Sức mạnh trong sự bí ẩn của bóng đá nữ Triều Tiên
Khi đội bóng nữ hạng 20 thế giới Hàn Quốc thất bại tới 1-4 trước những người hàng xóm Triều Tiên, vốn không cả có thứ hạng trên bảng xếp hạng của FIFA, người hâm mộ mới hình dung ra được sức mạnh thực sự của đội bóng này, sau bề ngoài khá bí ẩn của họ.
Tháng Ba vừa rồi, đội tuyển nữ CHDCND Triều Tiên đã bị xóa tên khỏi hệ thống xếp hạng của FIFA do họ đã không thi đấu trận chính thức nào trong suốt 4 năm. Nhưng khoan, hãy nhớ rằng trận đấu gần nhất của họ là chiến thắng trước đội tuyển nữ Ý, dù phải chơi thiếu người.
Quyền lực của châu Á
Cyprus Women's Cup 2019 là giải đấu quốc tế gần nhất mà đội tuyển nữ Triều Tiên tham dự trước "bế quan tỏa cảng". Họ lần lượt đánh bại CH Séc, Nam Phi và Phần Lan để lọt vào chung kết. Tại đây, các cô gái Triều Tiên này vượt qua Italy 8-7 trên loạt sút luân lưu sau khi hòa 3-3 ở thời gian thi đấu chính thức để bước lên ngôi vô địch. Thời điểm ấy, đội tuyển nữ Triều Tiên xếp thứ 10 thế giới và là đội bóng nữ châu Á có thứ hạng cao nhất.
Bóng đá nữ Triều Tiên tuy chưa thể vươn tới đỉnh cao thế giới như Nhật Bản (vô địch năm 2011), nhưng họ lại là một quyền lực ở châu Á. Đội tuyển nữ nước này từng 3 lần vô địch châu Á (cùng 3 lần về nhì), chỉ kém mỗi Trung Quốc. Tại Asian Games, họ thậm chí đang là đồng kỷ lục gia với Trung Quốc nhờ 3 lần giành HCV (2002, 2006, 2014). Trong giai đoạn 1999-2011, họ dự VCK World Cup nữ liên tục, với thành tích tốt nhất là lọt vào tứ kết năm 2007 (thua Đức, đội sau đó vô địch).
Chính vì thế, gọi đội tuyển nữ Triều Tiên là "Hiện tượng" cũng không chính xác cho lắm. Singapore rõ ràng không phải thuốc thử sức mạnh với đội bóng này khi họ toàn thắng 2 trận tới hiệu số 17-0, trong đó một mình chân sút trẻ Kim Kyong Yong ghi 6 bàn. Và chiến thắng 4-1 trước Hàn Quốc có lẽ cũng không hẳn là một cú sốc, nhất là khi đội bóng Kim chi phải chơi thiếu người từ cuối hiệp một. Cánh cửa để nữ Triều Tiên đi đến trận cuối cùng là rất sáng khi mà đối thủ ở bán kết của họ chỉ là nữ Uzbekistan, đội bóng không được đánh giá cao. Có lẽ chỉ Trung Quốc hoặc Nhật Bản mới thực sự là đối thủ đáng ngại với thầy trò HLV Jo Song-ok.
Điều người ta ngạc nhiên là làm thế nào một đội bóng đã không thi đấu một trận đấu quốc tế trong suốt hơn 4 năm (họ ban đầu đăng ký dự vòng loại World Cup 2023, nhưng rồi cũng rút lui), mà lại có thể duy trì thứ bóng đá đỉnh cao như thế? Họ đã "đóng cửa luyện công" như thế nào? Cú sút phạt đẹp như mơ của Ri Hak vào lưới Hàn Quốc là một minh chứng cho chất lượng cầu thủ nữ Triều Tiên. Đó là một đường cong hoàn hảo mà ngay cả các đồng nghiệp nam cũng sẽ phải thán phục.
Triều Tiên trở lại, bóng đá nữ Việt Nam lo lắng
Có một thực tế không thể phủ nhận: Từ lần ở sát tấm vé World Cup nhất cho đến lúc hoàn thành mục tiêu, đội tuyển Việt Nam đều được hưởng lợi từ việc nữ Triều Tiên vắng mặt.
Năm 2011, do có tới 5 cầu thủ - trong đó có hai ngôi sao Song Jong Sun và Jong Pok Sim – bị phát hiện dương tính với doping, Triều Tiên đã bị FIFA phạt 400 nghìn USD và bị cấm tham dự vòng loại World Cup 2015. Đội tuyển nữ Việt Nam năm đó là chủ nhà VCK Asian Cup (giải đấu đồng thời là vòng loại World Cup), và chỉ còn cách tấm vé dự VCK đúng 1 chiến thắng ở trận play-off với Thái Lan, nhưng rốt cuộc đã thua 1-2 tại Thống Nhất. 8 năm sau, Triều Tiên lại không tham dự vì e ngại Covid-19, và lần này, đội tuyển nữ Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội khi đánh bại cả Thái Lan lẫn Đài Bắc Trung Hoa ở vòng đấu play-off và giành tấm vé lịch sử đến VCK World Cup.
Hiện tại, chưa rõ đội tuyển nữ Triều Tiên có ý định tham dự vòng loại World Cup nữ 2027 hay không, song nếu họ quyết định góp mặt thì chắc chắn đó không phải tin vui cho bóng đá nữ Việt Nam, bởi chúng ta sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn. Đội hình của nữ Triều Tiên ở giải đấu này cực trẻ trung. Họ có tới 15/22 cầu thủ là sinh năm 2000 trở lại, và cao tuổi nhất cũng chỉ mới 26 tuổi. Độ tuổi này sẽ còn chín hơn nữa ở World Cup 2027.
Ngoài 5 "chị đại" ở vòng loại World Cup 2027 là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ còn gặp những thách thức không nhỏ khác như Đài Bắc Trung Hoa, Thái Lan, Philippines, cùng cả Uzbekistan nữa. Và chúng ta còn đứng trước một giai đoạn chuyển giao thế hệ khi lứa Huỳnh Như, Tuyết Dung, Kim Thanh sắp đi đến đoạn cuối của sự nghiệp, trong khi thế hệ Thanh Nhã, Vũ Thị Hoa, Ngân Thị Vạn Sự,… vẫn còn phải chứng tỏ rất nhiều.
Lịch thi đấu môn bóng đá nữ ASIAD 2023
Vòng bán kết
17h00, ngày 3/10: Triều Tiên vs Uzbekistan
19h00, ngày 3/10: Trung Quốc vs Nhật Bản
Tranh huy chương đồng:
14h00, ngày 6/10: Thua BK1 vs Thua BK2
Tranh huy chương vàng
19h00, ngày 6/10: Thắng BK 1 vs Thắng BK2
Tuấn Cương