesia, tình trạng “cưỡng hiếp trong hôn nhân” đang diễn ra đáng báo động. Thậm chí ngày nay, 3 tỷ phụ nữ và trẻ em gái sống ở các quốc gia nơi cưỡng hiếp trong các cặp vợ chồng không được coi là một hành vi phạm tội.
Bạo lực đối với phụ nữ tiếp tục là một trở ngại trên chặng đường tiến tới bình đẳng, phát triển, hòa bình cũng như bảo đảm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu. Cam kết về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - không để ai bị bỏ lại phía sau – sẽ không thể trở thành hiện thực nếu không chấm dứt được bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chủ đề của Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ năm nay là “Nhuộm cam thế giới: Thế hệ bình đẳng chống lại nạn cưỡng bức”.
Bắt đầu từ ngày 25/11 năm nay và kéo dài trong hai năm tiếp theo, chiến dịch Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ do Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát động, một chiến dịch nhiều năm nhằm ngăn chặn và xoá bỏ bạo lực đối với nữ giới, sẽ tập trung vào vấn nạn cưỡng bức và những tổn hại mà nó gây ra đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Theo bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Phó Tổng thư ký LHQ, Tổng Giám đốc LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), cưỡng bức gây tổn hại cả về thể xác và tâm lý, có thể kéo theo những hậu quả không mong muốn và huỷ hoại cuộc sống của nạn nhân. Những tác động mang tính tàn phá và lâu dài của hành vi cưỡng bức ảnh hưởng đến không chỉ nạn nhân mà cả gia đình, bạn bè, người thân của họ. Xoá bỏ nạn cưỡng bức cũng đồng nghĩa là xóa sổ một mối đe dọa hằng ngày đối với trẻ em gái và phụ nữ trong không gian công cộng và riêng tư, mang đến một thay đổi sâu rộng cho xã hội.
Giống như mọi năm, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 2019 sẽ bao gồm một chuỗi hoạt động kéo dài suốt 16 ngày cho tới ngày 10/12, cũng chính là Ngày Nhân quyền quốc tế. Nhiều sự kiện đang được chuẩn bị cho sự kiện năm nay, trong đó đáng chú ý là việc nhiều tòa nhà và địa danh mang tính biểu tượng trên toàn thế giới sẽ đồng loạt chuyển sang màu cam với thông điệp kêu gọi một tương lai không bạo lực đối với nữ giới, đồng thời cũng để thúc đẩy cộng đồng quốc tế đoàn kết trong mục tiêu xóa sổ tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ. Bên cạnh thông điệp đó, 16 ngày này cũng là 16 hành động để bảo vệ phụ nữ, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội bình đẳng giới và không bạo lực với phụ nữ vào năm 2030.
Minh Ngọc/TTXVN