Tác giả Lê Quang và 'Nước Đức từ A đến Z': '… 51% là học mở mắt nhìn đời'
(Thethaovanhoa.vn) - Với những ai đã quen với văn chương Đức, cái tên Lê Quang có lẽ không mấy xa lạ.
Với gần 30 năm sống và làm việc tại Đức, có cơ hội tiếp xúc với đủ mọi tầng lớp trong xã hội Đức, cùng dân Đức trải qua những cuộc thăng trầm lớn của lịch sử từ khi nước Đức bị chia cắt cho đến khi thống nhất, kết hợp với góc nhìn liên văn hóa sâu sắc nhưng không kém phần hài hước của mình, Lê Quang như một “pho từ điển” bất tận về đất nước Đức và con người Đức.
Lê Quang đã dịch sang tiếng Việt những tác phẩm nối tiếng như Người đọc (Der Vorleser - Bernhard Schlink, NXB Phụ nữ Việt Nam); Tình ơi là tình (Die Liebhaberinnen - Elfriede Jelinek, Nhã Nam phát hành); Đo thế giới (Die Vermessung der Welt - Daniel Kehlmann, Nhã Nam); Vị khách Chủ nhật (Söndagsmannen - Thomas Kanger, Nhã Nam); Mùa Thu Đức 1989 (Herbst’89 - Egon Krenz, Alphabooks phát hành); Karlsson trên mái nhà (Karlsson vom Dach - Astrid Lindgren, Nhã Nam)...
Anh cũng có nhiều năm gắn bó với báo Thể thao và Văn hóa với những bài dịch chuyên sâu về văn hóa và cả những chuyện lạ, chuyện hay trên muôn nẻo đường đời trong mục “Có thể bạn chưa biết”.
Để rồi sau chừng đó thời gian, Lê Quang bước từ vai trò người dịch sang vai trò người viết với cuốn sách Nước Đức từ A đến Z (NXB Phụ nữ Việt Nam), mở ra rất nhiều thông tin và góc nhìn thú vị xoay quanh nước Đức, người Đức, tinh thần Đức.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách, tác giả Lê Quang có cuộc trò chuyện với báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Những chuyện “từ bề dày 30 năm sinh sống ở xứ người”
* “Nước Đức từ A đến Z” là một cuốn sách có nội dung đầy đặn, bao quát và có tính cập nhật cao. Khi đọc, độc giả bắt gặp nhiều thông tin thú vị cùng với các con số thống kê chi tiết xoay quanh nền ẩm thực, thói quen ứng xử, nền kinh tế - chính trị và rất nhiều khía cạnh khác của nước Đức... Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình anh chuẩn bị và hoàn thiện nội dung cuốn sách này.
- Tôi không có chủ ý đem lại một thông điệp gì lớn lao, mà chỉ định thủ thỉ vài lời tự sự về những gì mình trải nghiệm ngót 30 năm ở Đức. Cũng vì thế mà sẽ có người thất vọng vì sao tôi không bàn sâu hơn về âm nhạc, thi ca, triết học v.v… Song đó là mong muốn của tôi khi viết sách này - như một buổi chuyện trò với những người sắp sang đó học tập, làm việc, hay đơn giản chỉ muốn tìm hiểu một nền văn hóa mà không ưa đọc sách quảng cáo hay sách hướng dẫn du lịch. Bạn đọc mà tôi hình dung ra là người muốn biết tôi cảm nhận gì, trải nghiệm gì và kể lại từ góc độ hoàn toàn cá nhân.
Đang thời dịch bệnh bị cầm chân ở nhà nên tôi viết cuốn này trong 4 tuần, mỗi ngày 1 mục (tức 1 chữ cái), viết khá dễ dàng vì mọi thứ trong đầu mình cả rồi.
* Theo anh, khó khăn lớn nhất khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Người Đức như thế nào? Nước Đức như thế nào?” là gì?
Tôi không nghĩ đến khó khăn, vì nghĩ thế thì không viết được. Tất nhiên, tôi ý thức được rằng “Từ A đến Z” chỉ là một cách nói vui, vì đây không phải là một cuốn tự điển hay bách khoa toàn thư, nhưng ai chịu khó đọc hết từ mục A đến Z thì - hy vọng - sẽ có vài khoảnh khắc thỏa mãn vì biết được những điều không có trên mặt báo hay trang sách giáo khoa, mà nghe kể từ bề dày 30 năm sinh sống ở xứ người.
* Theo anh, để hiểu và cảm một đất nước, một nền văn hóa, và một cộng đồng người, ở đây là nước Đức - người Đức, chúng ta nên chú trọng vào những điều gì?
