Tết xưa - tết nay (kỳ 1): Từ lễ nghĩa gia phong tới chợ Tết
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày Tết, gần như cả thành phố nháo nhào lên vì những chuyến về quê. Nào vé xe, nào quà cáp. Phải chăng vì hầu hết dân thành phố đều có một “gốc quê” sâu đậm? Bởi thế, người ta, cứ bôn ba, cứ về cho bằng được. Còn ai không về, thì ngồi nhớ những cái Tết ấm nồng của miền Tây Nam Bộ ngày xưa ấy, rồi nhìn lại những cái Tết bây giờ…
Tết của người Việt coi trọng lễ nghĩa, gia phong, nếp nhà, từ đó giáo dục nhân cách cho con cháu, dòng họ. Tôi nhớ mãi những ngày thơ ấu, giây phút đón Giao thừa, đón Tết thiêng liêng kỳ lạ. Để rồi mấy mươi năm sau, dù bôn ba nơi đâu, dù vất vả khó khăn, nhưng ấn tượng ấy, hoài niệm ấy cứ níu giữ tôi như một chiếc neo bền vững để khỏi ngả nghiêng trong dòng đời sóng gió.
Tết của lễ nghĩa
Tôi nhớ ngày đó, tất cả các thành viên trong nhà đều phải chung sức dọn dẹp, lau chùi, giặt giũ mọi thứ trong nhà cho tinh tươm để đón Tết. Tôi là chị cả, gánh nhiều việc nhất, nhưng mấy đứa em tôi dù nhỏ nhít cũng được phân công làm việc tùy theo sức mình. Chúng tôi ưu tiên cho việc chùi bộ lư đồng trên bàn thờ, phải dùng bùi nhùi chà xát cho lớp rỉ đồng tróc ra, để lộ màu đồng vàng tươi sáng chói. Bộ lư đồng là niềm hãnh diện của mỗi gia đình, nằm trang trọng trên cái bàn thờ đặt giữa nhà. Khách bước vô, chỉ cần nhìn bộ lư là biết gia thế ra sao. Nhà khá giả thì bộ lư to đùng, bằng đồng nguyên chất, sáng rực, ít rỉ sét. Nhà trung trung như nhà tôi thì bộ lư bằng đồng pha, màu không sáng mấy, chùi được khoảng một hai tháng là nó lại xỉn màu như cũ.
Giải quyết xong bộ lư, tôi và thằng em kế đem mùng mền, gối chiếu ra giặt. Hồi ấy ở quê người ta không giặt mùng mền thường xuyên, cả năm chỉ giặt vài lần, có nhà chỉ giặt đúng vào dịp Tết. Mùng vải hút nước nặng kinh khủng, làm gì có mùng tuyn như bây giờ. Còn mền thì khá dày, vì hồi xưa ở nông thôn miền Nam vẫn lạnh khi gió bấc về, gió lùa vào mái tranh ù ù, phải đắp mền thật ấm.
2 chị em với đôi tay bé nhỏ, gầy guộc, phải nhồi những chiếc mền dày, rồi xả, rồi nắm 2 đầu xoắn lại, vắt cho khô nước, ôi mỏi nhừ. Cuối cùng là lấy chổi quơ mạng nhện bám vào trần nhà, vách nhà, chà nồi niêu xoong chảo cho hết muội than… Cả nhà chúng tôi bắt đầu “dọn Tết” từ ngày 23 Âm lịch mới kịp hoàn thành.
Đêm 30, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, rồi dọn mâm bánh mứt, trầu cau lên bàn thờ, nơi đã chưng bày hoa, quả, nhang đèn trang trọng. Vừa nghe tiếng pháo Giao thừa rộn rã, má tôi đã thắp hương đứng trước bàn thờ khấn vái, lũ chúng tôi xếp hàng phía sau chắp tay. Mùi nhang trầm dìu dịu quyện với hương hoa, nồng nồng thêm mùi pháo đỏ, khiến lòng như say, như mơ. Lũ chúng tôi bắt chước má khấn nguyện cho “bá gia bá tánh bình yên, tai qua nạn khỏi, gia đình con được hòa thuận, phát tài, cho con được khỏe mạnh, học giỏi…”. Nghĩa là phải nghĩ tới thiên hạ trước khi nghĩ tới gia đình mình, rồi nghĩ cho gia đình trước khi nghĩ cho bản thân. Trong một câu khấn thôi, chúng tôi đã học từ vô thức một thái độ sống tận tuỵ cùng người khác.
