(Thethaovanhoa.vn) - “Wawrinka can đảm hơn tôi và xứng đáng chiến thắng. Tôi mất tỉnh táo trong những thời điểm quyết định và phải trả giá”, Djokovic nói sau thất bại ở chung kết US Open.
Một lần nữa lại là Wawrinka và một lần nữa Nole ôm hận. Thất bại càng nhuốm màu cay đắng bởi tay vợt số 1 thế giới đã được định mệnh “chọn” để lên ngôi khi 3 trong số các đối thủ “giúp” anh vào chung kết bằng cách...bỏ cuộc giữa chừng hay thậm chí là rút lui từ trước trận.
Chỉ chơi tổng cộng chưa đầy 9 tiếng cho tới trước trận chung kết, chỉ bằng một nửa so với Wawrinka, nhưng lợi thế về thời gian dưỡng sức và tích lũy thể lực to lớn ấy lại không được Nole chuyển hóa thành ưu thế trong cuộc chiến sinh tử ở Flushing Meadows. Chưa kể anh còn trẻ hơn Wawrinka 2 tuổi.
Một thất bại rất khó bào chữa. Dù Nole có nói cái cổ tay anh chưa khỏi đau và hai vai anh chưa hết mỏi, người ta cũng không thấy những luận cứ ấy đủ thuyết phục để “giải cứu” số 1 thế giới của ATP khỏi những bẽ bàng sau gần 4 tiếng đồ hồ giao đấu.
Tại sao, Nole? Hầu hết các chỉ số chuyên môn so sánh cho thấy giữa hai tay vợt không có quá nhiều khác biệt. Ngoại trừ một chi tiết: Djokovic có tới 17 cơ hội bẻ game Wawrinka nhưng anh chỉ tận dụng được 3 lần. Quá ít so với số cơ hội anh được trao.
Wawrinka thực sự đã có một trận đấu xuất thần vào một trong những ngày đẹp trời nhất của sự nghiệp đỉnh cao? Không hẳn là như vậy dù tay vợt Thụy Sỹ vẫn phô diễn những quả trái một tay hóc hiểm và uy lực cũng như những quả giao bóng nặng như chì.
Vậy thì điều gì đã khiến gió đổi chiều nhanh chóng sau khởi đầu thuận lợi của Nole với chiến thắng 7-6(1) ở set đầu tiên? Như Wawrinka nói trong cuộc họp báo sau trận đấu: “Djokovic đã tạo cảm hứng cho tôi. Chính anh ấy đã biến tôi thành tôi như hôm nay”. Và như Djokovic tự thú: “Tôi đánh mất cái đầu lạnh vào những khoảnh khắc quyết định”.
Thực tế đấy không hẳn là 2 nguyên do tách bạch nhau mà chúng liên quan mật thiết với nhau trong một mối quan hệ ràng buộc đầy logic. Tại sao trong gần 4 giờ đồng hồ ở Flushing Meadows Djokovic đột nhiên biến thành một Andy Murray nào đó với rất nhiều những cú đánh cả trái lẫn thuận tay quá “hiền” khi anh chỉ dừng lại ở mức đưa bóng vào trong sân, thường là quá lỏng, với điểm rơi như “mời gọi” Wawrinka tung ra những cú đáp trả khó đỡ hơn nhiều?
Và tại sao Djokovic lại hơn một lần đánh những quả trái hai tay hoặc thuận tay quyết định ra ngoài dây? Trả lời: Bởi vì sự kiên cường, lỳ lợm và những cú điều bóng hiểm độc của Wawrinka đã khiến tay vợt số 1 thế giới dần cảm thấy hoang mang và nôn nóng theo thời gian. Khi mỗi cú đánh của Nole hầu hết đều được Wawrinka đáp lại đầy tinh tế, cảm giác như nỗi ám ảnh của những trận đấu khó khăn trong quá khứ chưa xa lại hiện về.
Và Nole càng lúc càng trở nên bế tắc và mất niềm tin nhiều hơn vào bản thân, dẫn đến sự sụp đổ mà cuối cùng chúng ta đã thấy. Nhưng Djokovic không tự nhiên “giã từ vũ khí”. Chính sự chủ động, mạnh mẽ và quyết đoán trong từng đường bóng của Wawrinka đã khiến tay vợt Serbia nản lòng.
Màn trình diễn ấn tượng ấy đến từ đâu? Vì “Stan the man” thực sự là khắc tinh của Djokovic? Hoàn toàn không phải bởi nếu đó là sự thật, anh hẳn đã không chỉ thắng Nole đúng 4 trận sau 25 lần đối mặt trước đó.
Chính sự thống trị gần như tuyệt đối của Djokovic, chính những cuộc đấu nghẹt thở với Djokovic mấy năm qua cộng với vinh quang của chiếc cúp vô địch US Open lần đầu tiên đã thúc đẩy Wawrinka thi đấu với tất cả niềm cảm hứng như thể đó là trận cuối cùng của sự nghiệp. Chiến thắng lịch sử sinh ra từ đó. Nụ cười sau cuối của Wawrinka và sự bất lực của Nole cũng từ đó mà ra.
HT