Thành Lộc ra mắt sách: Phụng hiến nhiều hơn sức của một con người
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều qua 20/1, tại Nhà sách Phương Nam Vincom, NSƯT Thành Lộc đã có buổi ra mắt sách Tâm thành và Lộc đời (NXB Văn hóa Văn nghệ và Phương Nam book ấn hành). Đây được xem như một tự truyện của Thành Lộc do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút.
Buổi giao lưu ra mắt sách của NSƯT Thành Lộc có rất đông khán giả nhiều thế hệ của ông đến dự. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, người chấp bút Tâm thành và Lộc đời không có mặt vì chị đang ở nước ngoài.
“Phù thủy sân khấu”
NSƯT Thành Lộc sinh năm 1961 trong một gia đình nhiều đời gắn bó với nghệ thuật sân khấu. Năm 8 tuổi (1969), Thành Lộc đã diễn vai đầu tiên trong đời. Nếu tính đến năm 2014 này, Thành Lộc có 45 năm gắn liền với gần 600 vai diễn trên sân khấu.
Ngoài diễn kịch, Thành Lộc còn là nghệ sĩ đa năng khi làm người dẫn chương trình truyền hình, diễn viên hài, diễn viên điện ảnh, đạo diễn sân khấu và giám khảo game show truyền hình như cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s Got Talent).
Trên vai trò đạo diễn, Thành Lộc đã dựng các vở: Lôi Vũ (lớp tốt nghiệp diễn viên của sân khấu 5B), Tin ở hoa hồng (biên kịch Lưu Quang Vũ), Trắng xanh vàng đỏ và Những con ma nhà hát (Lê Hoàng), Bí mật vườn lệ chi (Hoàng Hữu Đản), Ngàn năm tình sử (Nguyễn Quang Lập). Với những cống hiến trên lĩnh vực sân khấu, năm 2001, Thành Lộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Lâu nay Thành Lộc được báo chí gọi là “phù thủy sân khấu” vì các vai diễn đa dạng của ông.
Khi mới lên sân khấu, Thành Lộc có nghệ danh là Thành Tâm. Ông cho biết: “Lúc nhỏ khó nuôi nên cha mẹ gửi tôi vào chùa với pháp danh là Thành Tâm. Sau này lớn lên, tôi mới lấy tên thật cha mẹ đặt là Thành Lộc. Cuốn sách Tâm thành và Lộc đời do chị Nguyễn Thị Minh Ngọc đặt cho tôi cũng từ hai cái tên mà tôi đã và đang dùng”.
Trước khi ấn hành Tâm thành và Lộc đời, Thành Lộc nhận được khá nhiều lời mời viết sách về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Song Thành Lộc đều từ chối với lý do: tự viết thì lười còn người khác viết thì không muốn. Cho đến khi nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút thì Thành Lộc nhận lời vì hai người từng có nhiều thời gian học hành và làm việc chung với nhau từ thời trẻ.
Theo nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc: “Từ hồi mới bước vào trường, với chúng tôi, Thành Lộc vĩnh viễn là Hoàng Tử Bé, một báu vật cực kỳ hiếm trên cõi thế này. Chàng đã đến với thế gian này hơn nửa thế kỷ, và chàng sẽ còn ở lại, phụng hiến nhiều hơn sức của một con người, một nghệ sĩ vĩnh viễn của nhân dân”.
Nhiều thông tin mới chưa kịp đưa vào sách
Ngoài các buổi nói chuyện riêng giữa Thành Lộc và người chấp bút Nguyễn Thị Minh Ngọc, thì nhà văn tham khảo khá nhiều thông tin đã in về Thành Lộc trên báo chí lâu nay. Trước mỗi chương sách đều có trích dẫn các nhận xét về Thành Lộc đã in trên các báo. Điều này có lẽ là sự hạn chế của một cuốn sách mới, bởi người đọc cần thông tin mới về một người nổi tiếng mà họ yêu mến.
Chẳng hạn ở cuối chương 6, Thành Lộc nói về chuyện “yêu” của ông và cũng là thất bại lớn của đời ông: “Đến bây giờ mà vẫn không có người yêu. Những mối tình chợt đến rồi chợt đi như những “cơn áp thấp nhiệt đới”. Người tôi yêu thì không yêu tôi, người yêu tôi thì không hề làm tôi rung động. Có sự thất bại nào thảm hại như vậy chưa? Trong sự nghiệp nghệ thuật tôi thành công bao nhiêu thì trong tình yêu tôi thê thảm bấy nhiêu”. Rất tiếc, đoạn “gan ruột” này của Thành Lộc đã in báo rồi.
Thế nhưng, Tâm thành và Lộc đời hứa hẹn sẽ có tái bản và bổ sung nhiều thông tin mới. Vì theo nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc tiết lộ: “Hiện còn khá nhiều tư liệu mà tôi tiếc mình không đủ sức để đưa hết vào. Bởi đây đâu phải chỉ là chuyện của Lộc, mà còn là chuyện của những người làm sân khấu của miền Nam, sau khi đất nước thống nhất”.
NSƯT Thành Lộc sẽ có hai buổi giao lưu sách Tâm thành và Lộc đời tại cà phê sách Phương Nam ở 131 Trần Hưng Đạo, TP Huế vào ngày 7/2 và ở 18 Hòa Bình, TP Đà Lạt vào ngày 14/3 tới đây. |
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa