Thay tướng ở làng cầu Việt
(Thethaovanhoa.vn) - HLV Hoàng Văn Phúc rời ghế lái trưởng ở Quảng Nam, sau 5 năm gắn bó, với thành tích tốt nhất từng giúp bóng đá xứ Quảng lần đầu tiên trong lịch sử vô địch V-League 2017. Trách nhiệm và quyền lợi thường đi kèm, nhưng quân thua trảm tướng cũng là điều bình thường không chỉ trong bóng đá mà cuộc sống cũng vậy thôi. Và cuộc ra đi của ông Phúc chưa nguội trên mặt báo thì đến lượt Nguyễn Văn Sĩ cũng rời ghế HLV trưởng ở Dược Nam Hà Nam Định.
“Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Hẳn ông Phúc và một số người gần gũi ông, các trợ lý và cầu thủ, không phải không biết chuyện gì đã và đang xảy ra, tại một đội bóng vẫn mang danh tỉnh lẻ. Dù đã vô địch V-League, nhưng Quảng Nam vẫn không có hệ thống đào tạo trẻ và sân tập riêng; khu ăn ở của đội vẫn là dưới hầm khán đài B sân Tam Kỳ cực kỳ tồi tàn..., lãnh đạo đội đã làm những gì? Xứ Quảng vì thế chưa từng mang dáng dấp của một đội bóng lớn từng xưng bá ở V-League, mà thành tích có được, bị dân trong nghề cho là nhờ "cuộc chạy tiếp sức", cùng nỗ lực tự thân rất nhỏ.
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, kinh phí 30 tỷ đồng/mùa giải từ nhà tài trợ chỉ có thể duy trì hoạt động, chứ gần như không thể nâng cấp chất lượng đội hình để cạnh tranh, càng khi Quảng Nam không có xưởng đào tạo. Đội bóng thường xuyên phải dùng lại "hàng thải" từ mấy chỗ quen và việc kéo được về 2 bản hợp đồng chất lượng là Thanh Trung và Huy Hùng, là thành công ngoài mong đợi của ông Phúc. Ngoài ra, Hà Minh Tuấn và Phan Thanh Hưng, cũng là do SHB Đà Nẵng không có kế hoạch dùng, nên Quảng Nam mới “được”.
Nếu xâu chuỗi từ việc công thần Phan Thanh Hùng rời Hà Nội FC, Huỳnh Đức từng đứt gánh ở Đà Nẵng một mùa, Đức Thắng phải bỏ Sài Gòn FC, thì không bất ngờ khi người kế tiếp là Hoàng Văn Phúc. Các HLV này đã đem về tổng cộng 5 chức vô địch V-League, chưa kể các danh hiệu cá nhân và tập thế khác. Người thế vai ông Phúc, tướng trẻ Vũ Hồng Việt, cũng gọi là "người nhà", rất được kỳ vọng.
Trở lại vấn đề mà chúng ta đề cập ở đầu bài viết. Việc thay tướng ở các CLB đôi khi không hẳn kỳ vọng vào việc đổi vận, mà đơn giản chỉ là sự sắp xếp lại nhân sự cơ hữu. Ví như ở HAGL, “Giôm” Graechen xuống thì Nguyễn Quốc Tuấn lên, Tuấn xuống đến lượt Dương Minh Ninh; Tại B.Bình Dương, “ê-kíp” Đặng Trần Chỉnh - Nguyễn Thanh Sơn là những cascaduer chuyên nghiệp để thay thế các HLV không thuộc biên chế của Becamex IDC, khi đội bóng đất Thủ có biến. Sự điều chuyển thuộc về vấn đề quản trị, mà chuyên môn là yếu tố được xét đến sau cùng.
Thế nên, tưởng là bình mới nhưng thực tế cả rượu vẫn cứ cũ. Các đội bóng quản trị theo kiểu này, từ B.Bình Dương đến HAGL, không những không bao giờ lấy lại được vị thế, mà thậm chí còn tụt hậu so với chính họ và với cuộc chơi. Quảng Nam hay Sài Gòn FC, nếu còn được giữ lại, cũng là để đảm bảo thế chân vạc với phần còn lại, chứ thành tích chưa phải yếu tố đầu tiên được xét tới. Nói ra thì mủi lòng, dù Sài Gòn FC đang bay cao.
V-League không có chuyện cũ người mới ta, với triết lý huấn luyện của các HLV quen mặt chưa phải quá đặc sắc, đặng có thể làm cuộc cách mạng. Yếu tố tích cực duy nhất trên băng ghế huấn luyện của các đội bóng, tính đến thời điểm này, đấy là vai trò và năng lực của các ông thầy người Hàn Quốc như Chung Hae Seong tại TP.HCM và Lee Tae Hoon ở phố núi Pleiku, đã bắt đầu được ý thức hơn. Nhưng, nếu không có cuộc bể dâu với Toshiya Miura và các HLV người của HAGL diễn ra, liệu có cơ hội nào cho đồng hương, đồng nghiệp của ông Park Hang Seo?!
Người ta vẫn nói vui, chả tính toán gì đâu nhưng cái gì có lợi thì vẫn phải làm. Bóng đá không đơn thuần là trò chơi, mà là cuộc chơi vương quyền thực sự..
Tùy Phong