Thách thức của các Ban nhạc Việt trong kỷ nguyên số
Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc năm 2024 không chỉ là sân chơi đầy tiềm năng, mà còn là dịp để đánh giá sự phát triển của các ban nhạc Việt trong thời đại số. Trước làn sóng công nghệ, họ đang phải đối mặt với những thách thức để tồn tại và phát triển giữa nền công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số.
Bức tranh âm nhạc đa sắc màu
Được tổ chức từ ngày 31/10 đến 2/11 tại thị xã Sơn Tây, đây là một sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Với sự góp mặt của các ban nhạc từ khắp cả nước, liên hoan được chia thành hai bảng: Bảng A dành cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và Bảng B dành cho các nhóm nhạc không chuyên, tư nhân và các tổ chức xã hội.
Các ban nhạc tham gia sẽ biểu diễn 4 tiết mục, bao gồm 2 tiết mục hòa tấu và 2 ca khúc, trong đó phải có một ca khúc về Hà Nội. Phong cách âm nhạc biểu diễn tại liên hoan đa dạng từ Pop, Rock, Jazz cho đến các thể loại phức hợp kết hợp công nghệ hiện đại, nhằm mang đến cho khán giả những màn trình diễn giàu sức sống và mới lạ.
Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, chia sẻ về mục tiêu của sự kiện: "Liên hoan là cơ hội để các ban nhạc gặp gỡ, học hỏi và giao lưu, giúp nâng cao trình độ và khả năng sáng tác. Điều quan trọng là các ban nhạc sẽ tiếp tục cống hiến cho khán giả những sản phẩm âm nhạc có chất lượng, phù hợp với sự phát triển hiện đại nhưng vẫn giữ được nét riêng."
Đặc biệt, Lễ trao giải diễn ra vào tối 2/11 tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ được truyền hình trực tiếp trên HTV và phát trực tuyến trên các nền tảng số như TikTok, Youtube. Điều này không chỉ tạo cơ hội tiếp cận rộng rãi đến công chúng mà còn khẳng định vai trò ngày càng lớn của công nghệ trong ngành công nghiệp âm nhạc.
Quá khứ hào hùng và hiện tại đầy thách thức
Nhìn lại vài thập kỷ trước, ban nhạc đã có thời kỳ hoàng kim với sự thịnh hành của những nhóm nhạc nổi tiếng như Bức Tường, Thủy Triều Đỏ - những cái tên đã trở thành biểu tượng cho phong trào âm nhạc sinh viên trong những năm 90. Tuy nhiên, ngày nay, những ban nhạc đó dần lui về sau, nhường chỗ cho các nghệ sĩ solo và những thể loại âm nhạc khác.
Nhạc sĩ - NSND Phạm Ngọc Khôi nhận định: "Xã hội hôm nay đã có những biến chuyển, nhưng quan trọng nhất là đời sống nhóm nhạc có sự tự thân. Họ rất say mê, cùng chí hướng, luôn thắp lên ngọn lửa trong họ. Họ muốn tự chơi nhạc, tự cống hiến cho nền âm nhạc, cho nhân dân, muốn có riêng những sáng tác của mình." Tuy vậy, thách thức về sự thoái trào là điều không thể tránh khỏi. Ông Khôi tiếp tục phát biểu: "Nói về sự thoái trào, công nghệ đời thì cũng không thể thay thế được. Người nghệ sĩ phải là con người thật, người nhạc sĩ chơi đàn, guitar, trống,.. để biểu diễn tài năng của mình."
Liên hoan lần này là dịp để nhìn nhận lại, không chỉ về sự phát triển mà còn về cách mà các ban nhạc có thể tiếp tục đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường âm nhạc và xu hướng phát triển mới trong âm nhạc hiện đại.
Thách thức từ kỷ nguyên số
Một trong những điểm nổi bật trong cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh là sự chuyển mình của các ban nhạc trước làn sóng công nghệ số. "Công nghệ nhạc số đã chiếm lĩnh các nền tảng và xu hướng thưởng thức âm nhạc của giới trẻ ngày nay. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các nền tảng trực tuyến và cả trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc sáng tác và biểu diễn," nhạc sĩ Mạnh nhận định.
Sự phát triển của công nghệ đã tác động không nhỏ đến cách các ban nhạc hoạt động. Việc ra mắt các ca khúc, video âm nhạc, và tiếp cận khán giả qua những nền tảng như Youtube, TikTok trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, không ít ban nhạc gặp khó khăn trong việc duy trì sự khác biệt giữa vô vàn sản phẩm âm nhạc được tạo ra liên tục, đặc biệt là khi AI có thể tham gia vào quá trình sáng tạo âm nhạc.
"AI có thể sáng tác nhạc, có thể biểu diễn thay con người. Điều này đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có đánh mất đi linh hồn của âm nhạc hay không. Trong bối cảnh mà công nghệ có thể thay thế con người, vai trò của các ban nhạc cần được xác định rõ hơn nữa," ông Mạnh bày tỏ sự lo ngại.
Tương lai nào cho ban nhạc Việt?
Dù đứng trước nhiều thách thức, các ban nhạc Việt vẫn đang nỗ lực tìm ra con đường riêng. Việc kết hợp giữa công nghệ và sáng tạo cá nhân là một hướng đi đầy triển vọng. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi nhấn mạnh: "Những con người cùng chí hướng lập thành một ban nhạc, nhưng để có được phong cách âm nhạc riêng cho mình, tự mình tạo ra cái riêng. Đó là nhu cầu, quy luật sinh ra các ban nhạc".
Liên hoan các Ban nhạc toàn quốc 2024 là minh chứng cho thấy sự quan tâm và tôn vinh của xã hội đối với nghệ thuật nhóm. Đây không chỉ là sân chơi mà còn là nơi để các ban nhạc trẻ khẳng định mình, dù đứng trước sự bùng nổ của công nghệ. Như nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh kết luận: "Giá trị thực sự của âm nhạc vẫn nằm ở cảm xúc và tâm hồn của người nghệ sĩ. Ban nhạc vẫn có thể tồn tại và phát triển nếu biết cách kết hợp giữa sáng tạo cá nhân và công nghệ một cách hài hòa".
Việc các ban nhạc Việt có thể tiếp tục cống hiến, khẳng định vị thế trong lòng khán giả hay không sẽ phụ thuộc vào khả năng thích ứng với thời đại, nhưng không quên giữ lại bản sắc và sự chân thật của âm nhạc cá nhân.