TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn: 'V-League đói cũng có cái hay'!
“Nhìn chung, giải đã cán đích an toàn, mặc dù không thể nói là thành công trọn vẹn nhưng đã đạt được một số kết quả nhất định”, ông Phạm Ngọc Viễn cho biết.
* Ông có thể cho biết cụ thể những kết quả chúng ta đã được ở mùa giải vừa qua là gì hay không?
- Cái rõ nhất là công tác chống tiêu cực. Từ đầu giải VFF và VPF đã phối hợp với cơ quan điều tra, xác định làm mạnh và triệt để đối với hiện tượng cá độ, thì chúng ta đã phát hiện ra 2 vụ việc nghiêm trọng ở The Vissai Ninh Bình và Đồng Nai. Tiêu cực của V-League thì báo chí và dư luận đã nói nhiều, nhưng đến nay chúng ta mới làm được như vậy. Tôi cho rằng qua 2 vụ việc này, nạn cá độ ở V-League sẽ giảm.
Công tác tổ chức giải năm nay cũng về cơ bản là tốt, an ninh, an toàn các trận đấu được bảo đảm hơn, không để xảy ra sự cố như các mùa giải trước. Những sân đông khán giả, có nguy cơ mất an toàn cao như Thanh Hoá, Bình Dương, Hải Phòng…năm nay đều làm rất tốt công tác an ninh, không có vụ việc nào biến thành bạo lực. Giải cũng đảm bảo về mặt chuyên môn.
* Nhận định về chuyên môn của giải như vậy có thuyết phục không thưa ông, khi đa số các CLB vừa qua đều rất khó khăn về tài chính, không thể đầu tư mạnh cho lực lượng?
- Tôi không nghĩ như vậy. Các đội bóng lớn đều đảm bảo lực lượng không kém gì mùa giải trước. Ví dụ như B.Bình Dương đầu tư rất mạnh, hoặc Hà Nội.T&T cũng có sự tăng cường về quân số. Nhiều đội bóng khác cũng thể hiện quyết tâm rất cao.
Giải năm nay có nhiều trận đấu hay, nhiều bàn thắng và gay cấn đến lượt cuối. Phải đến vòng áp chót chúng ta mới xác định được đội vô địch và lượt trận cuối cùng mới xác định được 2 vị trí tiếp theo. Các trận đấu diễn ra quyết liệt nhưng không quá bạo lực.
* Giải đấu đáp ứng chuyên môn tốt và hấp dẫn, nhưng lượng khán giả hình như không tăng?
- Năm nay có đặc thù diễn ra World Cup. Theo thống kê của BTC, trước World Cup số lượng khán giả trung bình hơn 8.000 người/trận. Nhưng sau World Cup, lượng khán giả sụt xuống còn khoảng 5.000 người/trận. Tính trung bình số khán giả ở V-League mùa giải năm nay là 7.164 người/trận. Tôi cho là chấp nhận được.
* Việc BTC thuê trọng tài ngoại điều khiển các trận đấu ở V-League có thể xem là sự thừa nhận yếu kém về chuyên môn của trọng tài nội không?
- Nói như vậy thì tiêu cực quá. Công tác trọng tài năm nay vẫn còn xảy ra sự cố thật, nhưng ngay cả ở những giải vô địch hàng đầu thế giới, chuyện trọng tài sai vẫn xảy ra. Trọng tài FIFA điều khiển World Cup vừa rồi còn bị chỉ trích rất nhiều. Cái tích cực là đối với các trường hợp mắc lỗi ở mùa giải này, chúng ta đều xử lý theo luật. Thuê trọng tài ngoại mới là giải pháp mang tính thử nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giải đấu.
* Nói như vậy có vẻ như V-League năm nay không có gì để chê?
- Tôi không nói là giải thành công trọn vẹn, chỉ là cái gì chúng ta đạt được thì nên ghi nhận, vấn đề nào chưa tốt thì xác định để mùa giải sau có hướng chấn chỉnh, giải quyết. Tôi ví dụ như những vấn đề về tính chuyên nghiệp của các CLB. Nhiều đội bóng hiện nay vẫn thiếu chuyên nghiệp, thể hiện qua nhiều vụ việc trực tiếp trên sân.
