Tại sao các VĐV trượt băng không bị... chóng mặt?
(Thethaovanhoa.vn) - Những vận động viên (VĐV) trượt băng nghệ thuật hàng đầu xoay với tốc độ nhanh không thể tin được - lên tới sáu vòng mỗi giây - đến mức có thể khiến ngay cả những khán giả theo dõi cũng phải cảm thấy lo lắng. Nhưng tại sao họ không bị chóng mặt?
Đó là thắc mắc của những người theo dõi môn thi đấu này. “Làm thế nào để VĐV trượt băng nghệ thuật không bị chóng mặt?” cũng trở thành câu hỏi được tìm kiếm hàng đầu trên Google tuần qua.
VĐV trượt băng nghệ thuật có bị chóng mặt không?
Có nhưng không nhiều, bởi vì qua nhiều năm tập luyện và thi đấu, các VĐV trượt băng nghệ thuật đã làm quen với điều đó và học cách giảm thiểu tác động từ việc xoay vòng. Họ học cách điều hòa cơ thể và bộ não để ngăn chặn cảm giác chóng mặt, theo các chuyên gia.
VĐV trượt băng nghệ thuật người Mỹ Mirai Nagasu - người đã giành được huy chương đồng tại Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc năm 2018, cho biết cô cảm nhận được sự thay đổi mỗi khi xoay vòng nhưng đã học cách tập trung hơn trong những năm qua. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có khả năng học cách để chống lại động lực tác động vào mình khi chúng ta xoay vòng”, cô nói.
Kathleen Cullen, giáo sư kỹ thuật y sinh tại Đại học Johns Hopkins, có câu trả lời khoa học hơn. Cullen nghiên cứu về hệ thống tiền đình - hệ thống chịu trách nhiệm về cảm giác thăng bằng và chuyển động của chúng ta, và cho biết quay vòng mà không bị choáng váng là một nghệ thuật được hoàn thiện theo thời gian.
“Có một điều thực sự sâu sắc xảy ra trong não của những người như vũ công hoặc VĐV trượt băng khi luyện tập”, Cullen nói. “Và về cơ bản đó là sự thay đổi trong cách bộ não xử lý thông tin. Khi bạn quay xung quanh, bạn đang kích hoạt các kênh bán nguyệt, cảm biến quay. Chúng chứa đầy chất lỏng và chúng cảm nhận được chuyển động quay của bạn. Nhưng khi bạn dừng lại, chất lỏng có quán tính và nó có xu hướng tiếp tục di chuyển. Chúng thực sự có cảm giác chuyển động sai”.
Qua nhiều năm đào tạo, bộ não của những VĐV trượt băng nghệ thuật đã thích nghi và học cách bỏ qua lỗi này. “Điều này được thực hiện theo thời gian với mỗi buổi luyện tập vì não bộ so sánh những mong đợi của nó với những gì nó thực sự cảm giác”.
Tóm lại, Cullen cho biết hầu hết mọi người cảm thấy như thế giới vẫn quay cuồng ngay cả khi họ ngừng xoay vòng nhưng các VĐV trượt băng không cảm thấy như vậy vì bộ não của họ đã thay đổi để kìm hãm cảm giác chóng mặt.
Tại sao VĐV trượt băng lại đeo găng tay?
Trong trượt băng nghệ thuật, VĐV phải thực hiện những động tác nhào lộn. Tiếp băng từ trên cao không phải là điều dễ dàng và tay của bạn sẽ dễ chạm vào lớp băng thô ráp khi tiếp xuống. Găng tay sẽ giúp VĐV tránh khỏi điều đó. Nó cũng giúp giữ ấm cho tay của các VĐV trong quá trình thi đấu.
Trong một môn thể thao có tính cạnh tranh cao, nơi lợi thế nhỏ nhất có thể tạo ra sự khác biệt, các VĐV quan tâm tới những điều nhỏ nhất.
Tại sao một số VĐV mặc quần tất bên ngoài giày trượt?
Nhiều người hâm mộ thắc mắc việc tại sao có nhiều VĐV mặc quần tất bên ngoài giày trượt của họ. Theo giải thích của VĐV người Mỹ Mirai Nagasu thì lựa chọn như vậy là do sở thích. Những người khác, như Courtney Hicks, người từng đoạt huy chương vàng tại Giải Trượt băng nghệ thuật Quốc tế Hoa Kỳ 2013, nói rằng việc mặc quần bó bên ngoài giày trượt giúp kéo dài dáng chân của họ.
Nhưng xu hướng đã thay đổi trong những năm gần đây, với rất nhiều vận động viên trượt băng chọn mặc quần bó bên trong ủng. Họ cảm thấy như vậy thời trang hơn.
Khu vực “hôn và khóc” là gì?
Sau bài thi của mình, các VĐV trượt băng nghệ thuật sẽ vào khu vực được gọi là “hôn và khóc” để chờ đợi điểm số từ ban giám khảo. Tại sao lại được gọi là “hôn và khóc”. Theo giải thích của VĐV Nagasu, đây chỉ là cách gọi theo kiểu chơi chữ. Sở dĩ có cách gọi như vậy là bởi đây là nơi khán giả có thể nhìn thấy các VĐV ở trong thời điểm căng thẳng và hồi hộp nhất của họ.
Nhiều VĐV trượt băng nghệ thuật ăn mừng bằng những nụ hôn với huấn luyện viên, hoặc họ có thể khóc vì tiếc nuối hay thất vọng.
Khánh Đan