Tấn công trên mạng: Nạn nhân cần được bảo vệ (*)
(Thethaovanhoa.vn) - Khi chúng tôi đăng tải trên mạng bài viết bênh vực Phạm Lịch và Nga My trong bê bối cáo buộc quấy rối tình dục của Phạm Anh Khoa, đây là một trong những lời bình luận chúng tôi nhận được: “... cave bày đặt có giá.”
- Phạm Anh Khoa: Sau bê bối, biết xin lỗi chỉ là khởi đầu
- Phạm Anh Khoa: ‘Tôi phải xin lỗi, không cầu mong một sự tha thứ nào’
- Hãy cư xử như người trưởng thành, Phạm Anh Khoa!
Chúng tôi chỉ là một trang Facebook trung lập trong vụ việc này. Thậm chí từ khi thành lập đến giờ, quan điểm của chúng tôi đưa ra luôn là chống đối sự ngược đãi. Đến vậy mà vẫn còn nhận về những lời bình như thế kia. Thì phải hiểu rằng những người dũng cảm dám đứng lên nói như Phạm Lịch và Nga My đã phải chịu những lời miệt thị như thế nào.
Gần đây nhất, khi người mẹ của một bé gái 9 tuổi viết bài trên Facebook cáo buộc lái xe Grab đã có những hành vi quấy rối tình dục con gái mình thông qua lời nói. Cô ấy cũng nhận về thập cẩm những bình luận trên tường cá nhân. Đây là những lời họ nói: “Câu like à chị?”; “Có bằng chứng mà phải xoá bài à?”; “Nếu như con này vu khống thì xác định luôn đi”…
Họ không cần quan tâm rằng chị này đã bị báo cáo và bài viết bị xoá bởi Facebook. Họ cũng không cần quan tâm đến việc chị này đã báo cáo việc này lên Công an chứ không chỉ dừng lại ở bài viết Facebook. Khi báo chí đưa tin rằng Đại diện Grab đã phải xin lỗi, Công an Quận đã vào cuộc, họ cũng không thèm 1 lời xin lỗi về những lời bình phẩm phiến diện của họ trước đó.
Những hành vi tấn công nạn nhân như vậy xuất hiện hàng ngày trên Facebook, mỗi khi có vụ bê bối nào đó xảy ra.
Thậm chí đến ngay cả vụ việc thương tâm như Hiệp sĩ đường phố ở Sài Gòn hy sinh, vẫn có những người comment một cách độc địa về những người Hiệp sĩ. Rằng thôi thì làm tốt cho chính mình và gia đình mình đi, hơn là làm ba cái tầm phào. Dẫu rằng trong sự việc này đó chỉ là thiểu số, nhưng nhìn vậy để biết rằng việc tấn công những người gặp nạn theo nhiều cách khác nhau đang diễn ra như thế nào.
Bất cứ nơi đâu cũng sẽ có kẻ xấu. Môi trường mạng xã hội với những bình luận vô thưởng vô phạt thậm chí còn tạo điều kiện cho cái xấu dễ dàng xuất hiện hơn.
Những kẻ tấn công hầu như sẽ không phải chịu hậu quả gì, còn nạn nhân thì ngược lại.
Năm 2015, một nữ sinh Đồng Nai đã uống thuốc diệt cỏ tự tử sau khi bị bạn trai tung clip nhạy cảm lên mạng. Năm 2013, một nữ sinh Hà Nội cũng uống thuốc tự tử chỉ vì bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào một bức ảnh nhạy cảm và sau đó có những lời trêu đùa quá trớn trên mạng.
Ngày hôm qua, “Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” đã được đặt lên bàn nghị sự. Bộ Thông tin & Truyền thông mong muốn có thể đem lại lợi ích lớn nhất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực trên không gian mạng. Điều này xuất phát từ thực tế rằng các chế tài xử phạt các hành vi tấn công trên mạng xã hội như: Nói xấu, phỉ báng, vu khống, bịa đặt thông tin… đã có nhưng số vụ việc được xử lý rất hạn chế so với thực tế vi phạm.
Một chiến dịch chống tấn công trên mạng diễn ra năm 2015 tại Brazil đã khiến mọi người ấn tượng về hiệu quả của nó. Khi một nữ Biên tập viên Đài truyền hình bị tấn công bằng những lời lẽ phân biệt chủng tộc (chỉ vì cô ấy là người da đen), các nhà hoạt động xã hội đã thực hiện một chiến dịch ngăn chặn việc này bằng một cách làm rất sáng tạo. Họ đã chụp hình lại những bình luận xấu, xác định vị trí của người đó, và sau đó thuê nơi đặt biển quảng cáo có in hình những comment xấu xí của họ.
Chiến dịch đã tạo ra những tác động thực sự hiệu quả. Người đứng đầu hoạt động trên chia sẻ rằng: "Những kẻ tấn công trên mạng nghĩ rằng họ có thể ngồi thoải mái trong nhà và làm bất cứ điều gì họ muốn. Chúng tôi muốn cho họ thấy chúng tôi có thể biết họ là ai.”
Có lẽ nếu thực sự muốn ngăn cản những hành vi tiêu cực trên mạng, chúng ta cần phải học theo lối tư duy như vậy. Chúng ta cần cho những “kẻ xấu” ở trên mạng biết rằng những hành vi của họ không phải vô thưởng vô phạt, chúng sẽ để lại hậu quả trong thực tế. Chúng tôi biết bạn là ai vì thế nên bạn cần cân nhắc trước khi làm bất cứ điều gì tổn thương người khác.
Bên cạnh việc nhận thức rõ ràng đâu là nạn nhân để bảo vệ, chúng ta cần có những cơ chế để “khép tội” những kẻ tấn công. Hy vọng rằng Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đang được đưa ra bàn thảo sẽ có những giải pháp phù hợp cho việc này. Đó là một trong những việc làm cần thiết để ngăn chặn những hành vi tiêu cực trên Mạng xã hội trong tương lai.
(*): Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Hạ Vi