Tuy nhiên về cơ bản, có thể nói giải cán đích an toàn. Trong tình hình hiện nay tôi cho rằng đạt được như vậy cũng đã là đáng mừng.
* Nhân nói về số lượng bàn thắng tăng ở V-League, dư luận và giới chuyên môn cho rằng có vấn đề liên quan đến nạn cá độ. Ông có chung cảm nhận này hay không?
- Đúng là có lượt trận trong giai đoạn World cup, số bàn thắng lên tới 41 bàn. Chúng tôi cũng có cảm giác là có vấn đề cá độ, cụ thể ở đây là “nổ tài”. Tuy nhiên nghi thì nghi vậy, nhưng chúng ta không có chứng cứ cụ thể để chứng minh. Chống tiêu cực không phải là vấn đề đơn giản, chỉ VFF và VPF thì không thể làm được mà cần sự hỗ trợ của cơ quan điều tra.
Chỉ họ mới có đủ nhân lực, vật lực để giải quyết. Nhiều người cứ chỉ trích chúng tôi không “xử” được các hiện tượng tiêu cực trong bóng đá nhưng thực tế, tình hình hiện nay đã khác rất nhiều so với trước. Trước đây VFF có thể xử phạt được CLB nhưng bây giờ bóng đá chuyên nghiệp, nếu xử không có chứng cứ người ta kiện lại mình ngay.
Ở đây tôi cũng muốn nói thêm là nếu trừ ngay cả những vòng đấu bị nghi ngờ đó thì số lượng bàn thắng ở V-League vẫn lớn. Các bàn thắng khi xem lại đều hợp lệ, nhiều pha ghi bàn rất đẹp mắt. Không phải chúng tôi không lưu tâm mà đều xem lại rất kỹ các trận đấu có dư luận.
* Trong quá khứ nhiều cầu thủ Việt Nam đã đánh mất cả sự nghiệp vì cá độ. Thu nhập cầu thủ hiện nay cũng tốt nhưng vì sao chuyện cá độ vẫn xảy ra thưa ông?
- Tôi cho rằng đây là vấn đề thuộc về nhận thức pháp luật và ý thức cá nhân. Nhiều cầu thủ ý thức kém, hoặc có cầu thủ hiểu biết đấy nhưng coi thường pháp luật, nhắm mắt vi phạm. Đây thực sự là vấn đề cần được giải quyết một cách đồng bộ, trong đó các CLB cần phát huy vai trò quản lý và giáo dục đạo đức cầu thủ tốt hơn. Nếu chỉ chờ đợi ý thức tự giác của cầu thủ thì theo tôi là chưa đủ.
* Công tác tổ chức giải của VPF trong điều kiện tình hình tài chính hiện nay có vấn đề gì khó khăn hay không? Liệu tình hình mùa giải tới có khả quan hơn?
- Khó khăn về tài chính là tình trạng chung đối với toàn xã hội nên dĩ nhiên VPF cũng khó tránh khỏi có ảnh hưởng. Đặc biệt hoạt động của công ty lại phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền xã hội hoá.
Chúng tôi vì vậy cũng phải “co kéo” nhiều để đảm bảo tốt công tác tổ chức giải. Ngay cả đối với các CLB cũng như vậy. Nhưng tôi cho rằng ở góc độ khác, khó khăn về tài chính cũng có hiệu ứng tích cực. Các đội bóng đã phải điều chỉnh lại việc chi tiêu, mua sắm cầu thủ…Các CLB đều đang trở lại với đúng thực tế.
* Cảm ơn ông!
Trước World Cup số lượng khán giả trung bình 8.000 người/trận. Sau World Cup, lượng khán giả còn khoảng 5.000 người/trận. Tính trung bình số khán giả ở V-League mùa giải năm nay là 7.164 người/trận Trước World Cup số lượng khán giả trung bình 8.000 người/trận. Sau World Cup, lượng khán giả còn khoảng 5.000 người/trận. Tính trung bình số khán giả ở V-League mùa giải năm nay là 7.164 người/trận |
Vĩnh Xuân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần