Sự dũng cảm, chính trực của em Phạm Song Toàn và quyền không im lặng
(Thethaovanhoa.vn) - Phạm Song Toàn, cô học sinh lớp 11 trường PTTH Long Thới (TP.HCM) vừa chuyển trường vào hôm qua 9/4.
- Tạm đình chỉ cô giáo hơn 3 tháng không giảng bài khi lên lớp
- Sẽ đuổi việc cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng
Chưa hết, ngôi trường nơi Toàn chuyển tới, còn tặng cho em một học bổng trị giá 300 triệu đồng, với lời chia sẻ qua báo giới rằng đấy là phần thưởng "từ sự cảm kích về lòng dũng cảm và chính trực".
Nếu không theo dõi từ trước, hẳn rất nhiều người sẽ ngạc nhiên về những gì đang diễn ra. Nhưng, đó không phải là một vụ chuyển trường đơn thuần.
3 tuần trước, cái tên của Toàn còn chìm nghỉm giữa hàng triệu học sinh cấp 3 trên toàn quốc. Để rồi, kể từ ngày 23/3, Toàn – và việc học tập của em – lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Ngày hôm ấy, trong buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục của TP.HCM, Toàn - trên tư cách Bí thư Đoàn trường - đã lên tiếng về cách giảng dạy không tưởng của cô giáo Châu tại lớp em. Suốt 3 tháng, ở những giờ dạy Toán, Toàn và các bạn phải tự học, tự đọc trong trạng thái hoảng sợ - khi cô Châu chỉ lẳng lặng viết lên bảng và tuyệt đối không nói bất cứ lời nào.
Thông tin, và những giọt nước mắt từ Toàn, là quá đủ đề dư luận cùng các cơ quan vào cuộc. Và, lý do mà cô Châu đưa ra (sợ bị học sinh ghi âm bài giảng vào mục đích xấu) không thể khiến người ta đồng tình. Nhất là khi, như một sự trùng hợp, cô từng bị ngành giáo dục TP.HCM kỷ luật cách đây 6 năm vì lỗi nhục mạ học sinh.
Cũng trong ngày hôm qua 9/4, khi Toàn chuyển trường thì cô Châu bị nhà trường tạm đình chỉ dạy học trong 3 tháng để chờ hình thức kỷ luật.
***
Những gì diễn ra giống như một cái kết hoàn hảo: người có lỗi sẽ bị kỷ luật, người tố giác được tôn vinh về sự chính trực và dũng cảm của mình.
Chỉ có một hạt sạn duy nhất: phía tôn vinh Toàn lại là một ngôi trường hoàn toàn xa lạ, chứ không phải trường PTTH Long Thới, nơi em đã lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho mình và bè bạn.
Dù vậy, hạt sạn ấy vẫn là đủ, để nhiều người không thấy lạc quan trong câu chuyện này. Nhất là khi, đã có một số thông tin cho biết: trong hơn 2 tuần sau khi "lên tiếng", Toàn bị cô lập ở trường và bị một số bạn học gây áp lực qua mạng xã hội.
Cũng dễ hiểu, khi lãnh đạo trường Long Thới phủ nhận việc trù dập Toàn (và nói rằng em chỉ gặp chuyện "tranh cãi qua lại" cùng các bạn). Nhưng, điều ấy cũng không phủ nhận một thực tế mà nhiều người đã chỉ rõ: Lẽ ra, Toàn cần được nhận về nhiều hơn thế.
Em cần được nhận về những động thái để được biểu dương từ phía nhà trường - như một lời khẳng định rõ về sự đúng/sai trong câu chuyện. Xa hơn, chính nhà trường cũng cần có những giải pháp để bảo vệ em (và giải thích với dư luận hoặc bè bạn) để tránh những áp lực không đáng có.
Để rồi, đến khi Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lên tiếng đề nghị sớm giải quyết việc chuyển trường cho Toàn vì "cảm thấy bất an khi để em trong môi trường đó", cô học sinh này mới được... giải cứu, như cách mà nhiều người gọi.
***
Chuyện của Toàn xảy ra song song với một vụ việc khác ở Hải Phòng, khi một em học sinh lớp 3 bị cô giáo phạt bằng cách ép uống nước ngâm giẻ lau bảng. Em hoảng sợ, nhưng rồi cũng ngoan ngoãn uống, khi cô dọa sẽ... cưỡng chế.
Người viết, tất nhiên không có ý định so sánh về cách phản ứng giữa một học sinh ít tuổi và một nữ sinh lớp 11 như Toàn. Nhưng, là phụ huynh, tất cả chúng ta đều muốn nói rằng: Giá như em học sinh lớp 3 ấy sớm hiểu về quyền được tôn trọng của mình, trên ghế nhà trường.
Quyền được tôn trọng ấy không chỉ gắn với việc quan tâm và bảo vệ nhân phẩm của các em. Chắc chắn, đó còn là quyền được phản biện, hoặc chí ít là thể hiện quan điểm và tiếng nói của mình, dù trước các em là người lớn.
Giống như, xét cho cùng, phần thưởng về sự "dũng cảm và chính trực" của Toàn cũng chỉ gắn với một quyền cơ bản mà chúng ta luôn hi vọng ngay cả ở những người trưởng thành: Quyền không im lặng, khi không nên im lặng.
Cúc Đường