Xong việc cúng lễ, cả nhà ngồi quanh mâm bánh mứt, bắt đầu chúc Tết. Bà ngoại và má đã chuẩn bị sẵn những phong bao đỏ lì xì cho con cháu, dù trong đó thực ra chỉ là tờ giấy bạc nhỏ xíu bởi gia đình chúng tôi không giàu. Nhưng chị em tôi đứa nào cũng vui vẻ vòng tay chúc bà và má. Mỗi đứa ráng nghĩ ra một câu chúc “không đụng hàng”, câu nào hay thì cả nhà vỗ tay tán thưởng.
Sau này khi chúng tôi lớn lên, đi làm có lương, có vợ chồng con cái, thì chúng tôi lại lì xì ngược lại cho bà ngoại và má đã già yếu hẳn đi. Dĩ nhiên cũng không bỏ câu chúc truyền thống. Bà và má nhận món quà của chúng tôi cảm động vô cùng, tự hào vì có những đứa con hiếu thảo. Rồi mọi người cùng ôn lại những kỷ niệm của gia đình, có khi cảm động, có khi cười như nắc nẻ… Cuối cùng cả nhà dẫn nhau đi chùa, hòa trong dòng người mong muốn một năm hướng thiện…
Bây giờ, hình như lớp trẻ không còn mặn mà với việc cúng lễ nữa. Cha mẹ ông bà vất vả dọn dẹp, các bạn tỉnh bơ ngồi chơi game hoặc xem truyền hình. Đêm giao thừa, nhiều bạn đi nhong nhong ngoài phố tới 2, 3 giờ sáng, thậm chí over night. Nhiều bạn vô quán ăn uống, nhảy nhót, vui chơi. Những thứ đó thường được gọi là “hiện đại”, là “giải phóng cái tôi”, nhưng tôi thấy mất đi không khí thiêng liêng, gắn bó của một gia đình. Và chuyện lì xì thì như một “cái nợ” của người lớn, đồng thời lũ trẻ con trở nên thực dụng, cứ mở ngay phong bì xem đựng bao nhiêu tiền để mà so sánh. Đôi khi nhìn chúng rút ngay cái ruột lì xì và vứt vỏ phong bao lăn lóc, tôi chợt chạnh lòng…
Về chuyện cúng kiến, nhiều nhà vẫn giữ lệ cúng mâm cơm rước ông bà vào tối 30 để con cháu trong dòng họ về quây quần ăn uống, khoảng 8h tối chia tay ai về nhà nấy lo đón Giao thừa. Hoặc đoàn tụ vào sáng 1 một đúng với câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết vợ, mùng 3 Tết thầy”. Và trong 3 ngày đó vẫn dọn mâm cơm lên bàn thờ tổ tiên cúng mỗi ngày, vì đã rước ông bà về không lẽ bỏ “nhịn đói”. Tới mùng 4 thì “cúng tất”, tiễn ông bà đi.
Sau này những cặp vợ chồng trẻ rất ngại nấu nướng, cúng kiến, nên bàn thờ chỉ thấy cặp bánh chưng là đủ. Thậm chí có những căn hộ hiện đại không thiết kế bàn thờ. Chủ nhà đóng cửa đi chơi, đi ăn hàng quán là xong, thậm chí đi du lịch đến hết Tết chứ không thích ở nhà, cũng không thích về thăm họ hàng. Tất nhiên cuộc sống đã khác xưa, người ta có quyền sống cho phù hợp. Nhưng dường như trong cái tôi riêng tư ấy đã thiếu đi giềng mối gia đình, dòng tộc, cho đến một lúc nào đó người ta lại than thở là cô đơn, là stress, là trầm cảm… Có lẽ người ta đã đánh mất chỗ dựa của mình? Những lễ tiết ngày xưa dẫu có rườm rà một chút, nhưng đổi lại, con người có thêm một hậu phương vững chắc để đương đầu với sóng gió...
