Thấy gì từ huy hiệu Rồng Việt của tuyển Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Xin nói luôn, đây không phải là đại dự án Rồng Việt (bãi Nguyệt Bàn, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - một trong những địa danh nổi tiếng trong chiến tích 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần, đã phá sản, dù được cắt băng khai mạc vào năm 2012, mà là "bộ nhận diện thương hiệu" - huy hiệu mới của các ĐTQG Việt Nam đính trên ngực áo.
Chúng ta đã quá quen với hình ảnh - logo quốc kỳ thu nhỏ, đặt ngay trái tim, nơi mà các cầu thủ vẫn thường chạm tay vào mỗi làn hát quốc ca, nay được thay thế bằng hình rồng ngậm bóng.
Ở rất nhiều các đội bóng, từ cấp CLB đến ĐTQG, các "linh vật" vẫn được sử dụng làm biểu tượng. Ví như đội tuyển Pháp là hình chú gà trống Gaulois chẳng hạn. Rồng vốn là con vật không có thật, nhưng với văn hoá - tín ngưỡng phương Đông, nó vẫn được tạc hình, tạc tượng và là một trong 12 con giáp, đề cập tinh (tuổi) của người Việt (Thìn). Rồng đứng đầu trong tứ linh, bao gồm long, lân, quy, phụng. Nói tóm lại, tuy không có thật, nhưng rồng là một linh vật khá quen thuộc với chúng ta, thể hiện sự uy dũng, linh thiêng.
Khi các ý tưởng thay đổi bộ nhận diện thương hiệu - huy hiệu được phát triển, để thay thế cho logo lá quốc kỳ trên ngực áo, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, có ý cho rằng chúng ta đã quá quen với hình ảnh quốc kỳ thiêng liêng, nơi các cầu thủ đặt tay lên hát quốc ca và đó là hình ảnh rất đẹp, không cần phải thay thế. Cái mới đương nhiên sẽ gây tranh cãi và tranh luận, nhưng không thể phủ nhận, mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu từ những tiểu tiết (mới), rồi mới đến tổng thể.
Hầu hết người hâm mộ bóng đá Việt Nam đều đã và đang kỳ vọng nền bóng đá, với hệ thống các giải đấu và ĐTQG sẽ được nâng cấp, thậm chí sang trang mới, thay vì đì đẹt như hiện tại. Nó cần một chiến lược bài bản, dài hơi, cần những con người làm bóng đá tử tế và nói như nhà báo Nguyễn Công Khế, những người ấy khi bước vào ngôi nhà bóng đá phải toàn tâm, toàn ý, không màng danh vọng, tiền bạc. Nếu không sẵn sàng thay đổi thói quen, góc nhìn, sẽ không bao giờ có cuộc cách mạng nào cả.
Một cuộc thăm dò mini bỏ túi không chính thức, về cơ bản, bộ nhận diện mới tạo được những hiệu ứng khá tích cực. Nó cũng sẽ mở ra chương mới cho khái niệm khai thác các giá trị thương mại của ĐTQG. Nhưng bóng đá, đặc biệt là các ĐTQG, cũng phải giữ được hồn cốt dân tộc, là niềm tự hào.
Ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, bóng đá Việt Nam cần phải ứng biến cho hợp với thời thế. Thiên thời, địa lợi là những yếu tố quan trọng, nhưng quyết định phải là nhân hoà. Con người luôn là thực thể trung tâm của sự phát triển. Về đam mê, tâm huyết và thậm chí cả vấn đề kinh tài, bóng đá Việt Nam có thể không kém cạnh những người láng giềng trong khu vực, nhưng như đã nhắc, nền bóng đá vẫn thiếu "thực thể trung tâm" (con người) để tiến lên. Người làm bóng đá ở đây không đơn thuần chỉ là vị minh chủ, mà rất nhiều khâu cần có sự đồng bộ.
Cách đây hơn 20 năm, thậm chí khi nền bóng đá mới hội nhập trở lại và gặt hái được những thành công ban đầu, thế giới đã đánh giá bóng đá Việt Nam có tiềm năng. Nhưng 20 năm sau, vẫn chỉ những đánh giá ấy, thì rõ ràng chúng ta đã thất bại trong phát huy nội lực. Nguồn nội lực là yếu tố then chốt, quyết định nền bóng đá có thể tự cường và tiến lên hay không.
Tùy Phong