Tết xưa Hà Nội (kỳ 2): Ăn Tết, chơi Tết

Suốt 365 ngày dân Việt Nam hướng về Tết Nguyên Đán: Chẳng phong lưu cũng 3 ngày Tết/ Kiết cú như ai cũng rượu chè (Tú Xương). Người Hà Nội cũng vậy mà không vậy. Người Hà Nội đón Tết theo cách riêng của mình: chuẩn bị đón Tết từ đầu năm.
07/02/2019 07:03

(Thethaovanhoa.vn) - Suốt 365 ngày dân Việt Nam hướng về tết Nguyên Đán: "Chẳng phong lưu cũng 3 ngày Tết/ Kiết cú như ai cũng rượu chè" (Tú Xương). Người Hà Nội cũng vậy mà không vậy. Người Hà Nội đón Tết theo cách riêng của mình: chuẩn bị đón Tết từ đầu năm.

Những hình ảnh gây thương nhớ về ký ức Tết xưa

Những hình ảnh gây thương nhớ về ký ức Tết xưa

Chỉ còn vài tiếng nữa là bước sang năm mới Kỷ Hợi, không khí hân hoan của mùa xuân mới đã tràn ngập khắp các phố phường. Chiều 30 Tết, người dân ở nhiều nơi vẫn hối hả để chuẩn bị chu toàn mọi việc trước thời khắc giao thừa.

Ngày nay mới có từ chơi Tết, ngày xưa chỉ gọi là ăn Tết vì vậy chuẩn bị Tết nghĩa là ăn và mặc. Thời xưa thiếu dinh dưỡng. Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Vạn sự khởi đầu từ chữ ăn: Ăn Tết, ăn mặc, ăn chơi, ăn nói. Thậm chí có “ăn” trước rồi mới “nằm” với nhau sau - ăn nằm. Chuẩn bị đón Tết vất vả công phu lắm:

"Tết đến sau lưng
Ông vải thì mừng
Con cháu thì lo"

Bởi thế nhắc đến ăn Tết không thể không nói đến các món ăn.

Chú thích ảnh
Tết xưa. Ảnh minh họa: Soha

Món bóng lợn

Ngay từ đầu năm mỗi khi mua thịt lợn đã có thể bóc miếng bì rồi dùng tre mỏng căng da lợn như căng da trống đem gác bếp.

Bếp ngày xưa đun bằng củi nên bồ hóng đen kịt. Miếng bóng cũng đen như miếng than. Người chui vào gác bếp lấy miếng bóng cũng đen nhẻm, phải đi tắm ngay. Da lợn hong khô hàng năm đem bỏ vào lò nướng bánh sẽ nở ra như miếng xốp gọi là bóng lợn.

Chú thích ảnh
Bóng bì lợn. Ảnh: Zing

Khi đem bóng lợn ra nấu ăn phải ngâm rửa thật kỹ bằng nước gừng. Bóng lợn nấu với nấm, tôm khô, thịt nạc ăn có vị ngọt lịm do chất xốp của bóng hút hết vị ngọt của tôm, thịt lợn nạc nhai lại hơi giòn nên rất thú vị một cách độc đáo, ngẫm kỹ lại cảm thấy mùi thơm của nấm, chất mát của su hào, cà rốt được cắt tỉa cầu kỳ. Món bóng lợn xứng đáng là tinh hoa ẩm thực của dân tộc.

Măng lưỡi lợn

Công phu hơn món bóng là măng lưỡi lợn - măng dày nhọn như lưỡi lợn. Măng này phải đi nhiều phiên chợ mới chọn được loại như ý.

Mua măng từ đầu năm làm sao phải bảo quản đến cuối năm mới dùng nên cũng công phu lắm. Ta cho măng vào nồi đồng đạy nắp kín để ở nơi khô ráo, thỉnh thoảng phải mang măng ra phơi và dùng giấy bản lau kĩ những chỗ mốc.

Chú thích ảnh

Trước khi ninh măng ta cần rửa thật sạch, sau đó ngâm và thay nước nhiều lần, ngâm từ lúc nước có màu chè đặc, sau thành chè nhạt rồi thành thật loãng cũng phải mất một, hai ngày. Lúc này măng mới hết mùi ngai ngái thành thơm thơm mùi thảo mộc. Sau đó ta phải thay nước đun sôi măng thật nhiều lần mới hoàn thành việc tắm rửa măng. Cuổi cùng cho măng vào ninh cùng với cổ cánh, thịt gà, thịt lợn, chân giò …

Ninh nồi măng cũng phải mất đến 2 ngày. Khi nào thấy thịt gà, thịt lợn dùng đũa đâm nhẹ vào cũng xuyên qua là được. Thịt mỡ của lợn chỉ cần đưa lưỡi cắn nhẹ đã tan. Thịt lợn ăn béo ngậy nhưng không ngấy như mỡ thịt luộc hoặc quay.

Măng lưỡi lợn có độ dày lại dễ thấm các vị ngọt của xương thịt, nên khi nhai miếng măng thấy mềm vừa phải mà ngọt đến tận chân răng kẽ lưỡi. Ăn măng lưỡi lợn vừa có cảm xúc của mắt nhìn miếng măng nâu sẫm ấm đậm trong cái rét ngày tết vừa có cảm xúc êm êm đậm đậm của lưỡi lướt trên miếng măng mềm mềm dịu ngọt, tai lại hình như nghe được tiếng động êm dịu của răng từ từ ngập sụt vào miếng măng.

Chú thích ảnh

Miếng măng lưỡi lợn phần trên có chất xơ của rau, còn phần dưới lại vừa như ăn vào chất thịt cũng như loại đông trùng hạ thảo vậy.

Nồi măng vào loại thức ăn quan trọng nhất ngày Tết. Đánh giá tài nấu nướng của phụ nữ cứ trông vào nồi măng là đủ.

Bữa cơm ngày Tết bà nội tôi chăm chú nhìn con cháu ăn từng miếng măng - công phu của cụ cả năm - xem có ngon không. Được con cháu khen măng của cụ nấu ngon là cụ thấy vui hơn Tết, vui đến phát khóc. Đôi mắt của cụ nhìn về phía xa xăm trên bàn thờ, hình như những hình ảnh Tết xưa lại trở về trong tâm trí cụ như khói như sương:

"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"

Chú thích ảnh
Chân giò ninh măng lưỡi lợn. Ảnh: Món ngon mỗi ngày

Thời xưa không có tủ lạnh nên thức ăn dễ thiu lắm, chỉ có nồi măng là đun đi đun lại nhiều lần nên để được rất lâu. Măng cũng như canh dưa phải đun đến hai, ba lửa mới ngon.

Bữa ăn chỉ cần một bát canh măng là đủ. Trong măng có cả chất rau, thịt và xương nên ăn xong ta cảm thấy thú vị một cách toàn diện, ngay cả đến những bợm nhậu khó tính thì trong bát canh măng cũng có đủ cả xương, cổ, cánh gà, chân giò gặm cho đã. Có thể ăn cơm canh măng đến no căng mà không bị đầy bụng, như người no xôi, chán chè sẽ thấy bụng rất ấm ức ợ lên hơi chua chua.

3 ngày Tết của trẻ con

Ngày Tết trẻ con chúng tôi sung sướng nhất là không bị cậu mợ đánh mắng. Những gia đình trung lưu ở Hà Nội gọi bố mẹ là cậu mợ, người nhà quê gọi là thầy u. Cậu mợ nào sinh con còn quá trẻ thì con cái chỉ xưng em chứ không được xưng con.

Ngày thường, chúng tôi ăn chuối phải bẻ làm đôi. Ngày Tết, chúng tôi bóc vỏ chuối không cần bẻ đôi cho luôn vào mồm bố mẹ vẫn tha. Cậu mợ tôi bảo: ăn như thế là thô tục là nhà quê. Mùng một Tết trẻ con dậy sớm lắm vì chẳng mấy khi chúng thức đón giao thừa, chỉ lúc pháo nổ mới bừng mắt và thấy cha mẹ đang trang nghiêm lễ Giao thừa ở giữa sân hoặc vỉa hè.

Chú thích ảnh

Sáng mùng một trẻ con chạy ngay ra khỏi nhà thi nhau lúi húi đi nhặt những quả pháo đốt đêm Giao thừa mà chưa nổ để đốt tiếp. Chúng tôi nhìn nhau vừa như lạ, vừa như quen, phút ngỡ ngàng thoáng qua chúng tôi mới hòa nhập được với nhau.

Sáng mùng một Tết mọi người đều ăn mặc quần áo mới, trông ai cũng lạ hẳn đi. Ngày ấy chỉ những ai quý tộc lắm mới được mặc quần là áo lượt.

Bàn là dùng bằng than hoa hoặc bằng miếng gang hơ nóng trên lò than chứ không có bàn là điện, cho nên chỉ có những thợ là bậc cao mới sử dụng được. Những quần áo không được là nhưng được xếp cẩn thận ép chặt trong hòm quần áo để hàng năm nên cũng rất phẳng phiu.

Ông Kiểm thợ giặt là ở cuối Ô Quan Chưởng người ngũ đoản mắt gián nhấm nhưng có đôi tai cực thính. Chiếc bàn là bằng gang đặc đặt trên lò than nếu quá nóng quần áo sẽ bị cháy, nếu nguội thì không có tác dụng gì. Muốn đo độ nóng của bàn là ta không thể dùng tay để thử mà chỉ có dùng nước bọt nhổ vào bàn là, cứ nghe tiếng xèo xèo và tốc độ bốc hơi của nước bọt là ông Kiểm có thể đánh giá chính xác độ nóng của bàn là.

Chú thích ảnh

Hiệu giặt là của ông Kiểm diện tích chỉ 5m2 nên không có chỗ phơi quần áo, ông Kiểm lợi dụng tầng trên của Ô Quan Chưởng làm sân phơi. Thủa xưa không có chuyện xếp hạng di tích lịch sử nên việc làm của ông Kiểm coi như hoàn toàn hợp pháp.

Gia đình tôi ở phố Ô Quan Chưởng, ngày xưa ở phố này vắng lắm. Buổi tối đi qua cổng Ô Quan Chưởng chúng tôi phải chạy thật nhanh vì sợ ma.

Cạnh hai bên của Ô Quan Chưởng có cống nước chảy qua rất hôi hám, mọi người thướng lấy chỗ này làm toilet. Trẻ con đi mua phở cho bố mẹ ở phố Hàng Chiếu khi qua đây thường bốc trộm thịt ăn vụng sướng đến củ tỉ. Đầu phố Hàng Chiếu bên số chẵn có hàng phở bò Ngôn, ông Ngôn người tầm thước da ngăm đen. Giữa phố bên lẻ là hàng phở gà Nghĩa, cô bán phở tóc dài, béo trắng trông rất hấp dẫn.

Những ngày giáp Tết, trẻ con chúng tôi không dám ăn vụng phở vì cụ Bạch ở số nhà 5 Ô Quan Chưởng bắc ghế ngồi giữa cổng không cho ai đi toilet làm ô uế khu vực này ngày Tết. Nhiều người bảo cụ Bạch là hâm, là điên, là ăn cơm nhà vác tù vả hàng tổng, con cái cụ khuyên can hết lời cụ vẫn quyết bảo vệ bằng được cổng Ô Quan Chưởng khang trang sạch sẽ trong những ngày tết.

Nếu cụ Bạch còn sống đến ngày nay thì chắc cụ sẽ được bầu là người tử tế.

Ông đồ, thày bói

Ông đồ xưa là ở Hàng Bồ. Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Chú thích ảnh

Các cụ ngồi lặng lẽ bên hè phố trong sự quên lãng của người đời. Người đến xin chữ cũng thầm lặng kính cẩn. Ngồi ở chỗ ông đồ, ta có thể nghe được tiếng tàu hòa từ cầu Long Biên, tiếng chuông nhà thờ lớn vì thời ấy Hà Nội không có nhà cao tầng chắn âm thanh, rất ít ô tô xe máy gây ô nhiễm tiếng ồn.

Ông đồ ngồi đó trong lãng quên, tĩnh lặng. Mặt ông u hoài vì chữ nho đã bị thất thế. Ông đồ bị gạt ra khỏi vòng danh lợi: Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm thầy Phán/ Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò! (Tú Xương).

Chính vì cảm với nỗi u hoài của ông đồ, cảm vì thời thế thay đổi nhà thơ Vũ Đình Liên mới bồi hồi xúc cảm viết bài thơ ông đồ lưu danh muôn thủa.

Còn thầy bói thì là dạng khác:

"Nằm mộng đi bói trong mơ
Thầy mù mở mắt vẫn ngờ là chưa
Chúng sinh nhắm mắt say sưa
Cùng trong huyễn mộng ai lừa được ai"

Thời xưa, thầy bói tập trung ở phố Hàng Hành. Ngày tết thầy bói khăn xếp áo the mang tráp, đặt trõng trước mặt để xem bói quanh hồ Hoàn Kiếm. Cử chỉ ánh mắt khách xem bói xưa rất chân thành, điềm tĩnh. Thầy bói ăn nói điềm đạm, thanh thản, tự tin.

Chú thích ảnh

Đặc biệt Bờ Hồ có cô Son ở Hàng Trống là người bói toán nổi tiếng nhất. Cô Son trông rất tiên phong đạo sĩ. Cô mặc áo dài khăn nhung đen mượt mồm nhai trầu đỏ tươi. Cô đi từ phố Bảo Khánh ra Bờ Hồ áo dài bay phấp phới trông huyền bí như Liêu trai chí dị. Cô Son chỉ xem bói cho những người nào mà cô cho là rất thành tâm. Đôi mắt cô nhìn sâu thẳm như thấu tới cõi tâm linh và đẹp một cách huyền diệu.

Hiện nay quanh phố Hàng Hành Bảo Khánh vẫn còn một bà thầy bói người thanh mảnh kiêu sa phảng phất hình bóng cô Son xưa: cũng khăn nhung đen, môi đỏ chót, suốt bốn mùa đều mặt áo cánh nâu, đeo tràng hạt, tay cầm quạt phảng phất hình bóng thầy bói phố cổ hồ Gươm thời xưa.

Thầy bói thời nay quanh Hồ Gươm gương mặt trông rất "giang hồ", mắt nhớn nhác lo bị trật tự đuổi. Còn người xem bói do bị níu kéo, o ép nên cũng không tự nhiên và đầy ức chế, hốt hoảng. Ngày nay Bờ Hồ quá ồn nên rất khó tìm giây phút tĩnh tâm.

Hà Nội đã hiện đại rồi, nét truyền thống hay yếu tố lạc hậu trong Tết xưa cũng chỉ còn trong hoài niệm.

Bảo Sinh

Tin cùng chuyên mục

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

"Khai vấn trong từng hơi thở" là cuốn sách thứ hai của tác giả Ruby Nguyen, do Nhà xuất bản Hà Nội và Thái Hà Books ấn hành.

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đài PT-TH Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt mang tên "Khúc quân hành vang mãi non sông" vào 22/12 tại sân Đoan Môn, khu Bảo tồn Di sản Hoàng thành - Thăng Long.

Nhà văn Phương Trinh: "Đưa những điều gan ruột vào trang viết"

Nhà văn Phương Trinh: "Đưa những điều gan ruột vào trang viết"

"Biến mất" khá lâu trong làng văn, mới đây, nhà văn Phương Trinh - cây bút có dấu ấn trong văn học thiếu nhi - xuất hiện trở lại trong những sách "Bài tập thực hành tiếng Việt", lớp 4 và 5 (NXB Giáo dục).

Chữ và nghĩa: Đường chim bay

Chữ và nghĩa: Đường chim bay

"Đường chim bay" là một danh từ đã có trong một số cuốn từ điển tiếng Việt. "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) định nghĩa là "đường thẳng, là khoảng cách ngắn nhất giữa 2 điểm xa nhau".

Đầu tư 170 tỷ đồng trùng tu di tích Hiền Lương-Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị

Đầu tư 170 tỷ đồng trùng tu di tích Hiền Lương-Bến Hải và Thành cổ Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định phê duyệt Dự án “Công viên Thống nhất tại khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải” và Dự án “Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành VH,TT&DL năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ ngành VH,TT&DL năm 2025

Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch kết nối trực tuyến với 772 điểm cầu trên toàn quốc.