- Trước tiên phải có tâm thế cởi mở, gạt bỏ mọi định kiến hay những gì nghe truyền miệng qua 3 người từng du lịch đến đó 1 tuần rồi về kể như đúng rồi.
mở sách với sự tò mò chính đáng, với tính ngây thơ, với cảm giác hân hoan đón chờ cái mới. Chẳng có dân tộc nào toàn cái hay hoặc toàn cái dở, họ sống ngàn đời trong một nền văn hóa khác và là những con người khác - và “khác” không có nghĩa là tốt hơn hay xấu hơn, chỉ đơn giản là… khác! Đó chính cái làm cho thế giới này thú vị, chứ ai cũng từa tựa như nhau và mặc đồng phục thì thà đi xem duyệt binh còn hơn.
* Trong phần “Phi lộ”, anh có thú nhận rằng lý do anh viết về nước Đức là vì anh yêu con người Đức. Sau gần 30 sống và làm việc ở Đức, về Việt Nam lại tiếp tục gắn bó với tiếng Đức qua các công việc dịch thuật, đến giờ nhìn lại, anh thấy yêu thích điều gì nhất ở con người Đức?
Tôi sống lâu ở Đức nên có những người bạn tốt và có ấn tượng sâu hơn với người Đức, chứ họ không có gì để tôi yêu hơn hay yêu kém người Pháp, người Việt, người Trung Quốc... Những đức tính mà tôi (hay ai đó) cho là tốt của người Đức thì có khi sang ta lại là kệch cỡm và xa lạ. Chắc chắn tôi đã tìm thấy một số điểm để yêu con người Đức, nhưng những điểm đó chỉ có ý nghĩa ở môi trường Đức, đem ra kể lể hay thậm chí so sánh thì không hợp lý.
* Sau một khoảng thời gian rất dài sống ở Đức, tiếp xúc với người Đức, tiếp nhận văn hóa - văn minh Đức, anh thấy văn hóa Đức đã tác động đến anh như thế nào? Nếu được, anh có thể đưa ra một ví dụ sinh động về sự tác động này để độc giả có thể hình dung rõ hơn không?
- Chỉ kể những chi tiết "nhỏ" nhất: Tôi luôn đúng giờ, tôi không nhờ hay sai ai việc gì mà tôi tự làm được, tôi đã nhận việc là trả đúng hẹn, tôi không vứt rác qua cửa ô tô xuống đường, tôi không uống bia khi phải lái xe - và quan trọng nhất là tôi làm tất cả những việc đó một cách gần như vô thức, tức là không cảm thấy bị hạn chế hay ép buộc.
“Học kiến thức chỉ là 49%, còn 51% kia là học mở mắt nhìn đời…”
* Khoảng thời gian mới sang Đức, tác giả Lê Quang đã đối mặt và trải qua những cú "sốc văn hóa" như thế nào?
- Lúc đó còn chiến tranh ở Việt Nam. Có thể nói là ở Đức tôi bắt đầu mức gần số 0: Không biết cầm dao nĩa khi đến nhà ăn sinh viên, không biết dùng máy giặt, không biết đến thăm cô giáo bị ốm thì mua hoa gì, không biết dùng khăn xì mũi khi ngồi trong rạp xem phim khiến người xung quanh nhìn mình như quái vật... Có lẽ chẳng có thì giờ kể hết các cú sốc văn hóa.
* Trong những trang cuối cùng của cuốn sách “Nước Đức từ A đến Z”, anh có viết về việc du học Đức và những khó khăn của học sinh, sinh viên Việt Nam khi bước chân đến vùng đất mới này. Theo anh, để có được hành trang tốt nhất trước khi sang Đức, các phụ huynh, học sinh, sinh viên Việt Nam cần chuẩn bị những gì?
- Tôi khuyên các học sinh (và cả phụ huynh) hãy khiêm tốn, nỗ lực học hỏi và hòa nhập, chỉ trong não trạng ấy người ta mới tiếp thu được cái hay cái đẹp ở môi trường lạ và khắc chế được những xung đột văn hóa không đáng có. Nói cho cùng, mình vào nhà người ta thì cũng phải nhập gia tùy tục và hạn chế cái tôi đôi chút, tuy đừng để đánh mất mình. Thêm nữa: Nhà người ta có gì hay thì mình mới sang học chứ?
Ngoài ra nên tâm niệm một điều: Theo quan điểm rất cá nhân của tôi thì học văn hóa và kiến thức chỉ là 49%, còn 51% kia là học mở mắt nhìn đời, học tạo cho mình một chỗ đứng tử tế trong xã hội, học chế ngự bản năng đôi chút “rừng rú” và tiếp thu cái ưu việt để hoàn thiện chính con người mình - bắt đầu ngay từ hành vi che miệng khi hắt hơi hay cách sử dụng nhà vệ sinh, chưa nói đến tri thức cao xa.
Cũng đừng quên là ở một xã hội mở như châu Âu, người ta có điều kiện học và sử dụng rất tốt một hay nhiều ngoại ngữ phổ biến, vốn là chìa khóa đưa ta đến nhiều chân trời mới.
Từ A đến Z và từ Z… về A
* Trên trang Facebook cá nhân, tác giả Lê Quang có hé lộ thông tin về cuốn sách mới mang tên “Nước Đức từ Z về A”. Anh có thể chia sẻ thêm thông tin về “tập 2” này không?
- Vâng, một số bạn đọc phàn nàn là sách mỏng quá, muốn biết thêm. Tôi cảm ơn các bạn đã góp ý và sửa sai bằng cách mời một anh bạn viết “tập 2” mang tên Nước Đức từ Z về A, vẫn theo ý tưởng của “tập 1” nhưng nhìn bằng cặp mắt của chính người bản địa. Anh bạn người Đức này là một nhà báo có đầu óc khai phóng, từng chọn nghề lái xe tải để đi khắp châu Âu, theo cả Con đường tơ lụa mới sang tận Trung Hoa. Chắc chắn anh sẽ tự nhìn mình trong gương khác tôi nhìn anh. Ta hãy đợi xem.
* Xin cảm ơn anh!
“Khi chuẩn bị cho các bạn qua Đức, tôi cố gắng không đưa họ vào ký túc xá trong năm dự bị, mà tìm gia đình người Đức ở trọ. Đó là một cơ hội vô giá mà ngày xưa không có. Ở chung với người Đức, học sinh được học từ lời ăn tiếng nói cho đến những kỹ năng cơ bản như lau nhà, hút bụi thảm, nấu ăn... và nếu may mắn thì học sinh sẽ học được cả những kiến thức và mẫu hành xử sơ đẳng cho cả đời: Cách khai thuế thu nhập hàng năm, hiểu vì sao không được tự rửa xe ô tô trong sân, quả táo từ cây nhà hàng xóm rụng vào vườn của mình thì có được lấy không v.v… (...) Vậy du học không chỉ để tiếp thu những kiến thức chuyên môn tân tiến hơn trong môi trường tốt hơn, mà còn có thêm 1, 2 ngoại ngữ, và học cả văn hóa sống - đôi khi tôi tin đó là một tài sản vô giá, không phải bỗng dưng có được”. (Trích Nước Đức từ A đến Z, NXB Phụ Nữ, 2021) |
Hội thảo “Giấc mơ Đức số 12” Sau 11 số phát sóng thành công, buổi hội thảo giao lưu trực tuyến giới thiệu cơ hội du học nghề Giấc mơ Đức số 12 do Tập đoàn giáo dục Expertrans EI tổ chức sẽ diễn ra vào 19h ngày 11/8 trên nền tảng Zoom online. Expertrans EI được biết đến là tập đoàn giáo dục và du học nghề toàn quốc, chuyên tư vấn, triển khai các chương trình Du học nghề tại Đức và các khóa học đào tạo tiếng Đức cho học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Ra đời từ tháng 6/2015 cùng với slogan “Biến giấc mơ thành sự thật”, Expertrans EI hiện đang là cầu nối tích cực, hỗ trợ học sinh, sinh viên Việt Nam mở rộng cơ hội phát triển cho bản thân trong tương lai khi sớm tiếp cận với những tinh hoa, tân tiến của CHLB Đức. Trong buổi giao lưu Giấc mơ Đức số 12, chương trình sẽ diễn ra với các chủ điểm: Tư vấn và định hướng theo nghề nghiệp, tìm hiểu lộ trình du học; gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các trường và tập đoàn hàng đầu CHLB Đức như Tổ chức giáo dục FUU - SACHSEN có thâm niên từ năm 1991 trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhiều ngành nghề như điều dưỡng, nhà hàng, khách sạn đầu bếp; giao lưu với học viên đang học tại Expertrans EI cũng như các cựu học viên tại CHLB Đức. Tại cuộc giao lưu, khán thính giả có dịp trao đổi với bà Kathleen Meinhold - Giám đốc điều hành FUU - SACHSEN và cô Katja Matthes - giảng viên/ giảng viên thực hành tại Viện Y học - huấn luyện viên Việt Nam. Đặc biệt, chương trình sẽ có 30 suất học bổng với tổng trị giá 150 triệu đồng sẽ được trao tặng cho các bạn học viên ngay trong buổi giao lưu này. |
TT