Thăm bản nhà sàn Thái Hải, nơi níu giữ không gian văn hóa Tày Nùng
(Thethaovanhoa.vn) - Bản nhà sàn Thái Hải nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng phục dựng nguyên bản tại vùng đồi xóm Mỹ Hào – Thịnh Đức – TP Thái Nguyên. Đây là khu du lịch khác với hầu hết các khu du lịch thời thượng khác, bởi căn nguyên xây dựng và phát triển nó không phải để làm du lịch mà là để gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà sàn dân tộc và truyền thống văn hóa của dân tộc Tày vùng ATK cách mạng. Cứ thế giữa rừng sâu, tiếng lành đồn xa, người người tò mò tìm đến thăm quan. Và thế là thành khu du lịch.
Chúng tôi vừa có dịp đến thăm Bản nhà sàn Thái Hải là một không gian văn hoá Tày Nùng thuần nhất giữa vùng đồi bát ngát cây xanh, cách thành phố Thái Nguyên không xa.
Đến đây du khách được hoà mình vào thiên nhiên, nghe tiếng chim kêu, suối chảy, gió hát; đi giữa rừng cây, ngắm đồi hoa sim, hoa mua tím ngát hay những bông hoa chuối rừng đỏ tươi từng đi vào văn thơ như biểu tượng cho núi rừng Việt Bắc; được cùng bè bạn chậm rãi thả bộ qua những sườn đồi, ghé thăm những nhà sàn nằm rải rắc dưới bóng cây xanh.
Theo lời cô hướng dẫn nhỏ nhắn người Nùng, khu đất này có tên là Bờ Tiên, với truyền thuyết về những nàng tiên từ trời vẫn bay về tắm mát bên những dòng suối rì rầm chảy giữa vùng rừng yên tĩnh này.
Người ta đã dày công đưa hơn 30 nhà sàn cổ từ vùng ATK Định Hoá về dựng trên khu đất 70 ha khu bản này. Cư dân của bản có hơn 100 người; ngoài Tày, Nùng có cả người Kinh, người Dao... Họ là những gia đình thực sự. Hàng ngày họ cùng nhau lên rãy, làm nương, hái chè, thả cá, nuôi chim... Buổi chiều họ trở về nhà, quây quần bên bếp lửa, ca hát, vui đùa; tiếng đàn tính vang lên cũng lời ca về quê hương đất nước và tình yêu đôi lứa.
Vui nhất là những đêm lửa trại, du khách có thể cũng tham dự những sinh hoạt văn hoá cộng đồng không bị pha tạp, cùng dân làng hát múa, nghe kể chuyện, đánh đu và chơi các trò chơi dân gian.
Chúng tôi có dịp trải nghiệm đời sống văn hoá ở đây khi đi thăm làng. Sau khi ra giếng làng rửa mặt lấy may mắn, tại một ngôi nhà sàn, chúng tôi được đón tiếp theo phong tục địa phương. Khách nam đi bên phải, vòng qua bếp lửa đặt gần lối vào. Khách nữ đi bên trái, ngồi thành hai phía đối diện. Chủ nhà rót rượu tự nấu mời từng người.
Sau đó, chị lấy đàn tính vừa đàn vừa hát tặng khách những bài ca quen thuộc. Ở một ngôi nhà khác, chúng tôi được dự lễ cúng tổ tiên, giới thiệu cách bài trí của một ngôi nhà, cách nướng thịt bên bếp lửa và khu chế biến các loại rượu thuốc khác nhau từ cây cỏ - những bài thuốc quý của đồng bào ở đây... Họ đều là những thành viên thực sự trong một gia đình và sống đời sống tự nhiên của mình. Điều ấy đem lại những ấn tượng khác biệt.
Chúng tôi gặp ở bản Thái Hải những đoàn khách từ nhiều vùng đến thăm và tham dự các hoạt động văn hoá cũng như vui chơi, nghỉ ngơi; trong đó các khách nước ngoài. Theo tài liệu của Ban quản lý ở đây, khách thăm bản đến từ hơn 30 nước khác nhau. Nhiều du khách để để lại những dòng lưu bút, ghi lại ấn tượng của mình với những cảm nhận tốt đẹp và lời hẹn sẽ quay trở lại.
Tạo nên một không gian du lịch dựa trên những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc trong vùng, gắn bó với môi trường thiên nhiên, bảo đảm các dịch vụ có chất lượng và thân thiện với con người- Đấy là hướng đi của những người điều hành bản nhà sàn Thái Hải. Thực tế đã cho thấy đây là một cách làm du lịch phù hợp.
Đến Bản nhà sàn Thái Hải, du khách có thể tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Tày cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán, trang phục, văn hóa văn nghệ, các nghi lễ, ẩm thực… Thưởng thức ẩm thực dân tộc với hương vị núi rừng Nghỉ dưỡng hoặc lưu trú ngắn hạn giữa không gian tươi xanh Trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cùng “bản làng” trồng rau, hái rau, hái chè, đánh cá, giã bánh giày, giã cốm, rang ngô, nướng khoai, thưởng thức trà xanh bếp lửa nhà sàn, nghe đàn tính, hát then.. Vui chơi các trò chơi các trò chơi truyền thống và hiện đại ném còn, đi cầu thăng bằng, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê, đập niêu, kéo co, đi thiên nga trên hồ… Tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật và giao lưu văn nghệ nhảy sạp, ca hát, múa rồng lân, đánh trống hội... |
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng