Tennis: Ai cản Nadal? Djokovic sẵn sàng? Osaka bị ám ảnh?
(Thethaovanhoa.vn) - Roland Garros 2021 chuẩn bị khởi tranh, và với sự trỗi dậy của thế hệ trẻ trong thời gian gần đây, người ta hy vọng giải đấu năm nay sẽ chứa đựng không ít bất ngờ thú vị.
Dưới đây là 10 câu hỏi đặt ra trước thềm giải Grand Slam thứ hai trong năm này.
1. Ai hưởng lợi nhất khi Roland Garros trở lại khung thời gian quen thuộc?
Năm ngoái, khi Roland Garros bị hoãn đến cuối tháng 9 vì đại dịch Covid-19, các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết rằng điều kiện mùa thu mát mẻ, ẩm ướt – cùng trái bóng bị thay đổi dẫn đến độ xoáy kém hơn - sẽ làm giảm cơ hội thành công của Rafael Nadal. Họ đã chính xác, nhưng rốt cuộc thì Nadal vẫn vô địch.
Lần này, giải đấu lại bị hoãn, nhưng chỉ 1 tuần. Nadal sẽ lại được tận hưởng khí hậu ấm áp và bầu trời sáng sủa. Nhưng điều kiện đó cũng có lợi cho các tay vợt giao bóng mạnh hiện nay.
2. Coco Gauff có thể vô địch?
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Gauff đã sẵn sàng cho Roland Garros là ở game cuối trong chiến thắng trước Qiang Wang ở chung kết Emilia-Romagna Open. Cô bước lên vạch vôi, không chút ngần ngại, kết thúc trận đấu bằng một pha bỏ nhỏ cực hay. Họ không dạy điều đó ở học viện.
Linz Open 2019, Gauff tham dự với tư cách lucky-loser và không có chút áp lực. Cô đã hạ nhà vô địch Roland Garros Jelena Ostapenko để trở thành tay vợt trẻ nhất giành 1 danh hiệu WTA kể từ năm 2004. Còn ở Parma vừa qua, cô là hạt giống số ba, và ít nhiều đã tạo dựng được tên tuổi. Không ít người đã liên tưởng Gauff đến Monica Seles, nhà vô địch Roland Garros khi mới 16 tuổi, 6 tháng.
3. Ai ngăn nổi Nadal?
Câu hỏi quen thuộc bậc nhất trước mỗi kỳ Roland Garros. Nadal đúng là có phần sa sút, nhưng anh chưa từng thua một trận chung kết trên sân đất nện theo thể thức 5 set. Và thành tích của tay vợt này trên mặt sân đất nện ở thể thức 5 set là… 125 thắng – 2 thua.
Theo cựu vô địch đôi Roland Garros Luke Jensen, một yếu tố khác khiến Nadal đáng sợ hơn ở đây: Sân Philippe Chatrier, được xây dựng từ năm 1928. Đó dường như là sân đấu thiết kế để phục vụ cho lối chơi đòi hỏi thể lực của Nadal. “Sân đấu ấy giống như một trường đấu La Mã cổ mà Nadal là một đấu sĩ bất khả chiến bại”, Jensen cho biết.
4. Naomi Osaka có vượt qua ám ảnh đất nện?
Osaka có động lực lớn để vượt qua nỗi sợ hãi sân đất nện, bởi cô đang xếp ngay sau Ashleigh Barty trên bảng xếp hạng. Nhưng mặt sân bụi đỏ vẫn là nỗi ám ảnh lớn với tay vợt này khi thành tích của cô ở Roma và Madrid chỉ là… 1 thắng – 2 thua.
Học trượt và các khía cạnh khác của sân đất nện không phải môn khoa học tên lửa. Rất nhiều tay vợt trưởng thành trên mặt sân cứng đã chinh phục được đất nện. Osaka, với sức mạnh trong lối chơi của mình, cũng có thể làm được điều đó, nhưng cái cô thiếu chỉ là sự tự tin. Tại Roma, cô thừa nhận: “Chỉ là tôi cảm thấy không thoải mái trên mặt sân ấy”. Liệu với tâm lý ấy, Osaka có trụ được sang tuần thứ hai?
5. Tsitsipas, Zverev, hay một ai khác?
Zverev, 24 tuổi, là đương kim á quân US Open và giành nhiều Masters 1000 (gần nhất là ở Madrid). Anh cao 1m98 nhưng di chuyển tốt, đánh bóng có lực. Trước khi thua Nadal ở tứ kết Roma, Zverev đánh bại đàn anh 3 lần liên tiếp, và nó giúp anh tự tin hơn nhiều. Tsitsipas đã vào bán kết ở hai Grand Slam gần nhất, là một tay vợt tốc độ, thể hình tốt (1m93), có những cú thuận tay chết chóc. Giống Zverev, Tsitsipas mới thua 8 trận mùa này, nhưng số trận thắng của anh nhiều hơn hẳn (33 so với 18).
