Tập đoàn thánh bóc và 'mồi' chém gió lúc trà dư tửu hậu
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Mấy ngày nay, chương trình thời sự và cả văn hóa đưa tin công an bắt khẩn cấp đối tượng có nickname mạng xã hội Thánh cô cô bóc, mắt xích của cái gọi là “Tập đoàn thánh bóc”.
“Tập đoàn” này đã đăng tải nhiều bài viết dung tục, xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của một số nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí Việt. Tuy những thông tin “Tập đoàn thánh bóc” đưa ra không được chứng thực nhưng vẫn có rất nhiều người theo dõi, hàng vạn người chia sẻ và bình luận. Suy từ mình ra, bà chủ hiểu, những chuyện thuộc dạng “thâm cung bí sử” liên quan đến nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí lúc nào cũng rất “hot”.
Kể từ ngày có Facebook, rất nhiều thứ bỗng trở nên đơn giản trong việc chia sẻ thông tin, nhưng nó là con dao hai lưỡi. Theo dõi truyền hình giải trí, báo mạng nhiều bà chủ biết, sẽ là bất khả thi nếu các sao chỉ lợi dụng mạng xã hội để làm lợi cho mình bằng cách xây dựng hình ảnh lung linh, hoặc ít nhất là tạo dựng hình ảnh theo cách mà họ muốn.
Trở thành người của công chúng cũng đồng nghĩa với việc họ phải ký một bản hợp đồng không chính thức chấp nhận mất đi một phần sự riêng tư để cho cả những chuyện “không tốt đẹp” của mình không còn là riêng nữa. Tốt đẹp có thể phô ra nhưng xấu xa cũng rất khó đậy lại.
Showsbiz thì nhiều chuyện lắm. Là phụ nữ, bà chủ ấn tượng mạnh nhất với trào lưu tố chuyện... giật chồng qua lại. Chỉ cần một tài khoản Facebook, ít văn phong và khả năng tưởng tượng, người ta sáng tác ra một câu chuyện ly kỳ ám chỉ tới một nhân vật nào đó và “up” lên. Việc còn lại, "cộng đồng mạng" sẽ lên tiếng. Vậy là một “nghi án” giật chồng đình đám đã có thể được ra đời.
Bà chủ không tin việc dư luận có thói quen "cả tin" đến kỳ quặc và vô lý, khi có thể dễ dàng đặt niềm tin vào những chuyện vu vơ, mơ hồ. Ban đầu không hẳn người ta tin đó là sự thật, mà chỉ để buôn chuyện. Lộng giả thành chân, đi nhiều thành đường, câu chuyện tự nhiên trở thành nơi cửa miệng của nhiều người. Cuối cùng danh tiếng của những ngôi sao giải trí, người đã phải đánh đổi cả tuổi trẻ phấn đấu vất vả có thể bị vấy bẩn hoặc sổ toẹt bởi một câu chuyện có phần hư cấu. Câu chuyện không chỉ của một đám đông nhỏ lẻ, mà của một cộng đồng, vẫn được gọi là “cộng đồng mạng”.
2. Cũng dễ hiểu, bởi tâm lý của nhiều người là thích săn lùng những chuyện giật gân. Như mấy đồng nghiệp hay “tỏ ra nguy hiểm” của bà, vừa đến cơ quan đã la toáng lên: Biết gì chưa các mẹ, người mẫu H vừa giật chồng của ca sĩ Y. Khi mọi người đang há hốc miệng thì một loạt tình tiết a, b, c được tuôn ra. Khi được hỏi nguồn gốc câu chuyện ở đâu thì là: ở trên mạng, Facebook mọi người share đầy ra đấy. Vậy là rất nhanh chóng những "người giấu mặt", chưa bao giờ dám chường mặt ra khỏi màn hình máy tính, sẽ “thọc” vào đời tư của người khác, phán xét và kết án với sức mạnh ghê gớm.
Những scandal lộ hàng, ăn cắp, đánh lộn, chụp ảnh khỏa thân, trác táng, ly dị, giật chồng... của những người nổi tiếng sẽ vẫn bị theo dõi và săn đuổi. Bởi nó là đề tài chung trong nhiều cuộc “trà dư tửu hậu” mà nhiều người có thể “chém gió” được. Và nếu có thêm “một phần sự thật”, thì các câu chuyện càng trở nên thuyết phục hơn với đám đông trên mạng. Những "sự thật" thế này cũng không thiếu, bởi suy cho cùng, “sao” cũng là con người.
Remote
Thể thao & Văn hóa