Tại sao đế chế thời trang LVMH đặt cược lớn vào Kpop?
Tập đoàn hàng xa xỉ LVMH của gia đình Arnault đã mời một loạt thần tượng Kpop trở thành đại sứ thương hiệu, từ Jimin của BTS cho Dior đến G-Dragon cho Chanel...
Đầu tháng 1 vừa qua, Delphine Arnault được cha cô là Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH - đề cử vào vị trí lãnh đạo Dior.
Chỉ trong vòng vài ngày, nhà mốt Dior đã bổ nhiệm Jimin - một trong bảy thành viên của siêu nhóm nhạc Kpop BTS - làm đại sứ toàn cầu của thương hiệu.
Công ty quản lý nam ca sĩ là HYBE cùng Dior trên Twitter tuyên bố rằng Jimin "là hiện thân của tinh thần và sự độc đáo của phong cách Dior".
Động thái của Delphine diễn ra hơn một năm sau khi em trai của cô là Alexandre Arnault - Phó Chủ tịch điều hành của Tiffany & Co., đã ký hợp đồng với ca sĩ Rosé của Blackpink để làm đại diện cho hãng trang sức. Rosé hiện đang quảng cáo cho dòng hardwear - một bộ sưu tập dây chuyền và vòng tay của Tiffany.
Và vào tháng 6 năm ngoái, Celine – một thương hiệu khác dưới sự bảo trợ khổng lồ của LVMH – đã mời thành viên V của BTS, thành viên Lisa của Blackpink và nam diễn viên Hàn Quốc Park Bo Gum đến buổi trình diễn Xuân/Hè 2023 của thương hiệu tại Paris (Pháp). Trước đó, Lisa cũng đã làm việc với thương hiệu Bulgari của LVMH, đeo một trong những chiếc đồng hồ của hãng này trong chiến dịch năm 2021.
Tất cả đều chỉ ra một điều không thể phủ nhận rằng tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới đang chính thức đặt cược lớn vào Kpop.
Thần tượng xứ Hàn không xa lạ gì với hàng hiệu
Người nổi tiếng Hàn Quốc mặc đồ xa xỉ là một hình ảnh phổ biến. Thậm chí, có những tài khoản Twitter dành riêng để ghi lại mọi món đồ hàng hiệu mà họ mặc. BTS đã diện lại trang phục từ các thương hiệu LVMH tại các sự kiện quy tụ nhiều ngôi sao: tất cả bảy thành viên đều xuất hiện tại lễ trao giải Grammy ở Las Vegas (Mỹ) vào năm 2022 với trang phục của Louis Vuitton từ đầu đến chân, thông qua tạp chí Vogue.
Không chỉ LVMH, vào tháng 1 năm nay, rapper Suga của BTS đã trở thành đại sứ thương hiệu cho Valentino.
Và rất lâu trước BTS, thủ lĩnh G-Dragon của Big Bang - ban nhạc Kpop thống trị làng giải trí Hàn Quốc những năm 2000 - là một trong những đại diện lớn nhất của Chanel ở châu Á. Nam rapper đã tạo dựng tình bạn với nhà thiết kế quá cố Karl Lagerfeld - từng làm việc với Chanel hay Fendi... Năm 2015, G-Dragon cũng đã tham dự buổi trình diễn thời trang cao cấp của Chanel tại Paris.
Những con số thuyết phục
LVMH dường như đang tiến mạnh vào thị trường Hàn Quốc, lý do có thể nằm trong những con số thuyết phục. Ngoài thực tế là các ngôi sao Kpop có vô số người hâm mộ của riêng họ, người Hàn Quốc hiện là những người tiêu dùng xa xỉ lớn nhất thế giới, theo CNBC, trích dẫn số liệu từ ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ. Ước tính tổng giá trị chi tiêu của Hàn Quốc cho hàng xa xỉ cá nhân vào năm 2022 đã tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Và trung bình một người Hàn Quốc đã chi ít nhất 325 USD (7,6 triệu đồng) cho các mặt hàng xa xỉ vào năm 2022 - vượt xa mức chi tiêu bình quân đầu người 55 USD (1,3 triệu đồng) ở Trung Quốc và 280 USD (6,6 triệu đồng) chi tiêu bình quân đầu người ở Mỹ, theo báo cáo của Morgan Stanley.
Giáo sư kinh doanh Soo Kim tại Trường Kinh doanh Nanyang của Singapore cho biết môi trường cạnh tranh của Hàn Quốc và khoảng cách giàu nghèo dường như không thể vượt qua đang thúc đẩy "cỗ máy" chi tiêu xa xỉ ở nước này. Theo báo cáo của BNN Bloomberg, người Hàn Quốc đã cùng nhau gánh một khoản nợ đáng kinh ngạc vào năm 2021, vượt quá 5% GDP của đất nước, nhưng họ vẫn tiếp tục chi tiêu lớn cho hàng xa xỉ.
Soo Kim cho biết thêm, chi tiêu sẽ không dừng lại vì các mặt hàng có thương hiệu giúp bù đắp cho "những mối đe dọa thường xuyên" đối với "cái tôi" của người tiêu dùng bình thường ở Hàn Quốc. Cô cho biết, các mặt hàng xa xỉ cũng mang lại "sự giải tỏa tâm lý" - giúp người tiêu dùng Hàn Quốc kiểm soát được ngoại hình của họ.
"Hơn nữa, người Hàn Quốc rất tự hào về việc công dân của họ xuất sắc trên trường quốc tế. Việc nhìn thấy những ngôi sao của họ đại diện cho những ngôi nhà sang trọng này sẽ tác động tích cực đến nhận thức của người Hàn Quốc về những thương hiệu này" - Giáo sư nói thêm.
Mục đích lớn hơn khi giành được thị trường Hàn Quốc
Các chuyên gia cho rằng có một lý do lớn khác khiến LVMH đang để ý đến Hàn Quốc vì đây là "cửa ngõ" vào châu Á.
"Nếu bạn chiếm được thị trường Hàn Quốc, bạn sẽ nắm trong tay thị trường Đông Bắc Á" - Giám đốc điều hành Jacob Cooke của WPIC, một công ty tư vấn thương mại điện tử có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), chia sẻ với báo Women's Wear Daily vào tháng Giêng.
Giáo sư tiếp thị David Dubois tại Trường Kinh doanh Insead cho biết một phần cũng nhờ ảnh hưởng văn hóa của Hàn Quốc. "Xu hướng thời trang thường được tạo ra và áp dụng ở Hàn Quốc, trước khi được phổ biến sang các thị trường khác ở châu Á. Ông nói thêm rằng việc đầu tư vào Kpop của LVMH là sự tiếp nối của chiến lược dài hạn nhằm thiết lập dấu ấn lâu dài tại thị trường Hàn Quốc" - David Dubois nói.