Nhưng thế hệ Next Gen còn có thể kể thêm Andrey Rublev, một tay vợt Top 10 khác, cũng như một số tài năng còn trẻ hơn và có phong độ ấn tượng như Casper Ruud và Jannik Sinner.
6. Giải nữ lại có nhà vô địch mới?
Thực tế thì từ sau Justine Henin năm 2007, chưa có một tay vợt nữ nào bảo vệ thành công chức vô địch Roland Garros. Và kể từ sau Serena Williams năm 2015 đến giờ, các nhà vô địch nữ đều mới toanh.
Với việc Halep rút lui vì chấn thương bắp chân, giải đấu năm nay còn 6 cựu vô địch. Ashleigh Barty (vô địch năm 2019), Garbine Muguruza (2016), và ĐKVĐ Iga Swiatek đều là những ứng viên sáng giá. Trong khi đó, những ứng viên lần đầu vô địch Roland Garros có thể kể đến đương kim á quân Sofia Kenin, Bianca Andreescu, và Aryna Sabalenka.
7. Djokovic sẽ làm gì để tăng cơ hội vô địch?
Djokovic sẽ phải chuẩn bị thật tốt về cả thể chất cũng như tinh thần cho thử thách vô địch Roland Garros mà có thể sẽ không cần phải đánh bại Nadal. Tay vợt người Tây Ban Nha là một tượng đài ở Paris, và nếu anh bị loại, cuộc đua vô địch sẽ còn căng thẳng hơn, khó lường hơn.
Năm 2009, Robin Soderling gây sốc khi loại Nadal ở vòng 4 khiến Federer – người từng thua Nadal ở chung kết và bán kết trở thành ứng viên số một. Nhưng trước cơ hội hoàn tất Grand Slam tự nghiệp, Federer đã gặp rất nhiều khó khăn trước Tommy Haas ở vòng 4 và suýt thua Del Potro tại bán kết. Djokovic giờ đã hoàn tất Grand Slam sự nghiệp, nhưng áp lực vô địch với anh khá lớn vì đang kém Nadal/Federer 2 danh hiệu trong bảng vàng.
8. Những biểu tượng xế chiều như Federer, Serena có thể tiến sâu?
Federer đã xác nhận mình không có cửa sau khi thua ngay trận đầu tiên ở mùa giải đất nện, trên sân nhà Geneva. Thành tích của Federer năm nay là 1 thắng – 2 thua, và việc anh dự Roland Garros chỉ để lấy cảm giác, chứ Wimbledon mới là ưu tiên hàng đầu.
Serena chỉ thắng 1 trận ở Roma và Parma, trước đối thủ ngoài Top… 500, và đó rõ ràng không phải sự chuẩn bị tốt cho Roland Garros. Cơ hội của cô chỉ nhỉnh hơn Federer do giải nữ có vẻ bất ổn hơn giải nam. Giống như FedEx, Serena sẽ tập trung cho Wimbledon hơn.
9. Dominic Thiem có thể lên đỉnh?
Năm ngoái, Thiem đã lần đầu tiên vô địch Grand Slam sau chiến thắng với 5 set đấu trước Zverev ở chung kết US Open 2020. Trước đó, người ta đánh giá anh ở Roland Garros cao hơn nhờ 2 lần về nhì.
Nhưng từ đầu năm, Thiem sa sút khó tin và chính anh đã thừa nhận rằng mình đã bị thiếu động lực, năng lượng và sự tập trung. Chuỗi thời gian tồi tệ ấy chỉ tạm chấm dứt ở Madrid Masters, giải đấu mà anh vào bán kết, nhưng thua Zverev. Thiem sau đó đã thua Lorenzo Sonego ở vòng 3 Roma Masters, và gây thất vọng khi gác vợt trước Cameron Norrie ở Lyon Open, và điều đó khiến người ta nghi ngờ cơ hội của anh tại Paris.
10. Ngoài Coco Gauff và Serena, người Mỹ còn tin vào ai?
Đương kim á quân Sofia Kenin đương nhiên được kỳ vọng rất nhiều, nhưng mới đây, cô vừa sa thải HLV (chính là cha mình) và xây dựng đội ngũ HLV mới. Madison Keys từng được coi là ứng viên vô địch Grand Slam thì phong độ khá tệ, trong khi Jennifer Brady, tay vợt có thứ hạng cao nhất sau Serena (14) cũng đang gặp khó khăn khi chia tay HLV và vẫn chưa có ai dẫn dắt. Tuy nhiên, cựu á quân Sloane Stephen lại là cái tên đáng chú ý.
Trong số các tay vợt nam, Taylor Fritz là người có thứ hạng cao nhất (32), nhưng anh chưa từng qua vòng 4 của một giải lớn. Trong khi đó, lão tướng John Isner đã lọt vào vòng 4 Roland Garros ở 3/6 giải gần nhất. Reilly Opelka cũng được kỳ vọng sau khi vào bán kết Roma Masters vừa qua. Đây cũng là ba tay vợt nam hiếm hoi của Mỹ nằm trong Top 50 thế giới.
Phương Chi