Sự kiện Graziano Pelle đến Trung Quốc: Tiền nhiều thế thì khó từ chối
(Thethaovanhoa.vn) - Tiền đạo người Italy đã từ bỏ các cơ hội nghề nghiệp sau khi chuyển từ Southampton sang Super League Trung Quốc (CSL) trong một thương vụ ngay lập tức đưa anh lên Top 10 những cầu thủ bóng đá được trả lương cao nhất thế giới.
- Fan Trung Quốc vây kín Pelle và cô bạn gái ĐẸP NHƯ MỘNG ở sân bay
- 10 cầu thủ đổi đời nhờ EURO 2016: Từ Pelle, Perisic... đến Kante
- Không phải Chelsea, Graziano Pelle sắp đến Shandong Luneng của Trung Quốc
Sánh cùng Messi và Ronaldo về lương bổng
Sau khi Pelle chuyển từ Southampton sang Shandong Luneng tuần trước, anh đã gia nhập Top 10 những cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới, với mức lương 34 triệu bảng trong 2 năm rưỡi, hay 260.000 bảng/tuần. Một tuần lương của anh có thể là khoản dành dụm của cả đời một người thường (và đó phải là người Anh nữa), nên không có gì lạ khi Pelle chớp lấy cơ hội ngay khi nó đến.
Tuy nhiên, trường hợp của anh có hơi khác. Nhìn chung, các cầu thủ bỏ châu Âu sang Trung Quốc những năm gần đây xếp vào 2 loại: Những người lớn tuổi, đã qua thời đỉnh cao đứng trước cơ hội kiếm được thu nhập “khủng” lần cuối cùng trong sự nghiệp, và những cầu thủ có chút tiếng tăm nhưng trình độ thực ra chưa xứng với tên tuổi. Ở trường hợp 1 là Didier Drogba, Nicolas Anelka và Yakubu Aiyegbeni; ở trường hợp 2 là Demba Ba, Paulinho và Obafemi Martins. Cũng có vài ngoại lệ, nhưng nhìn chung 2 nhóm cầu thủ này đều không còn hy vọng thăng tiến về nghề nghiệp ở châu Âu nữa.
Pelle, trong khi đó, đang ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Sau một mùa giải xuất sắc cho Southampton, Pelle đã chơi rất hay ở EURO 2016 trong màu áo Italy, ghi những bàn ấn định chiến thắng vào lưới TBN và Bỉ khi đội bóng của HLV Antonio Conte vượt qua mọi dự đoán để góp mặt ở tứ kết. Ngay cả nếu muốn rời Southampton, anh hoàn toàn có thể chuyển sang một CLB khác lớn hơn ở Anh, hoặc còn lớn hơn nữa nếu trở về Italy.
Pelle, 31 tuổi, có thể không còn trẻ nữa, nhưng cũng phải nhắc rằng anh là một cầu thủ thuộc diện “hoa nở muộn”. Tiền đạo này bị coi là thuộc kém cỏi khi còn ở quê nhà: Chỉ một mùa duy nhất ghi được hơn 10 bàn trong 9 năm đá cho những đội làng nhàng và hạng dưới, từ Lecce tới Sampdoria. Chỉ sau khi chuyển sang Feyenoord năm 2012, anh mới khởi sắc, ghi 85 bàn trong 147 trận ở Eredivisie và Premier League. Cả sự nghiệp, Pelle chưa từng khoác áo một đội bóng được dự Champions League (và giờ có lẽ là không bao giờ). Anh cũng chỉ ra mắt ĐT Italy ở tuổi 29, với 7 bàn sau 17 trận. Tức là nói về mặt nghề nghiệp, giờ Pelle mới chỉ bắt đầu.
Quyết định khôn ngoan
Nhưng đồng thời, 31 tuổi quả là không còn trẻ nữa. Không ai có thể trách Pelle nếu anh thấy cần tận dụng cơ hội này nhằm kiếm càng nhiều tiền càng tốt trong vài năm còn lại ở đỉnh cao. Anh cũng đã quen với việc chuyển nhà, thay đổi và thích nghi: Trung Quốc sẽ là đất nước thứ tư mà anh chơi bóng.
Về mặt sự nghiệp, cơ hội giành danh hiệu của anh ở Sơn Đông cũng sẽ lớn hơn ở Southampton hay Lecce. Những ai nghi ngờ điều đó có lẽ chỉ vì coi châu Âu là trung tâm của cả thế giới bóng đá, với định kiến không thể lay chuyển là 5 giải đấu hàng đầu của lục địa già là nơi duy nhất trên toàn cầu tồn tại “bóng đá đỉnh cao” và “nghiêm túc”. Cũng có thể Pelle thực sự tin ở siêu dự án CSL, nhưng tất nhiên, thật khó tranh luận rằng còn động cơ nào khác cho vụ chuyển nhượng này ngoài tiền bạc.
Điều này gợi ra một câu hỏi khác: Bao nhiêu tiền là đủ? Với những ai đang phải dè sẻn từng đồng để trả nợ mua nhà chẳng hạn, Pelle có vẻ quá tham lam, và những con số gây choáng ngợp đến khó hiểu (đồng thời dẫn tới sự so sánh không tránh khỏi: Từng ấy tiền có thể làm được những gì). Tuy nhiên, nên nhớ rằng với ước tính tối thiểu, thì Pelle cũng đã tăng gấp 4 lần thu nhập của anh. Hãy tưởng tượng đó là bạn, rõ ràng bạn sẽ không thể chối từ, dù lương của bạn đang là 80.000 bảng một tuần (như Pelle ở Southampton) hay chỉ 8 bảng một giờ (như mức tối thiểu ở Anh).
Những ai phán xét Pelle cũng nên đặt câu hỏi họ sẽ làm gì khi được đề nghị 34 triệu bảng trong vòng 30 tháng làm việc. Pelle nói sau khi sút hỏng quả luân lưu ở trận gặp Italy: “Nếu tôi ghi bàn, tôi đã trở thành người hùng, nhưng giờ tôi tới đây như một kẻ vô danh, và sẽ ra đi như một kẻ vô danh”.
Với một kẻ vô danh, 34 triệu bảng trong vòng 2 năm là một đề nghị không thể từ chối.
Những ngôi sao chơi bóng ở Trung Quốc Trung Quốc đang trở thành miền đất hứa của nhiều cầu thủ danh tiếng, và dưới đây là danh sách các cầu thủ đang chinh chiến ở mảnh đất đông dân nhất thế giới này: + Guangzhou Evergrande: Paulinho (Brazil - 14 triệu euro, tháng 6/2015 từ Tottenham), Jackson Martinez (Colombia - 42 triệu euro, tháng 2/2016 từ Atletico Madrid) + Hebei China Fortune: Gervinho (Pháp - 18 triệu euro, tháng 1/2016 từ Roma), Gael Kakuta (Pháp - 5 triệu euro, tháng 2/2016 từ Sevilla), Ezequiel Lavezzi (Argentina - 28 triệu euro, tháng 2/2016 từ PSG) + Jiangsu Suning: Ramires (Brazil - 28 triệu euro, tháng 1/2016 từ Chelsea), Alex Texeira (Brazil - 50 triệu euro, tháng 2/2016 từ Shakhtar Donetsk). + Shandong Luneng: Graziano Pelle (Italy - 15 triệu euro, tháng 7/2016 từ Southampton), Papiss Cisse (Senegal - 2,9 triệu euro, tháng 7/2016 từ Newcastle) + Shanghai SIPG: Hulk (Brazil - 55,8 triệu euro, tháng 6/2016 từ Zenit) |
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa