Thành bại tại AFF Cup
(Thethaovanhoa.vn) - Cũng tựa như bao đời HLV tiền nhiệm, ông Park Hang Seo đã và đang đối diện với bài toán khó giải bậc nhất nghiệp cầm quân ở Việt Nam: Vô địch AFF Suzuki Cup 2018. Nghe có vẻ ngược đời, càng khi thuyền trưởng người Hàn Quốc đã từng thắng lớn ở sân chơi tầm cỡ châu lục như VCK U23 châu Á và ASIAD 18. Nhưng, đấy lại là sự thật.
Các giải đấu trước đây mà HLV Park Hang Seo từng kinh qua đều là những sàn diễn dành cho bóng đá trẻ, mà bóng đá trẻ thì không phải thước đo hay bộ mặt của nền bóng đá. Vả lại, từ Thường Châu đến Tây Java, các đội tuyển U23 đến Olympic Việt Nam không đặt chỉ tiêu cụ thể nào, tức là tiến sâu thì tốt, không cũng chẳng sao.
AFF Suzuki Cup tuy là giải vô địch Đông Nam Á, thậm chí là "ao làng" theo cách nói của dân cư mạng, nhưng nói về độ khốc liệt có kẽ chỉ thua giải vô địch châu Á - AFC Asian Cup. Vậy nhưng, chính ở cái sân chơi "tầm thấp" này từng khiến không biết bao nhiêu "chân long" phải sảy chân. Từ Henrique Calisto, đến Phan Thanh Hùng, Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng hay nhiều năm trước đó là Dido, Edson Tavares, Weigang…
Sức ép buộc phải vô địch khiến cho đội tuyển Việt Nam qua các thời kỳ thường lúng túng, tim đập chân run trước các trận đấu mang tính sống còn với đối thủ trực tiếp. Lớn nhất có Thái Lan, "vừa miếng" là Indonesia, Malaysia… Về bản lĩnh trận mạc, có thể nói chúng ta vẫn còn thua kém những người láng giếng mươi bậc. Đấy là chưa nói đến các yếu tố ngoại vi.
Các đồng nghiệp người bản địa đã chỉ ra rằng, nếu HLV Park Hang Seo không tính toán kỹ trong việc "xen canh gối vụ", với mô hình "2 - 3 trong 1" (ám chỉ dùng một đội hình đánh nhiều giải đấu lớn nhỏ liên tiếp nhau", e là sẽ gãy ở một nút thắt quan trọng nào đó. Bởi, đến sức ngựa còn mỏi, huống hồ gì sức người có hạn. Đây là giai đoạn nhạy cảm, khéo co mới mong ấm êm.
Tất cả những cầu thủ giỏi nhất đều đã được ông thầy Hàn thử lửa, từ giải tập huấn đến chính thức. Vài cái tên đã được cho "nghỉ sớm" sau chuyến tập huấn trở về từ Hàn Quốc, ông Park cũng đã lên khung đội hình tối ưu chuẩn bị cho những lần xa luân chiến tới đây. Khả năng đọc và điều chỉnh trận đấu được cho là một trong những điểm mạnh của Park Hang Seo.
Khi khí thế quân tướng đang mạnh, HLV Park Hang Seo bao phen phát huy được sở trường, nhưng chúng ta chưa từng được chứng kiến, khi cần phải dùng sở đoản thì ông thầy xứ Kim chi sẽ "hô mây hoán vũ" như thế nào. Trước Uzbekistan ở trận chung kết U23 châu Á 2018, đội tuyển U23 Việt Nam thua ở phút đấu bù cuối cùng hiệp phụ thứ 2.
Tại ASIAD 18, Olympic Việt Nam quá thua thiệt trước Hàn Quốc ở bán kết và tại trận tranh huy chương Đồng, sức kiệt chỉ đưa đội bóng đến loạt sút luân lưu định mệnh, lỡ mất cơ hội đoạt huy chương. Đấy là những điểm G giới hạn về năng lực chinh phục ở tầm cao của nền bóng đá, mà bất cứ người làm chuyên môn nào cũng có thể dễ dàng đoán được.
AFF Suzuki Cup 2018, để giành ngôi cao nhất, đội tuyển Việt Nam sẽ trải qua ít nhất 8 trận, bao gồm 4 trận ở vòng bảng và 4 trận lượt đi và về ở vòng knock-out, trong vòng hơn một tháng. Lịch thi đấu tuy là không dày, nhưng nếu cộng dồn mật độ thi đấu của cầu thủ ở đủ mọi cấp độ khác nhau, trong suốt 1 năm qua, dễ dẫn đến quá tải, chấn thương và kiệt quệ.
Tính toán, xoay tua, lên các phương án tác chiến, chọn điểm rơi…, là một liên hoàn những vấn đề hóc búa đã và đang cần HLV Park Hang Seo đưa lời giải. Kể ra đây để thấy hết những khó khăn và sức ép lớn đến nhường nào mà thầy trò ông Park Hang Seo sẽ phải đối diện trong những ngày tới. Bóng đá thành bại thật mong manh, nay là người hùng, nhưng biết đâu ngày mai…
Tùy Phong