Tháng Giêng là tháng ăn chơi
(Thethaovanhoa.vn) - Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, gần 200 người chết vì tai nạn giao thông. Hơn 4.000 người nhập viện vì đánh nhau, trong đó 13 người chết.
- V-League 2018: Cú hích từ U23 Việt Nam
- Đình Trọng thành đồng đội Quang Hải ở V-League 2018, thủ môn Tiến Dũng hóa VĐV bóng chuyền
- Xuân Trường xúc động vì quê hương đón chào, Việt kiều kể chuyện thất bại ở V-League
Năm nào cũng thế, sau mấy ngày Tết, đọc những con số thống kê như thế lại ngao ngán đến đau lòng. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có lẽ nguyên nhân chính đáng hơn cả vẫn là mặt bằng văn minh và văn hóa còn thấp.
Cho nên, quan điểm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn án ngự trong tâm trí của nhiều người. Mấy ngày Tết chưa dứt cơn “ăn chơi”, các lễ hội, chùa chiền lại tràn lan trên tất cả các địa phương. Trong đó, không phải lễ hội nào cũng tốt đẹp, đậm đà bản sắc.
Thể thao cũng phản ánh phần nào bức tranh chung của cuộc sống. Chúng ta còn quá nhiều giải đấu mang tính chất hội hè, tiêu tốn quá nhiều ngân sách, mà không phải là nơi để đào tạo những “chiến binh” cho thể thao nước nhà. Rồi sau thành công của U23 Việt Nam, lại đúng dịp Tết, các “lễ hội” ăn theo U23 cứ nở rộ đến mức quan ngại
Đúng vậy, nền bóng đá không thể phát triển nếu chỉ dựa vào chiến tích của U23, nhất là hệ thống giải chuyên nghiệp còn mang tính “hội hè” nhiều. Chỉ mấy ngày nữa, trái bóng mùa giải 2018 sẽ lăn. Bao nỗi âu lo tràn về. Các CLB thì lo sợ cầu thủ chưa tan “thịt, mỡ, dưa hành”. BTC đang vắt chân lên cổ chạy tài trợ, rồi canh cánh nỗi lo làm sao tổ chức, điều hành giải chyên nghiệp ngon lành hơn, kéo được khán giả đến sân. Trong các rào cản của bóng đá chuyên nghiệp nước nhà, ý thức cùng lối hành xử nghiệp dư của cầu thủ, các lãnh đội vẫn là đáng lo ngại nhất. Các sân cỏ từ Bắc vào Nam vẫn đầy rẫy các hành vi xấu.
Trong thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á vừa qua, hãy để ý kỹ, rất đáng tự hào khi cầu thủ chúng ta đã chơi thứ bóng đá rất đẹp mắt, hành xử vô cùng chuyên nghiệp, văn minh. Có thể kể thêm, rất nhiều đội tuyển trẻ cũng đã tạo được hình ảnh rất chuyên nghiệp.
Cho nên, chỉ khi những người đang tham gia hoạt động bóng đá chuyên nghiệp chịu thay đổi, gò mình vào các tiêu chuẩn chuyên nghiệp, chơi thứ bóng đá xanh- sạch- đẹp, thì nền bóng đá mới phát triển.
Còn không, vẫn chỉ là thứ bóng đá tự phát, khó kiểm soát, danh không đi liền với thực. Nói như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, là nền bóng đá “nghiệp dư lĩnh lương cao” mà thôi!
Hữu Quý