Super League: Ngân hàng hứa chi 3,5 tỷ bảng đã quay lưng với Perez
(Thethaovanhoa.vn) – Chủ tịch Super League Florentino Perez nhận thêm tin buồn sau khi nhiều CLB lũ lượt rút khỏi giải. Mới đây nhất, ngân hàng JP Morgan đã rút lại 3,5 tỷ bảng mà họ ủng hộ cho giải đấu gây tranh cãi.
Theo tờ Daily Mail (Anh), ngân hàng JP Morgan đã rút lại 3,5 tỷ bảng mà họ ủng hộ cho giải đấu gây tranh cãi Super League. Động thái này diễn ra sau khi nhiều CLB sáng lập Super League tuyên bố rút khỏi giải đấu này. Hiện tại, Super League chỉ còn 2 CLB là Real Madrid và Barcelona.
JP Morgan không muốn đầu tư cho Super League nữa
Các CLB trong nhóm “Big Six” của Premier League đã tháo chạy khỏi Super League chỉ 48 giờ sau khi giải đấu này được công bố.
Các cuộc biểu tình từ các CĐV cùng với chỉ trích từ các chuyên gia trên mạng xã hội và bên ngoài sân cỏ đã buộc Manchester City, MU, Arsenal, Liverpool, Chelsea và Tottenham rời khỏi Super League.
Atletico Madrid và các CLB ở Serie A sau đó cũng rời bỏ Super League, khiến giải đấu này chỉ còn Real Madrid và Barcelona. Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid và Super League tuyên bố rằng giải đấu vẫn chưa bị khai tử. Tuy nhiên mới đây, ông Perez nhận thêm đòn giáng từ JP Morgan khi ngân hàng này tuyên bố rút tiền tài trợ cho Super League.
Tuyên bố của JP Morgan cho biết: “Chúng tôi rõ ràng đã đánh giá sai về cách mà thỏa thuận này được cộng đồng bóng đá rộng lớn trên thế giới nhìn nhận cũng như cách mà Super League có thể tác động đến bóng đá trong tương lai. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm về việc này”.
Theo Guardian, JP Morgan có cam kết tài chính đối với Super League. Theo đó, mỗi đội tham gia giải đấu sẽ được trả từ 200 triệu euro đến 300 triệu euro (174 triệu bảng đến 261 triệu bảng).
JP Morgan mang vạ vì liên quan tới Super League
Tuyên bố của JP Morgan được đưa ra chỉ vài ngày sau khi công ty xếp hạng bền vững Standard Ethics hạ thấp mức xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng đầu tư này. Nguyên nhân xuất phát từ sự liêm chính của JP Morgan đã bị đặt dấu hỏi khi ngân hàng này chống lưng cho Super League, giải đấu bị các CĐV phản đối dữ dội.
Standard Ethics xếp hạng các công ty bằng cách đánh giá tính bền vững của họ và dựa trên các đánh giá khác của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm. “Standard Ethics đánh giá hướng đi của các CLB tham gia vào Super League cũng như của ngân hàng JP Morgan là trái với các thông lệ tốt nhất về tính bền vững, vốn được chúng tôi xác định theo hướng dẫn của Liên hiệp quốc, OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và Liên minh châu Âu, và cũng có tính đến lợi ích của các bên liên quan”, Standard Ethics tuyên bố.
Cơ quan này cũng trích dẫn “những tác động tiêu cực nghiêm trọng” của Super League đối với ngân hàng. Theo họ, đó là lý do khiến JP Morgan bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm.
Ông chủ của JP Morgan, Jamie Dimon đầu tháng này nói rằng “danh tiếng là tất cả” đối với những ngân hàng giống như của mình và nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của “tính cộng đồng”.
“Đối với 1 công ty tốt, danh tiếng là tất cả”, Dimon viết trong lá thư thường niên gửi các cổ đông.
“Danh tiếng của 1 công ty có được nhờ những tương tác với khách hàng và cộng đồng từ ngày này sang ngày khác. Khi tôi nghe những ví dụ về những người có hành động sai trái chỉ bởi họ có thể kiếm nhiều tiền hơn, điều đó khiến tôi tức giận. Và tôi không muốn những kẻ như vậy làm được ở đây”.
Tuy nhiên mới đây nhất, chính JP Morgan của Jamie Dimon đã bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm do liên quan tới Super League, giải đấu không những bị các CĐV mà còn cả Thủ tướng Anh, Boris Johnson phản đối mạnh mẽ.
Hiện tại, dù nhiều CLB đã rút khỏi Super League nhưng người ta vẫn đang tranh cãi về hình phạt cho các đội bóng này. Theo thông tin từ báo chí Tây Ban Nha, UEFA có thể loại Real Madrid khỏi Bán kết Champions League mùa này và cấm đội bóng của chủ tịch Florentino Perez cùng Juventus không được góp mặt ở Cúp C1 trong 1 năm vì họ chính là những CLB sáng lập của Super League.
Sơn Tùng