Tản văn Cuối tuần: Những chợ phiên đặc biệt miền rừng
Một bạn hỏi tôi: Miền núi có bao nhiêu chợ tình? Không biết có mấy cái chợ tình như Khau Vai bác nhỉ? Em thấy hình như cái chữ chợ tình bị gán bừa phứa cho khá nhiều nơi.
Bạn ấy đã tiến gần đến sự thật. Nếu nói đến chợ Khau Vai, chữ “chợ tình” là giới truyền thông sáng tạo ra vào thời du lịch. Chữ tình biến sang nội hàm trai gái để hấp dẫn thói tò mò trong dân gian.
Và thế là chợ tình có ở khắp nơi!
Người cao nguyên thì chỉ biết có chợ 27/3 hàng năm- chợ Khau Vai, sau còn có tên rất tế nhị là chợ “phong lưu” của lớp người phong lưu trong xã hội. Nơi đây là nơi gặp mặt lại nhau của những mối tình bất thành do nhiều nguyên do, nhưng còn nhớ đến nhau, họ đến vào ngày duy nhất trong năm, gặp nhau hỏi han, tặng quà nhau, ăn cùng nhau miếng cơm bát canh, chia sẻ cho nhau biết hoàn cảnh hiện tại gia đình mình, giúp nhau những cái có thể để bù đắp lại tình cảm chân thành một thời với nhau. Họ là những người đã nên ông nên bà, chín chắn mực thước, chứ không phải đến trai gái như người ta suy diễn.
Còn chuyện tình thì sao? Miền núi làng bản sống xa xôi heo hút, chỉ có ngày chợ là có cơ hội gặp gỡ. Cho nên không phải là cần mua hàng mới ra chợ. Họ ra chợ để đi chơi, gặp nhau uống với nhau bát rượu, ăn bát thắng cố rồi về. Cũng nhiều đôi lứa hình thành từ quen nhau ngày chợ. Cho nên người ta mong chợ phiên, để có dịp gặp gỡ hò hẹn. Chợ như một điểm hẹn!
Ai để ý kỹ sẽ thấy chị em trẻ đi chợ thường ăn mặc đẹp như đi hội. Đem theo đồ mới, đến gần chợ, họ vào chỗ khuất thay đồ cũ mặc đồ mới tinh tươm rồi mới vào chợ. Bây giờ chợ phiên miền rừng vẫn thế. Chuyện tình duyên hình thành qua ngày chợ là vậy. Nếu cái đó gọi là chợ tình thì có lẽ chợ miền núi nào cũng là chợ tình cả!
Trước đây vùng Lạng Sơn, Cao Bằng còn có phiên chợ tất niên gọi là “háng toán”, chợ kết thúc năm cũ. Phiên ấy, chợ không bán, không mua, người ta ra chợ để hẹn những công việc có mối quan hệ khi năm mới tới: Làm nhà, cưới xin, giỗ chạp, sinh nhật và ti tỉ việc cần hẹn cần nhớ họp mặt nhau, giúp nhau. Thời ấy chưa có bưu điện, không điện thoại, nên "háng toán" là điểm hẹn duy nhất để gặp gỡ thông tin tiện lợi nhất. Phiên ấy những nhà quanh khu chợ luôn sẵn sàng tiếp khách, mời nước mời cơm lạ người quen như khách quý vậy. Bây giờ chợ ấy không còn vì cuộc sống giao lưu không còn cần nữa.
Đấy là 2 phiên chợ đặc biệt của miền núi giờ hầu như không còn. Khau Vai bây giờ như một điểm hẹn để biết chứ tinh thần chợ Khau Vai giờ hầu như không còn gì, ngoài địa chỉ đó để khách du lịch đến cho biết, cũng có thể chỉ lên thắp hương cho miếu ông và miếu bà tân trang, nhớ lại đã có mối tình hóa đá như vậy!
Họa sĩ Đỗ Đức