Tennis: 10 thống kê thú vị về Venus Williams
(Thethaovanhoa.vn) - Tay vợt Mỹ gốc Phi đầu tiên lên ngôi số một thế giới, tay vợt đánh bại Serena Williams nhiều nhất, tay vợt dự Grand Slam nhiều nhất,… là những kỷ lục đáng chú ý mà Venus Williams sở hữu trong suốt sự nghiệp của mình.
Dưới đây là 10 thống kê thú vị về tay vợt từng 7 lần vô địch Grand Slam này, nhân dịp cô vừa đón sinh nhật thứ 40 hôm 17/6 vừa rồi.
10. Suýt thắng tay vợt số 2 thế giới, ngay trận thứ 2 trong sự nghiệp
Venus William ra mắt làng banh nỉ chuyên nghiệp vào ngày 31/10/1994, tại giải Bank of The West Classic ở Oakland (California) khi cô mới 14 tuổi. Trong trận đầu tiên, Venus đã đánh bại đối thủ hạng 58 thế giới Shaun Stafford 6-3, 6-4. Đến trận thứ hai, cô từng dẫn tay vợt số 2 thế giới Arantxa Sanchez-Vicario 6-2, 3-1, trước khi thua ngược với tỷ số 6-2, 3-6, 0-6.
“Tôi luôn tin tưởng vào bản thân. Tôi luôn tin rằng mình có thể thắng bất cứ trận nào. Nhưng tôi không biết làm thế nào để thắng được trận đó”, sau này Venus chia sẻ về trận đấu ấy trên Mercury News.
9. Từng chơi ở trận chung kết Grand Slam trẻ nhất và già nhất
Năm 1997, Venus đã lọt vào chung kết US Open, gặp Martina Hingis – tay vợt khi ấy mới 16 tuổi, và đây chính là trận chung kết Grand Slam trẻ nhất trong kỷ nguyên Open. Gần 12 thập kỷ sau, cô lọt vào chung kết Australian Open 2017, gặp em gái 35 tuổi Serena Williams, và đó là trận chung kết già nhất ở kỷ nguyên Open.
8. Vô địch 4/6 Grand Slam liên tục
Sau khi giành hai Grand Slam đầu tiên ở Wimbledon và US Open 2000, Venus đã bảo vệ thành công cả hai danh hiệu này trong năm 2001 để vô địch 4/6 Grand Slam liên tiếp. Đáng tiếc là Jennifer Cappriatti đã ngắt quãng giai đoạn này bằng hai chức vô địch ở Australian Open 2001 và Roland Garros 2001.
“Tôi đã suýt nữa đạt thành tích hoàn hảo nhất trong sự nghiệp”, Venus đã chia sẻ như thế sau khi đánh bại Serena ở chung kết US Open 2001, “Tôi muốn giành nhiều Grand Slam nữa, nhưng có những người khác xứng đáng hơn”. Tại Melbourne năm ấy, Venus thua Hings ở bán kết, còn ở Paris, cô bị Barbara Schett loại từ vòng 1.
7. Kỷ lục về khoảng cách giữa các trận chung kết Grand Slam
Sau khi chơi 14 trận chung kết Grand Slam, từ US Open 1997 đến Wimbledon 2009, Venus đã phải chờ đến 7 năm rưỡi mới trở lại, ở chung kết Australian Open 2017. Đó là khoảng cách dài kỷ lục trong kỷ nguyên Open về khoảng thời gian giữa các trận chung kết Grand Slam, vượt qua kỷ lục cũ của Amelie Mauresmo (7 năm, từ Australian Open 1999 đến Australian Open 2006).
6. Dự nhiều Grand Slam hơn bất cứ ai trong kỷ nguyên Open
Trong sự nghiệp kéo dài 1/4 thế kỷ của mình, Venus đã góp mặt ở 20 giải Australian Open, 22 Roland Garros, 22 Wimbledon, và 21 US Open. Với 85 Grand Slam, cô đang giữ kỷ lục trong kỷ nguyên Open về số lần góp mặt ở sân chơi này. Xếp thứ nhì hiện là Roger Federer, với 79 Grand Slam đã tham dự.
5. Toàn thắng 14 trận chung kết Grand Slam khi đánh đôi cùng Serena
Đây không phải kỷ lục riêng của Venus, nhưng vẫn rất đáng nhắc tới trong danh sách này. Thành tích 14 thắng – 0 thua của cô khi đánh cặp cùng em gái Serena ở các trận chung kết đôi vẫn là vô tiền khoáng hậu trong kỷ nguyên Open. Cùng nhau, họ đã giành 4 Australian Open, 2 Roland Garros, 6 Wimbledon, và 2 US Open.
Khi được hỏi về thành tích hoàn hảo này, Venus lý giải: “Cả Serena và tôi đều gây rất nhiều sức ép lên đối phương bằng những cú giao bóng, và chúng tôi cũng trả bóng khá tốt. Chúng tôi cũng rất thoải mái khi thi đấu vì thực sự tin tưởng vào nhau”.
4. Tay vợt đánh bại Serena Williams nhiều nhất
Serena Williams có thành tích đối đầu vượt trội so với Venus: 18-12. Tuy nhiên, với 12 trận thắng, Venus vẫn là tay vợt thắng Serena nhiều nhất kể từ trước đến nay. Trong làng quần vợt, ngoài Venus ra, không ai đánh bại được Serena tới 10 lần cả.
“Chị ấy đánh bại tôi rất nhiều lần. Tôi thua chị ấy nhiều hơn bất cứ ai”, Serena đã nói về Venus như vậy ở US Open cách đây vài năm, “Venus là tay vợt biết cách chiến thắng, biết cách đánh bại tôi, hiểu rõ những điểm yếu của tôi hơn bất cứ ai. Gặp chị ấy chưa bao giờ là dễ dàng cả”.
3. Tay vợt Mỹ gốc Phi đầu tiên lên ngôi số một thế giới
Ngày 25/2/2002, Venus đã trở thành tay vợt Mỹ gốc Phi đầu tiên (cả nam và nữ), kể từ khi BXH được áp dụng từ thập niên 70 (với ATP là 1973, WTA là 1975) leo lên ngôi số một thế giới. Chiến tích ấy đã đến sau 12 tháng xuất sắc của Venus, khi cô thắng 56/61 trận ở 9 giải đấu.
“Không ai mong mỏi vị trí thứ 3 hay thứ 2 cả. Bạn cố gắng để trở thành người hay nhất. Cảm giác là người hay nhất thật tuyệt vời, và vị trí ấy đã thuộc về tôi, ít nhất là 1 tuần”, Venus nói trong thời khắc lịch sử. Vài tháng sau, vào ngày 8/7/2002, đến lượt Serena Williams trở thành tay vợt Mỹ gốc Phi thứ hai lên ngôi số một thế giới.
2. Tay vợt toàn diện nhất trong lịch sử Olympic
Venus đã giành 5 tấm huy chương Olympic: Cô vô địch đơn và đôi nữ ở Sydney 2000, giành HCV đôi nữ ở Bắc Kinh 2008, London 2012, và giành tiếp huy chương bạc đôi nam nữ ở Rio 2016. Venus cân bằng thành tích 4 HCV Olympic của em gái Serena cũng như 5 huy chương tổng cộng của Kathleen McKane. Cô cũng là tay vợt duy nhất giành huy chương ở 4 kỳ Olympic.
“Từ bé, tôi đã theo dõi Thế vận hội. Bố tôi rất thích sân chơi này, và lần đầu tiên tôi chơi ở Sydney là vì tôi quá yêu Olympic. Hiển nhiên, tôi đã có những thành tích tuyệt vời ở đó, và tôi bắt đầu yêu sân chơi này nhiều hơn”, Venus chia sẻ, “Nhưng tôi chẳng cho ai xem những huy chương của mình, trừ phi họ hỏi”.
1. Tay vợt nữ có chuỗi thắng dài nhất ở thiên niên kỷ này
Sau khi vắng mặt 4 tháng đầu của mùa giải 2000 vì chấn thương cổ tay, Venus chơi khá kém cỏi ở 3 giải đầu khi trở lại với thành tích 6 thắng – 3 thua. Thế nhưng sau đó, cô đã thắng 35 trận liên tiếp, với 6 chức vô địch ở Wimbledon, Stanford, San Diego, New Haven, US Open và Olympic. Mãi đến giải Linz Open, chuỗi trận ấy mới chấm dứt khi cô thua đồng hương Lindsay Davenport 4-6, 6-3, 2-6.
Đó vẫn là chuỗi trận thắng dài nhất mà một tay vợt nữ sở hữu kể từ năm 2000. Còn nếu tính cả quần vợt nam thì thành tích của Venus xếp thứ 3, sau chuỗi 43 trận thắng của Djokovic (2010-2011), 41 trận của Roger Federer (2006-2007), và 35 trận của Federer ở năm 2005.
Phương Chi