Tai nạn - nhìn từ lan can cầu
(Thethaovanhoa.vn) - Khoảng 19h30 ngày 3/11/2018, chiếc Mercedes GLC300 do một phụ nữ cầm lái đã tông gãy lan can cầu Chương Dương, rớt xuống sông Hồng, thuộc vị trí của nhịp cầu số 19. Đến gần sáng ngày 4/11, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 2 nữ nạn nhân cùng chiếc xe này.
- Tìm thấy 2 người chết trong chiếc xe ô tô húc văng lan can cầu Chương Dương, lao xuống sông
- Ô tô mất lái lao qua lan can cầu Chương Dương xuống sông Hồng
Đây là một tai nạn rất thương tâm và đáng tiếc, vì có nhiều ý kiến cho rằng, nếu lan can cầu cao và chắc chắn hơn, xe chưa chắc bị rớt xuống sông, túi khí đã bung, hai người trên xe có thể không bị thiệt mạng. Việc cứu hộ, cứu nạn trên đường cũng nhanh chóng, ít tốn kém hơn dưới lòng sông.
Cũng có những phân tích cho thấy, với khung sườn chắc chắn, muốn bị nát đầu như chiếc Mercedes GLC300, phải cần một tốc độ lớn, cú tông rất mạnh. Chiếc Mercedes GLC300 này có 245 mã lực, mô-men xoắn cực đại lên đến 370 Nm tại vòng tua máy 1.200 vòng/phút, giúp tăng tốc 0-100 km/h trong vòng 6,5 giây. Cũng giống như chiếc BMW 5 Series gây tai nạn liên hoàn tại Hàng Xanh (TP.HCM) gần đây, những dòng xe này có mã lực rất mạnh, quán tính lớn, nếu mất lái, khả năng tông gãy lan can cầu, hoặc gây tai nạn liên hoàn là điều hoàn toàn có thể.
Nhìn lại các lan can cầu, đặc biệt các cầu vượt mới làm mấy năm gần đây, nguy cơ xe bị bay khỏi cầu khi gặp tai nạn là rất cao. Do các cầu vượt này thường cấm người đi bộ, nên không làm lề đường đi bộ, lan can lại khá thấp.
Theo khảo sát của báo Dân trí năm 2015, các lan can cầu vượt Lăng Cha Cả, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Tri Phương… (ở TP.HCM) chỉ cao từ khoảng 80 cm đến hơn 100 cm. Nhiều cầu vượt tại TP.HCM đã cơi nới chiều cao lan can về sau này, nhưng cũng còn khá thấp, ít cầu vượt nào có lan cao cao bằng mức tối thiểu là 140 cm - chỉ số an toàn theo 22TCN 272 - 2005.
Do các lan can thấp, độ bền chắc có thể chưa phù hợp với các cú va chạm mạnh, lại thiếu lề đường dành cho người đi bộ để cản bớt lực, việc người và phương tiện bay khỏi thành cầu là dễ xảy ra.
Mấy năm qua tại Việt Nam, số người và phương tiện bay qua khỏi lan can cầu sau tai nạn không phải là hy hữu. Số vụ tai nạn trên các cầu vượt tại Việt Nam và thế giới cũng không hề ít.
Đành rằng tại nạn giao thông là điều bất khả kháng, không có một mô hình nào an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, việc phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông lại có thể làm được, ngoài nâng cao ý thức, sự nhường nhịn, bao dung khi đi đường, thì các phương tiện bảo hộ, bảo hiểm cũng rất quan trọng. Nếu như các cầu vượt nói riêng và các thành cầu, lan can cầu nói chung đủ độ cao, độ bền vững trước các tai nạn, rủi ro sẽ giảm thiểu rất nhiều. Cứ hình dung một xe buýt hoặc xe tải lao khỏi lan can cầu vượt rơi xuống đường lúc đông người, thì đúng là tang thương.
Nhìn lan can cầu Chương Dương, đặc biệt cầu Long Biên - cũng như nhiều cây cầu cũ khác tại Việt Nam - thấy rõ tình trạng xuống cấp, có cảm giác “mong manh, dễ vỡ”. Có dịp cuốc bộ ngang qua cầu Long Biên (Hà Nội), nếu để ý lan can hoặc các miếng bê-tông cũ lót lòng đường đi bộ, dễ nhận ra sự “mong manh” này.
Trong các năm gần đây, sự xuất hiện của nhiều cầu vượt tại Hà Nội, TP.HCM là một bổ sung rất tích cực vào việc giải tỏa nạn kẹt xe, tắc đường. Các thành phố lớn tại Việt Nam còn cần rất nhiều cầu vượt trong thời gian tới. Vậy thì, việc thiết kế, xây dựng cũng nên tính toán sớm đến độ an toàn cho các lan can cầu, để tạo sự an toàn tốt hơn. Những cầu vượt đã sử dụng cũng nên rà soát, chỉnh sửa các lan can để tăng độ bền và sự an toàn. Đừng để tai nạn đường bộ mà chết do đường sông, hoặc đừng để tai nạn trên cầu vượt gây tổn thất oan cho người và phương tiện đi phía dưới.
Vô Ưu