Thách thức với nữ Thủ tướng xinh đẹp, trẻ nhất thế giới của Phần Lan Sanna Marin
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lãnh đạo chính quyền liên minh 5 đảng trung tả tại Phần Lan bầu chọn Bộ trưởng Giao thông Sanna Marin là Thủ tướng mới, Quốc hội Phần Lan đã thông qua việc bổ nhiệm bà Sanna Marin làm Thủ tướng nước này. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận thực tế rằng bà Sanna Marin sẽ phải nỗ lực hết sức trong nhiệm kỳ tới nhằm khẳng định mình trên cương vị Thủ tướng Phần Lan.
Thủ tướng trẻ nhất thế giới
Ngày 10-12, với 99 phiếu thuận và 70 phiếu chống, Quốc hội Phần Lan gồm 200 thành viên đã chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm bà Sanna Marine, 34 tuổi, vào vị trí Thủ tướng, đưa bà trở thành nguyên thủ quốc gia trẻ nhất trong lịch sử của Phần Lan và cũng là người trẻ nhất thế giới đang nắm giữ cương vị này. Đã có khoảng 30 nghị sĩ vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Phần Lan thông qua việc bổ nhiệm bà Sanna Marin làm Thủ tướng.
Trước đó, đảng Dân chủ Xã hội, chính đảng lãnh đạo chính quyền liên minh 5 đảng trung tả tại Phần Lan gồm các đảng Dân chủ Xã hội, đảng Trung tâm, đảng Xanh, Liên minh cánh tả và đảng Nhân dân Phần Lan, ngày 8-12 đã bầu chọn Bộ trưởng Giao thông Sanna Marin trở thành Thủ tướng của nước này để thay thế Thủ tướng Antti Rinne mới tuyên bố từ chức hồi đầu tuần qua theo yêu cầu của đảng Trung tâm - một thành viên liên minh. Đảng Trung tâm đã đưa ra yêu cầu từ chức đối với Thủ tướng Antti Rinne với lí do "mất lòng tin" vào ông Rinne liên quan đến cách thức xử lí cuộc đình công của ngành bưu điện.
Sự thay đổi lãnh đạo tại Phần Lan diễn ra ở thời điểm quốc gia này đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) đến cuối năm nay, cũng như đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực thông qua một ngân sách mới của khối.
Tuy nhiên, có thể thấy, việc bà Sanna Marin trở thành Thủ tướng quốc gia Bắc Âu này không có gì khó hiểu, bởi Phần Lan vốn là quốc gia nổi tiếng về sự tham gia tích cực của “phái yếu” trên chính trường và sự trỗi dậy của phong trào nữ quyền toàn cầu. Hơn nữa, dù tuổi đời còn rất trẻ, song bà Sanna Marin đã là một chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn tại Phần Lan, trở thành Phó Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông khi chỉ mới 34 tuổi và là một phần trong thế hệ lãnh đạo kế cận của Phần Lan.
Quan trọng hơn là làn sóng trẻ hóa giới lãnh đạo đang lan tỏa khắp châu Âu, với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và bây giờ là bà Sanna Marin. Đặc điểm chung của những chính khách này là tuổi đời còn trẻ song đã sở hữu kinh nghiệm chính trị phong phú, năng động và nhiệt huyết, biết cách sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại nhằm tăng tính tương tác, kết nối với cử tri trẻ tuổi.
Phát biểu với các phóng viên sau khi giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng, bà Marin cho biết nhiệm vụ trước mắt của bà là xây dựng lại lòng tin.
Nhiệm vụ không đơn giản
Dù đã được giao trọng trách quan trọng trong việc điều hành đất nước, tuy nhiên, nữ Thủ tướng trẻ tuổi Sanna Marin sẽ phải đối mặt với một nhiệm kỳ đầy thách thức.
Trước hết, sự ra đi của Thủ tướng Antti Rinne cho thấy chính trường Phần Lan đang đối mặt với một số bất ổn nhất định, sau vụ đình công hàng loạt của ngành bưu điện và ngành giao thông vận tải.
Đặc biệt, trong bối cảnh Phần Lan đang đứng trước làn sóng đình công kéo dài từ ngày 9-12, sau khi đội ngũ hòa giải của chính phủ không dàn xếp được thỏa thuận giữa nghiệp đoàn và các tổ chức sử dụng lao động về tiền lương, cũng như điều kiện làm việc, gây ngưng trệ hoạt động sản xuất đồng thời có thể khiến các công ty thiệt hại tổng cộng khoảng 550 triệu USD doanh thu và khiến nền kinh tế nước này thiệt hại hơn 220 triệu USD, Thủ tướng Sanna Marin sẽ phải thể hiện mình như một nhà lãnh đạo thực thụ, có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để dẫn dắt liên minh cầm quyền vượt qua khó khăn.
