Sự kiện & Bình luận: 'Ngoại' làm tội 'nội'
(Thethaovanhoa.vn) - Thông qua một cuộc thăm dò của Thể thao & Văn hóa, phần lớn các ý kiến từ chuyên gia đến người hâm mộ đều cho rằng, các đội tuyển quốc gia cần có một HLV ngoại cho ít nhất một mục tiêu gần nhất là AFF Cup 2014. Quyết sách sẽ được đưa ra sau Đại hội VFF khóa VII, còn tại sao phải đợi đến sau Đại hội, chắc không cần nói thì tất cả cũng đều hiểu: Một kiểu tư duy nhiệm kỳ quen thuộc.
Sính ngoại…
Cần chắc rằng, khi các HLV và cầu thủ ngoại được mời đến dải đất hình chữ S, chúng ta kỳ vọng họ sẽ giúp nâng cấp các giải đấu cũng như nâng cấp ĐTQG. Bắt đầu từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, với ưu tiên là tìm HLV ngoại cho ĐTQG. Thời kỳ đầu của kỷ nguyên lên chuyên (những năm 2000), đóng góp của người nước ngoài cho bóng đá Việt Nam là rất đáng ghi nhận.
Tất nhiên, bù lại chúng ta đã phải trả cho họ rất nhiều USD (chứ không phải VND). Rất khó để cân-đo-đong-đếm, nhưng nếu bóng đá đơn thuần là thành tích, chúng ta hoàn toàn không có lời. Bên cạnh đó, việc sính ngoại để thỏa mãn căn bệnh thành tích còn khiến nhiều cầu thủ nội thui chột, do không thể cạnh tranh. ĐTQG đang thiếu những cầu thủ tốt nhất cho các vị trí quan trọng nhất trên sân…
Đó là điểm mấu chốt khiến số lượng các HLV ngoại cấp CLB vơi đi đáng kể trong những năm gần đây và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng đã có những điều chỉnh trong việc đăng ký và sử dụng ngoại binh (từ đăng ký 5, dùng 3 chính thức, V-League bây giờ chỉ được đăng ký 3, giải hạng Nhất chỉ còn 2 và tương lai gần sẽ sạch bóng ngoại binh – PV).
Nhưng một biến tướng ít ai lường trước nó sẽ phát tác và gây tổn hại cho nền bóng đá, chính là việc thả nổi chuyện nhập tịch. Hiếm CLB nào ở V-League không có “Tây” nhập tịch, thậm chí nhiều đội còn sở hữu đến 3, 4 cái tên. Các ngoại binh nhập tịch hoàn toàn không có đóng góp nào cho ĐTQG, khi chúng ta không có chủ trương sử dụng đội ngũ này.
Sau thất bại của HLV Falko Goetz trong năm 2011, phương án dùng HLV nội cho ĐTQG nhận được nhiều sự đồng thuận. Không những tiết kiệm được đáng kể chi phí (trả lương), đây còn là cơ hội để thầy nội chứng minh năng lực. Song, sau những bể dâu mang tên Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc, sự hối thúc cần thiết phải có thầy ngoại lên đỉnh điểm, dù ai cũng biết, đó chỉ là con đường mòn.
Hay “đá khoán”?
Trước khi vấn đề tìm thầy ngoại cho ĐTQG được đề cập trở lại, giải đấu cao nhất dải đất hình chữ S, V-League, cũng đã hơn một lần tìm đến các quân sư người nước ngoài. Mới đây nhất, ông Tanaka KOJI đã là người Nhật Bản thứ 2 sang Việt Nam ngồi ghế trưởng giải, với mực lương được cho là 200 triệu đồng/tháng, theo một nguồn tin không chính thức. Tuy nhiên…
Có thể lờ mờ hiểu rằng, đó chỉ là một thể loại chiến thuật “đá khoán” vẫn hay dùng trong bóng đá, cho việc “bắt chết” một cầu thủ nào đó hoặc phụ trách khu vực trên sân. Làm một phép liên tưởng, chắc chắn rằng, mọi sự cố, phát sinh và cả những tồn tại thuộc tính của nền bóng đá, với hệ thống các giải đấu…, nói chung là mọi tội nợ, sẽ đổ cả lên đầu ông trưởng giải người Nhật.
Có nhiều điểm khác biệt giữa một ông trưởng giải, mà theo chia sẻ “gần như chưa có hiểu biết gì về bóng đá Việt Nam, về V-League” với một ông HLV trưởng ĐTQG, về chuyên môn, nhưng bản chất lại giống nhau, khi người ta cần tìm một ai đó (không phải người Việt) để đổ đồng trách nhiệm. Suy cho cùng, nó cũng là một kiểu tư duy nhiệm kỳ.
Giải pháp nhất thời, ngắn hạn với những người nước ngoài cho những vị trí quan trọng như trưởng giải hay HLV trưởng ĐTQG, rõ ràng không khả quan. Nên, nếu có thể vẽ ra một chiến lược dài hơi, hãy thuê họ với tư cách cố vấn hay Giám đốc kỹ thuật. Bóng đá Việt Nam không phải thiếu những người tài, vấn đề là họ cần được khích lệ, tin tưởng và cần được tạo cơ chế để làm việc.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa