A+ A A- Kiểu đọc sách

Bí quyết của Kerber là luôn lạc quan

19:21 12/09/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong trận chung kết vừa rồi, thật ra đã có lúc Kerber mất bình tĩnh. Đó là khi cô mắc những lỗi đánh hỏng đáng tiếc khiến Karolina Pliskova giành break ở set thứ hai và sau đó thắng luôn set đấu này. Với lợi thế về sức gió, Pliskova sau đó giành break và dẫn 3-1 trong set thứ ba.

Rất nhiều đã nghĩ đến một sự sụp đổ cho Kerber, người đã từng thua Pliskova 3-6, 1-6 ở Cincinnatti trước đó 2 tuần. Nhưng cô đã bừng tỉnh, giành lại break ở game thứ 6 để gỡ hòa 3-3. Sự bi quan biến mất, năng lượng trở lại và cô giành tiếp một break nữa để giành thắng lợi chung cuộc 6-3, 4-6, 6-4 sau 2 giờ 7 phút.

“Tôi đã cố gắng thay đổi những ý nghĩ tiêu cực trong set thứ ba, nhưng không hề dễ dàng vì Karolina là một đối thủ khó nhằn. Tôi tự nói với bản thân rằng: ‘OK, hãy lạc quan’. Và tôi nghĩ một chút về set thứ ba tại Australia”, Kerber tiết lộ về khoảnh khắc quyết định giúp cô chuyển bại thành thắng ở trận chung kết vừa rồi.

Chiến thắng sức ì của bản thân luôn là chiến thắng khó khăn nhất, và đối với một tay vợt đã có tuổi, đó càng là một chiến tích đặc biệt. Ở tuổi 28, Kerber là tay vợt già nhất lần đầu lên ngôi số một thế giới, và là người thứ 4 ở kỷ nguyên Open (từ 1968) lọt vào ba trận chung kết Grand Slam trong năm mà cô lên số một. Li Na, là tay vợt thứ hai trong lịch sử giành 2 Grand Slam đầu tiên sau khi đã bước qua  tuổi 28.

Sau những kết quả đáng thất vọng trong năm 2015, Kerber và đội ngũ huấn luyện đã thống nhất rằng cần phải có sự thay đổi: Cô phải chơi quyết liệt hơn, tấn công nhiều hơn. Đó là một nhiệm vụ không hề dễ dàng bởi thực tế Kerber làm rất tốt khi đánh tập, nhưng theo thói quen, cô lại có xu hướng phòng thủ khi thi đấu chính thức.

Những nỗ lực của Kerber đã được đền đáp bằng kỳ tích ở Australian Open, nhưng ở vài tháng sau đó, cô lại sa sút bởi sức ép của sự kỳ vọng. Kerber vô địch ở Stuttgart nhưng thua ngay trận đầu ở Madrid, Rome, và Roland Garros. Rất nhiều người đã nghĩ đến biệt danh quen thuộc “người hùng một Grand Slam”, vốn từng được dành cho Ana Ivanovic, Samantha Stosur, Francesca Schiavone, hay Flavia Pennetta.

Nhớ lại những thời điểm đó, Kerber thừa nhận rằng cô đã không thể đối đầu với sức ép khi mới tới Paris. Nhưng sau khi gục ngã tại đây, cô về nhà và tự nhủ: “OK, hãy bắt đầu tập luyện thật chăm chỉ. Vẫn còn 2 Grand Slam ở phía trước. Đừng khiến mọi việc trở nên phức tạp. Cố gắng thoải mái, tận hưởng từng khoảnh khắc, và quen với mọi việc”.

Ở đáy của thất vọng, Kerber đã tìm lại được bản thân vào thời điểm thích hợp.

Với việc chị em nhà Williams ít nhiều gặp vấn đề về tuổi tác và chấn thương, Kerber không chỉ còn là ứng viên cho ngôi số một nữa. Cô đã giành được vị trí ấy một cách đầy khó khăn, sau khi đăng quang ở một Grand Slam nữa, nhưng đó là thành quả xứng đáng của một sự thay đổi về lối chơi, tư duy, và tâm lý. Cô đã cho thấy việc thay đổi bản thân là không hề dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể.

“Kerber chơi rất tuyệt và hoàn toàn xứng đáng với ngôi số một thế giới. Và sau nhiều năm Serena ngự trị, đó là một điều tốt lành cho quần vợt thế giới”, Pliskova, bại tướng của Kerber ở trận chung kết vừa qua, đã nhận xét như thế.

Grand Slam 2017, nhờ vậy, hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn.

P.Chi
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...