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 1): Chuyển biến tích cực, nhưng chưa xứng tầm

Để công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh (kỳ 1): Chuyển biến tích cực, nhưng chưa xứng tầm

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Đầu tư và tài trợ cho văn hóa (kỳ 2& hết): Học gì từ kinh nghiệm của thế giới?

Đầu tư và tài trợ cho văn hóa (kỳ 2& hết): Học gì từ kinh nghiệm của thế giới?

Một mẫu số chung trên thế giới: Các quốc gia phát triển về văn hóa luôn có những mô hình đầu tư và tài trợ thành công cho lĩnh vực văn hóa, tạo ra sự phát triển bền vững cho cộng đồng.

Tin mới nhất

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một không gian với bối cảnh là một khu phố cổ Hà Nội với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa… gợi nhớ cho người dân Thủ đô và du khách về ký ức của "thời bao cấp", một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Hà Nội với sự lung linh của ánh đèn và hơi thở lịch sử qua từng góc phố, là một mô hình độc đáo, giúp du khách khám phá một Hà Nội rất khác - một Hà Nội quyến rũ, đậm chất thơ và sâu lắng.

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Những nơi này đều có nhiều truyền thuyết bí ẩn xoay quanh và được cho là có thể dẫn lối cho người trần sang thế giới bên kia.

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

World Travel Awards chọn TP.HCM là địa điểm tổ chức Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022.

The Bubble Tea Factory: Bảo tàng trà sữa độc nhất vô nhị của đảo quốc Singapore

The Bubble Tea Factory: Bảo tàng trà sữa độc nhất vô nhị của đảo quốc Singapore

Đảo quốc sư tử Singapore hiện đang thu hút với địa điểm dành cho các tín đồ của trà sữa và những viên trân châu ngọt ngào, cũng như những ai ưa khám phá. Đó là bảo tàng trà sữa trân châu đầu tiên tại Đông Nam Á

Cầu cảng đẹp như Hawai ở Hải Tiến khiến giới trẻ mê mệt, đã đến là phải check-in

Cầu cảng đẹp như Hawai ở Hải Tiến khiến giới trẻ mê mệt, đã đến là phải check-in

Với vẻ đẹp hoang sơ của biển cùng kiến trúc độc đáo, cầu cảng Hải Tiến thuộc Khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa) hiện đang là điểm check-in khiến giới trẻ mê mệt.

Lái xe ô tô du Xuân và những lưu ý không thể bỏ qua

Lái xe ô tô du Xuân và những lưu ý không thể bỏ qua

Những chuyến du xuân vui và hoàn hảo ai cũng mong muốn, tuy nhiên nó sẽ mất hứng và không trọn vẹn khi gặp những phiền toái đột xuất xảy ra trên đường.

Những lễ hội khó lòng bỏ qua đầu Xuân Kỷ Hợi

Những lễ hội khó lòng bỏ qua đầu Xuân Kỷ Hợi

Đến hẹn lại lên. Tháng Giêng âm lịch hàng năm là tháng của rất, rất nhiều các lễ hội ở Việt Nam trong đó có những lễ hội đáng chú ý, thu hút mối quan tâm của đông đảo dân chúng cũng như du khách gần xa.

Những địa danh Tây Bắc nhất định phải phượt đầu năm

Những địa danh Tây Bắc nhất định phải phượt đầu năm

Từ nhiều năm nay, với đặc thù về cảnh quan trong dịp Tết, Tây Bắc luôn là điểm hẹn lý tưởng để các phượt thủ tìm đến

Đến Chiang Mai, trải nghiệm một Thái Lan thật khác

Đến Chiang Mai, trải nghiệm một Thái Lan thật khác

Đến Thái Lan, nếu đã quá quen với Bangkok và Pattaya náo nhiệt phố thị, Phuket với những bãi biển cát trắng trải dài, thì Chiang Mai sẽ cho du khách một trải nghiệm khác biệt.