Tản văn Cuối tuần: Nhớ ông giáo Nhâm dạy vỡ lòng
(Thethaovanhoa.vn) - Thầy dạy học vỡ lòng cho tôi những năm cuối 1950 là ông giáo Nhâm. Ông là người trong xóm. Đó là con người khắc khổ.
Lớp học ở ngay trong nhà ông. Giờ học, cánh cửa chân quay được tháo ra để làm mặt bàn. Ghế thì có gì ngồi nấy, gạch đá cũng có, ghế nhỏ do cha mẹ đóng cũng có. Hết giờ học, cánh cửa lại trở về vị trí của nó, còn ghế gẩm thì được vun vào góc nhà một đống.
Ông giáo cũng nghèo như mọi người. Tiền công cho thầy là thóc. Tuy chỉ vỡ lòng khai tâm cho một lũ con cái bạn bè của ông giáo cả thôi, nhưng ông cũng rất nghiêm khắc. Ông dạy theo lối xưa, viết chữ lên chiếc bảng gỗ rồi ông chỉ từng chữ cho chúng tôi ê a đọc theo. Vở học chỉ có một quyển kẻ ô màu tím nhạt.Tịnh chưa một lần thấy ông có giáo án.Ông đã soạn sẵn tất cả trong đầu thì phải.
Bây giờ, cô giáo thầy giáo với trẻ vỡ lòng thì nhẹ nhàng chỉ bảo, chứ thời ấy, uốn nắn trò chỉ có một cách duy nhất: Không thuộc bài thì phạt, phạt quay mặt vào tường, phạt quỳ lên sỏi, lên gai mít... Viết sai hoặc chữ xấu thì phạt đẹt roi vào tay. Nặng hơn thì ông phạt quất roi vào mông, vào lưng. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái roi dài chừng 80 phân thót hình đuôi chuột lên màu mun, luôn gài bên vách tường như một hung thần.
Thời ấy, học thuộc lòng là một cách luyện trí nhớ bắt buộc, nhưng bọn trẻ chẳng bao giờ chịu thuộc. Ông bảo, ông quất cho “lòi cái dốt” ra. Thầy phạt tàn nhẫn thế, nhưng không đứa nào dám bỏ học. Bỏ học còn chết đòn hơn. Bố mẹ chúng tôi đều là nông dân. Ai cũng tin đó là cách dạy đúng, phải đánh roi cho hết thói lười học. Chẳng có ai bênh chúng tôi cả.
Tuy vậy, không phải lúc nào ông giáo cũng đánh đòn. Ông giáo ra roi chỉ cốt để dọa cái thói lười chứ ông biết đánh roi không thể làm người ta thông minh lên được. Nên dần dà cái roi gài trên vách cũng chỉ để dọa dẫm là chính. Nhưng ai cũng từng được nếm đôi lần, nên nhìn cái roi đã thấy khiếp. Có khi còn khiếp hơn bị đánh thật.
- Ngày Nhà giáo Việt Nam: Lời chúc 20/11 tình cảm nhất
- Những lời chúc Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hay và tình cảm nhất
Riêng tôi, phải chăng vì bé nhất lớp và nhà lại ở sát cạnh nhà ông giáo nên nể bố tôi mà ông không bắt phạt lần nào. Lại cũng có thể tôi là đứa chăm chỉ luôn thuộc bài nên ông không có cớ xuống tay? Tôi không nhớ hết được vì lúc ấy còn bé quá.
Sau này, khi việc giáo dục trẻ em đi vào những tiêu chuẩn mới, hiện đại và nhân văn hơn, nhưng trong ký ức tôi, cái roi của ông giáo Nhâm cũng chẳng hề có lỗi bởi cái tinh thần học đường của đồng quê thời ấy nó thế. Sau này nhớ về ông giáo, chúng tôi vẫn thấy bùi ngùi với lòng biết ơn người đã khai tâm chữ nghĩa cho mình. Còn thời ấy, đi học nhưng đâu đã hiểu được ý nghĩa của sự học. Đi học lúc ấy chỉ đơn giản “là trẻ con thì phải đi học” như một thứ công việc.
Đông Ngàn