Về kinh tế, Cơ quan Thống kê Phần Lan (SF) cuối tháng 9 cho biết, nền kinh tế Bắc Âu này trong quý III/2019 tăng trưởng thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó khi chỉ tăng 0,2% và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước là 1,2%.
Theo SF, xuất khẩu và chi tiêu công tăng trong quý III vừa qua, trong khi nhập khẩu và chi tiêu cá nhân giảm. Chuyên gia kinh tế Olli Karkkainen thuộc Nordea Bank nhận định, nền kinh tế Phần Lan đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm. Ông cho biết nếu chính phủ mới của Phần Lan tiếp tục tăng thuế tiêu dùng, nó sẽ tác động xấu đến người tiêu dùng. Chính vì vậy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng là một nhiệm vụ quan trọng với chính phủ mới của Phần Lan.
Kế hoạch tăng mạnh chi tiêu công vào trợ cấp xã hội và cơ sở hạ tầng thông qua việc tăng thuế phí, thanh lý tài sản nhà nước cũng là những vấn đề mà sau khi chính thức nhậm chức, Thủ tướng Phần Lan Marin sẽ phải chịu sức ép giải quyết.
Bên cạnh đó, Phần Lan cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động trong khu vực nhà nước. Trong vòng 10 năm tới, một nửa số nhân viên nhà nước của Phần Lan sẽ nghỉ hưu và việc tuyển dụng nhân sự thay thế sẽ là một thách thức lớn. Hiện đang có 74.000 vị trí việc làm trong khu vực nhà nước của Phần Lan. Con số này thấp hơn nhiều so với cách đây một thập niên do quá trình sáp nhập và có nhiều công việc đã được chuyển sang khu vực tư nhân. Mặc dù sự thiếu hụt tập trung chủ yếu vào những nhân lực có kỹ năng đặc biệt, song tình trạng khan hiếm lao động sẽ xảy ra với tất cả các ngành trong tương lai.
Theo Bộ Việc làm Phần Lan, dù tỷ lệ sinh tăng nhanh thì đây cũng không thể là một giải pháp, mà cần phải tăng tỷ lệ nhập cư theo diện làm việc. Do vậy, Chính phủ Phần Lan cần phải duy trì thị trường lao động dựa trên hệ thống đánh giá tuyển dụng đối với các nước bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Trên thực tế, những cá nhân có trình độ cấp chuyên gia đều không gặp khó khăn khi xin nhập cư để sang làm việc tại Phần Lan.
Ngoài ra, việc thúc đẩy thực thi các kế hoạch cải cách về hệ thống an sinh xã hội và y tế, trong đó có việc giảm chi tiêu công 3,4 tỷ USD đến năm 2029, và kìm hãm mức tăng hằng năm về ngân sách chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội, từ 2,4% xuống còn 0,9% từ năm nay đến năm 2029 cũng cần tới sự nỗ lực của Chính phủ Thủ tướng Marin. Việc thúc đẩy thực thi các kế hoạch cải cách về hệ thống an sinh xã hội và y tế là nhằm cân đối ngân sách chính phủ trong bối cảnh tình trạng già hóa dân số nhanh tại Phần Lan đè nặng lên hệ thống an sinh xã hội. Phần Lan có dân số khoảng 5,4 triệu người, và ước tính tỷ lệ dân số trên 65 tuổi sẽ chiếm 26% dân số nước này vào năm 2030. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, nhiều người tiềm nhiệm của bà Marin đã nỗ lực thúc đẩy cải cách hệ thống y tế và an sinh xã hội, song không thành công.
Vấn đề môi trường cũng là một thách thức lớn với chính phủ của Thủ tướng Marin. Trên thực tế, mục tiêu đầy tham vọng loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải CO2 vào năm 2035 đã được chính phủ liên minh của Phần Lan đưa ra với một lộ trình nhiều giai đoạn về chuyển đổi năng lượng và sản xuất trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Công nghiệp năng lượng Phần Lan, việc chuyển đổi sẽ không dễ dàng và việc từ bỏ than đá sẽ buộc Phần Lan tăng nhập khẩu các nguồn năng lượng sinh khối (trên hết là gỗ) để đảm bảo nhu cầu năng lượng của người dân.
Cơ hội đã đến và thách thức cũng đã hiện hữu, song để “chèo lái con thuyền” Phần Lan vượt qua giông bão sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản đối với chính trị gia trẻ tuổi, nữ Thủ tướng Sanna Marin.
Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)