Thành bại một kỳ thi đâu phải là thành bại một cuộc đời
Ai cũng biết, trong xã hội ta, kỳ thi này quan trọng như thế nào. Sự kỳ vọng của gia đình, sự căng thẳng do bài vở, việc học tập liên miên có thể tạo ra những hệ quả tiêu cực về tâm lý, thể chất các sĩ tử.
Thực tế, ngay gần đây thôi đã có chuyện đau lòng xảy ra. Dựa vào giấy khám chữa bệnh trong đơn xin nghỉ học là bị đau nửa đầu, cuối năm học cô giáo phê nữ sinh bị bệnh thần kinh ở học bạ khiến em bị sốc, hoảng loạn, không còn tâm lý ôn thi đại học.
Báo chí đưa chi tiết nhưng nhận xét của cô giáo: “Học được. Nghỉ học nhiều do đang điều trị bệnh thần kinh”. Sau đó chính bố em học sinh đã lên tiếng khẳng định năm học lớp 12 do học nhiều nên cháu có bị đau nửa đầu chứ không phải bệnh thần kinh, nhận xét như vậy sẽ tạo lý lịch xấu cho cháu trong tương lai, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý khi cháu chuẩn bị dự thi vào đại học.
Một câu chuyện đủ thấy sức ép với các em học sinh mới lớn đến thế nào.
2. Hôm nay, hàng vạn thí sinh và người thân lần đầu đặt chân về các thành phố để chạm vào giấc mơ đại học với tất cả sự lo lắng, háo hức lẫn niềm hi vọng. Họ về thành phố với muôn vạn nỗi lo: lo ăn, lo học, lo chỗ trọ, lo đi lại…
Nhưng đây mới là sức ép khủng khiếp nhất: theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm nay có 1,4 triệu hồ sơ đăng ký dự thi trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng hơn 600 nghìn.
Dù có trừ đi một số thí sinh “ảo”, không nói thì ai cũng biết, sẽ có cả triệu sĩ tử phải vỡ mộng giấc mơ đại học sau buổi thi cử căng thẳng này.
Khi các trường lần lượt công bố điểm chuẩn cũng là lúc hàng vạn thí sinh biết mình không đủ điều kiện để bước vào ngôi trường mơ ước. Với nhiều em, đó là một thử thách đầu đời mà để vượt qua không hề đơn giản.
GS Ngô Bảo Châu, trong lễ vinh danh sau khi ông giành giải thưởng Fields, đã từng nói: “Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành rất được coi trọng, nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học, thì theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn là chuyện hiếm”.
Ông nhìn thấy nền giáo dục mà chuyện thành tích lớn hơn tình yêu tri thức.
Dân tộc ta có tinh thần hiếu học, nhưng thực tế đó là thiểu số. Ngày xưa, các cụ vốn cũng không hoàn toàn vì hiếu học mà học. Đa số vì muốn làm quan mà học. Bởi họ cũng không còn cách nào khác để thoát khỏi thân phận nghèo hèn. Những bà mẹ, những người vợ nhịn đói nhịn khát để nuôi chồng nuôi con ăn học thành tài, không đỗ ông nghè, ông cử, thì đỗ ông tú, để được hành nghề thầy đồ. Và hôm nay, rất nhiều học sinh cũng đang được gò nắn trong khuôn mẫu đầy áp lực ấy.
Chỉ mong các vị phụ huynh đừng ứng xử “thiếu tế nhị” dù các em thành hay bại, bởi thành bại của một cuộc thi đâu đã phải là thành bại một cuộc đời?
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa