Thái Lan bỏ thì thương, vương thì tội' với AFF Cup 2020
(Thethaovanhoa.vn)- Người làm bóng đá Thái Lan dù quyết định lịch sử thay đổi lịch thi đấu Thai League nhưng vẫn lo ngại không dự AFF Cup sẽ đánh mất danh tiếng lẫn ảnh hưởng với các quốc gia láng giềng.
Trong cuộc họp ngày 14/4 với công ty tổ chức giải Thai League và CLB thành viên, Chủ tịch FAT Somyot cho biết: “Đối với giải đấu trong khuôn khổ AFF Cup 2020, lúc này cũng không rõ ĐTQG Thái Lan nào sẽ gửi đội tuyển tham dự được hay không.
Mọi thứ phải bám sát tình hình giải đấu trong nước và kể cả dịch bệnh trước khi đưa ra quyết định”.
Trước đó, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan đã khẳng định dù có nhiều cái được khi thay đổi lịch trình Thai League thi đấu thay vì từ tháng 2 tới tháng 10 hàng năm sang tháng 9 năm nay và khép lại vào tháng 5 năm sau như các giải châu Âu, nhưng điều FAT lo ngại nhất chính là không dự các giải khu vực như SEA Games lẫn AFF Cup.
Trong quá khứ, FAT đã không ít lần tuân thủ “FIFA days”, chỉ tham dự những giải đấu, trận đấu của ĐTQG trong khuôn khổ hệ thống thi đấu chính thức của FIFA.
Các CLB cũng có luôn thói quen nhường quân cho ĐTQG ở giải quan trọng thay vì các giải đấu như SEA Games, AFF Cup vốn không thuộc hệ thống chính thống của FIFA.
Đây cũng là một ví dụ điển hình cho sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp của một nền bóng đá. Các CLB mới chính là nơi trả lương cao cho các cầu thủ chứ không phải Liên đoàn bóng đá quốc gia. Và dù có được Liên đoàn hỗ trợ, các CLB cũng không hề vui vẻ nếu cầu thủ của họ gặp vấn đề với chấn thương hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyện chinh phục thành tích CLB ở giải trong nước lẫn châu lục.
FAT đã đề phòng việc bị các CLB phản ứng nếu tham dự AFF Cup 2020 bởi chắc chắn, mùa giải năm nay diễn ra trùng với thời điểm sân chơi khu vực diễn ra (dự kiến từ tháng 11 đến hết tháng 12/2020).
Quá trình rất dài của AFF Cup 2020 khiến không chỉ FAT mà các CLB cũng “sợ hãi”. Do đó, từ lúc này, các CLB đã nói thẳng chỉ quan tâm đến giải VĐQG để họ có thể vừa trả lương cầu thủ, kiếm thêm thu nhập từ nhà tài trợ…
Ở chiều ngược lại, FAT phải lo lắng cho tài chính CLB, vừa không muốn mất hoà khí với Liên đoàn bóng đá khu vực (AFF) và nhiều quốc gia láng giềng thành viên. FAT từ lâu đã có kế hoạch nâng tầm ảnh hưởng với các quốc gia ASEAN với mong muốn chinh phục thị trường tiềm năng xung quanh mình để tìm kiếm nguồn lợi khổng lồ. Việc 11/14 CLB Thai-League 1 sử dụng cầu thủ ASEAN trong đội hình là một minh chứng cho những bước đi ban đầu đó của người Thái.
Ông Somyot đã khuyến cáo thiệt hại khi Thái Lan không thể dự AFF Cup, khiến nền bóng đá xứ Chùa Vàng mất tầm ảnh hưởng, chuyên môn với FAT đôi khi không quan trọng bằng. So với lợi ích kinh tế, Thái Lan quan tâm nhiều hơn chuyện cạnh tranh trên sân cỏ khi từ lâu, AFF Cup vốn là đấu trường bị họ xem nhẹ kể từ sau 2 chức vô địch gần nhất năm 2014 và 2016.
Một thực tế phải được đặt lên hàng đầu khác lúc này chính là thời gian thi đấu của AFF Cup 2020 có vẻ phi lý với Thai League khi có lịch thi đấu mới. Sẽ rất khó có chuyện các CLB phải tập chay, trả lương cho các cầu thủ để họ chờ ĐTQG Thái Lan tập trung khoảng 2 tháng ròng rã để dự AFF Cup.
Mà khi đã thay đổi theo hướng chuyển mình như cách thức tổ chức của các giải chuyên nghiệp hàng đầu châu Âu, người Thái có vẻ đã không còn mặn mà với giải đấu khu vực.
Trước đó, chính Chủ tịch Somyot cũng đã tuyên bố tạo điều kiện hết mực cho các đội tuyển trẻ dự các giải ở Đông Nam Á thay cho ĐTQG, một cách để tạo cơ hội cho người trẻ của họ có cơ hội thi đấu và trưởng thành.
V.H