Nhớ chợ quê ngày đón Xuân
Đi chợ Tết không còn là mua sắm thông thường mà là tham dự một lễ hội cuối năm, với muôn hồng nghìn tía phẩm vật mà ngày thường không có. Cái chợ lớn nhất vùng quê tôi hồi ấy là ở thị trấn, ngày Tết tất cả người dân các xã các ấp kéo ra mua sắm, chen nhau đến mướt mồ hôi. Vừa bước lên chiếc cầu xi măng cặp đường tỉnh lộ, lập tức đôi mắt tôi đã bị lóa bởi một sắc vàng rực kéo dài suốt lan can cầu. Trên lối dành cho đi bộ, người ta bày bán những cành hoa mai tuyệt đẹp. Hồi ấy người ta trồng những cây mai rất to, tới Tết thì cắt cành đem bán. Cành nào cũng đầy hoa và đầy búp. Khách mua chọn nhanh tay vì sợ chậm trễ thì mai đẹp không còn. Má tôi chọn mấy cành, đem về thui gốc vô lửa rồi mới cắm vào bình, nói như vậy sẽ lâu tàn. Ai cũng “canh” mai nở có đúng mùng 1 hay không, mùng 1 mà mai nở đẹp thì năm đó làm ăn sẽ khá.
Và tiếp theo màu vàng của hoa mai là màu vàng của bông vạn thọ. Một thời người miền tây chỉ thích bông vạn thọ chứ ít xài bông này bông kia như bây giờ. Bản thân cái tên “vạn thọ” đã như lời chúc phúc, lại thêm mùi thơm thoang thoảng quyện cùng khói nhang, rất trang trọng và thành kính. Vạn thọ cũng dễ trồng, phù hợp cho những nông dân ít vốn.
Vì vậy chợ tết rợp trời vạn thọ, chậu nào cũng to đẹp, ngát hương. Thi thoảng có thêm huệ trắng hoặc ớt kiểng. Dân miền tây rất thích chơi ớt kiểng, tết là gieo hạt, lên cây, trái chùm chùm mắc mê. Ớt có nghĩa là cay, nhưng người miền tây lại không kiêng cữ gì, cứ thích sưu tầm để chơi tết. Ớt đỏ, ớt xanh, ớt vàng, ớt tím, ớt tròn như trái sê-ri, ớt có khía như quả bí rợ, nhìn lạ mắt. Ớt kiểng đa số lùn lùn chừng 20-30 cm, nhưng trái dày đặc, quả là rất thú vị.
Chợ Tết còn rực rỡ bởi một dàn bông giấy cắt thủ công để treo lên tòn ten hoặc dán lên vách tạo màu xanh đỏ tím vàng sáng cả căn nhà. Lúc xưa chưa có hoa nhựa, chỉ dùng hoa giấy để trang trí. Thường có một bà đứng giữa chợ, cầm cây tre cao khỏi đầu người, có gắn một vòng kẽm chung quanh để treo hoa giấy và cả những tờ hồng điều in chữ Hán như Phúc, Lộc, Thọ, quét kim tuyến lấp lánh. Có bà treo thêm những phong bao lì xì cũng toàn màu đỏ, và những tờ giấy đỏ vuông vuông để dán lên trái dưa hấu. Chưa hết, còn có những tờ sớ cũng màu đỏ viết chữ Hán bằng mực Tàu đen, người ta mua về dán lên bàn thờ ông địa, ông thần tài, hoặc bàn thờ bà mẹ sanh mẹ độ. Bà mẹ sanh mẹ độ gần giống như Địa Mẫu, được thờ trong cái trang nhỏ như trang thờ ông địa, đại diện cho bổn mạng của gia chủ hoặc người cao tuổi nhất trong mỗi ngôi nhà. Tết thì lột tờ sớ cũ bỏ đi, dán lên tờ mới, mà thực tình không ai đọc được chữ gì, trừ các sư trong chùa.
