Thành phố 2 di sản Việt Trì, Phú Thọ phát huy tiềm năng thu hút khách du lịch
(Thethaovanhoa.vn) - Việt Trì - vùng đất “Địa linh nhân kiệt” có bề dày truyền thống lịch sử và văn hiến, nơi các Vua Hùng khởi nghiệp sơn hà, chọn đất đóng đô, lập nên nhà nước Văn Lang- Kinh đô đầu tiên của người Việt.
- Phú Thọ tăng cường giáo dục di sản gắn với Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
- Hát Xoan Phú Thọ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
- Du lịch Việt Nam: Đưa hát Xoan đến gần công chúng
Được thành lập ngày 04/6/1962, Việt Trì là một trong hai thành phố công nghiệp đầu tiên của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa; là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, có đầu mối giao thông nối giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Với vị trí quan trọng của thành phố đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của Phú Thọ và được biết đến là thành phố có 2 di sản đã được tổ chức UNESCO công nhận, là: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ”.
Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh; TP Việt Trì có mạng lưới giao thông đối ngoại tương đối thuận tiện; bao gồm cả đường bộ, đường thủy và đường sắt…. Những năm gần đây, Việt Trì đã tập trung huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhiều khu đô thị, tuyến đường giao thông mới, quảng trường, công viên, các trung tâm thương mại, khách sạn ....được xây dựng mới đồng bộ, hiện đại đã góp phần làm thay đổi diện mạo, trở thành những điểm nhấn về kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Đến nay, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc phát triển du lịch đã được đầu tư nâng cấp. Hệ thống cơ sở nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ được đầu tư nâng cấp sửa chữa và xây mới. Các làng nghề truyền thống vẫn duy trì hoạt động như Làng nghề chế biến thực phẩm, làng nghề bánh chưng, bánh giầy khu 9 - xã Hùng Lô; Làng nghề Hoa đào Nhà Nít- xã Thanh Đình; Làng nghề Rau an toàn Tân Đức…
Không chỉ là thành phố trung tâm của tỉnh Phú Thọ mà Việt Trì còn là vùng đất phát tích, còn nguyên những giá trị, dấu tích vật thể và phi vật thể của thời đại Hùng Vương, là kho tàng di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào của vùng đất mạch nguồn trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Với 41lễ hội truyền thống trong năm, trong đó trọng tâm là Lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã được chính cộng đồng dân cư và nhân dân thực hành tín ngưỡng một cách chu đáo, trang nghiêm và thành kính, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn – ăn quả nhớ người trồng cây”.
Với tiềm năng sẵn có về lịch sử, văn hóa, môi trường cảnh quan, Việt Trì đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ với mục tiêu xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam đến năm 2020; đồng thời thực hiện khâu đột phá phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, bền vững và trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố.
Một số điểm nhấn đang được thành phố lên kế hoạch tập trung khai thác để phát triển các dịch vụ du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách như:
Khu vực Quảng trường Hùng Vương đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích 24,119 ha. Hiện nay, một số dịch vụ đã và đang được hình thành trên tuyến đường Đồng Gia như: Dịch vụ ăn uống, giải khát, mua sắm, lưu trú, chợ. Không gian cảnh quan khu vực Quảng trường rất thuận lợi để hình thành tổ hợp các dịch vụ khép kín của phố đi bộ.
Phố đi bộ và tổ hợp dịch vụ tại Quảng trường Hùng Vương sẽ được quy hoạch thành một không gian đồng bộ để kết nối với các khu vực đã hoàn thành như Trục hành lễ, công viên Văn Lang, thể hiện được điểm nhấn của trung tâm thành phố lễ hội. Đây cũng là 1 địa điểm để tổ chức các sự kiện và chương trình trọng đại của khu vực và của tỉnh.
Bảo tàng Hùng Vương nằm ở trung tâm đường Trần Phú đã được xây dựng trên tổng diện tích đất hơn 15.000m², gồm 19 hạng mục đồng bộ. Đây là vị trí rất thuận lợi về giao thông cho nhân dân và du khách thăm quan tìm hiểu về tự nhiên, sinh thái, lịch sử văn hóa, xã hội của tỉnh Phú Thọ; địa điểm có thể đầu tư thêm điểm dừng chân tham quan Bảo tàng và mua sắm đồ lưu niệm cho du khách.
Công viên Văn Lang có tổng diện tích quy hoạch là 116,2 ha. Không gian cảnh quan, mặt nước của Công viên Văn Lang rất thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ du lịch, tổ chức các loại hình văn hóa, tín ngưỡng trên thuyền.
Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích 150.016m2. Hiện nay, một số hạng mục công trình đã thi công xong và đưa vào sử dụng như: Sân vận động, sân tennis, sân bóng đá, sân golf, sân bóng chuyền... Không gian, quỹ đất ở đây rất thuận lợi để đầu tư quy hoạch khu vui chơi giải trí và dịch vụ ăn uống phục vụ tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao.
Phố ẩm thực đường Nguyễn Du: Tại đây, một số dịch vụ đã và đang được hình thành phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách. Không gian cảnh quan khu vực đường Nguyễn Du rất thuận lợi để hình thành phố ẩm thực với tổ hợp các dịch vụ khép kín như: Ẩm thực, giải khát, giải trí, mua sắm.
Điểm tham quan cầu Việt Trì: Đây là điểm dọc bờ sông Hồng có quang cảnh rất thơ mộng gắn với quần thể di tích rất nổi tiếng là Đền Tam Giang- Chùa Đại Bi. Từ không gian trên bờ nhân dân và du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh sông nước với những chuyến tầu ngược suôi, hơn nữa đây cũng là điểm rất thuận lợi để ngắm cảnh cầu Việt Trì. Thuận lợi hình thành các dich vụ ẩm thực, giải khát.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng với chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, cởi mở, đầy thiện chí, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì sẽ là những thuận lợi căn bản để hội tụ nguồn lực, thu hút đầu tư…. Đó cũng là động lực quan trọng để Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của con Lạc, cháu Hồng khắp mọi miền đất nước.
Hữu Đông