Màu đỏ chiếm lĩnh ngôi chợ, hợp với màu vàng của hoa mai và vạn thọ thành một tổ hợp sắc nóng, nhưng kỳ lạ là không ai thấy “nóng” cả, chỉ thấy phấn khích trong lòng. Dân miền Tây sống hòa hợp với người Tàu chạy loạn từ triều Minh - Thanh sang, nên không hề đối kháng với sắc đỏ, kể cả hôn lễ cũng đỏ rực. Ngày Tết lại càng dùng nhiều sắc đỏ, từ trang trí nhà cửa cho tới quần áo, tươi thắm và yêu đời vô cùng.
Tôi chen vào đám đông màu đỏ ấy, thích thú như đang chơi trò chứ không phải là đi chợ. Chen đến mướt mồ hôi mới qua khỏi vùng phủ sóng của màu đỏ, và bước vào một vùng xanh mát của rau quả quê nhà. Đập vào mắt tôi là những bãi dưa hấu xanh miên man, chất cao như núi. Thời người ta chưa biết kỹ thuật trồng dưa quanh năm, chỉ thuận theo tự nhiên, nên muốn ăn dưa hấu phải nhịn chờ đến Tết. Càng chờ lâu, ăn càng ngon, càng quý. Trái dưa bổ ra đỏ mịn một màu, cắn vào cát rà vô lưỡi ngọt ráp thơm lừng. Dưa không phân không thuốc là vậy đó, thịt phải như có cát, ngọt phải thanh phải dịu, và chưng trên bàn thờ đến rằm mang xuống vẫn không hư. Còn bây giờ, dưa trồng quanh năm suốt tháng, nhiều trái xịt thuốc phổng lên như bong bóng, mà vị lạt nhách, đến mùng 7 tự nhiên xì nước thúi cả bàn thờ. Ngày xưa kiếm được trái dưa bự là mừng muốn chết, ngày nay toàn kiếm trái nho nhỏ cho chắc ăn, chứ trái bự là ngậm phân ngậm thuốc no kềnh.
Rau củ quả ngày Tết nhiều ê hề, tươi xanh, mát mắt, nhưng không có nạn chặt chém. Nếu lên giá thì chỉ một chút xíu, còn lại vẫn giữ chất thiệt tình, dân dã. Tự nhiên mấy chục năm nay sinh ra nạn chặt chém ngày Tết, giá lên gấp 3, gấp 4, khiến tôi càng nhớ những ngày chợ Tết quê xưa. Thương nhất những bà những chị cắt vài trái bầu, chặt vài buồng chuối trong vườn đem bán để sắm tết cho con, ngồi co ro trong góc chợ thương muốn chảy nước mắt. Họ kỳ vọng vào chút sản vật ấy để con họ có tấm áo mới đón giao thừa. Tôi nhớ mãi ánh mắt van nài của họ. Đôi khi có những con gà, con vịt cũng trong hoàn cảnh ấy, cũng bắt từ vườn nhà đem ra chợ, là niềm kỳ vọng đổi lấy chút quà tết nhà nghèo. Trong cái nhộn nhịp chợ tết vẫn không thiếu những bùi ngùi, thương cảm.
Và chợ Tết ngày xưa chỉ tới trưa 30 là dứt, sáng mùng 4 mới khai trương trở lại. Người quê dứt khoát nghỉ đúng 3 ngày mùng 1, 2, 3 để ăn Tết và cúng kiến, có người đến tận mùng 6 mới đi bán. Má tôi năm nào cũng mua sẵn cá thịt kho một nồi to, mua luôn rau củ quả để đầy mấy rổ đủ ăn suốt 3 - 4 ngày. Tôi vẫn thích cái cảm giác chất đầy rau củ trong góc nhà như má, nó tạo không khí Tết lạ lùng lắm, hấp dẫn lắm...
(còn tiếp)
Bây giờ, mới mùng 2 siêu thị và chợ đã khai trương, gọi là tiện lợi cho người tiêu dùng, nhưng thật lòng tôi không thích. Tôi thương những cô nhân viên, có trả lương cao nhưng còn đâu thời gian cho họ vui chơi, hiếu hỉ? |
Hoàng Kim