Sơn Tùng M-TP và việc sử dụng beat nhạc trái phép (Kỳ cuối): Đừng là 'ốc mượn hồn'
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chia sẻ: Nếu dùng phần hòa âm phối khí của một ca khúc để viết lại giai điệu, điều đó chẳng khác gì “ốc mượn hồn” không thể có sáng tạo độc lập…
Không phải “beat” mà là “hòa âm phối khí”
* Một xu hướng sáng tác ca khúc hiện nay trên thế giới là làm việc theo nhóm. Viết hòa âm, giai điệu, ca từ được từng thành viên trong nhóm đảm nhận, về tính chất công việc nó có khác gì các nhạc sĩ trẻ hiện nay dùng beat nhạc có sẵn và làm một giai điệu trên phần beat đó?
- Trước tiên, phải xác định lại cho rõ rằng vấn đề đang bàn ở đây không phải beat nhạc mà là toàn bộ phần hòa âm phối khí và cả công đoạn thu âm cùng bản mix audio. Nói nôm na nó như nhạc để hát karaoke!
“Beat” thường chỉ là phần tiết tấu mà chưa bao gồm công năng hòa âm, cấu trúc chặt chẽ của một bài hòa âm phối khí mà người nhạc sĩ đầu tư chất xám mới có được. “Beat”, đơn giản chỉ là một drums loop thì làm sao viết giai điệu trên đó?
Việc cùng nhau sáng tạo một bài hát bao gồm làm hòa âm, viết giai điệu và ca từ cho ca khúc của một nhóm nhạc hoàn toàn khác với việc một người dựa vào phần hòa âm đã có sẵn dưới dạng một bài “karaoke” rồi viết giai điệu lên đó.
Ở trường hợp đầu, có sự cộng hưởng, thăng hoa giữa các thành viên của một ban nhạc. Họ làm việc với nhau trong một studio, một phòng tập, trong các buổi diễn live. Giữa họ có một sự liên kết chặt chẽ, hiểu ý nhau như những người bạn thân. Từ đó mới tạo nên những tác phẩm để đời mà nhiều thập kỷ sau, không ai có thể tách rời các bản phối đó với giai điệu của bài hát. Đố ai có thể đạp đổ bản phối của Hotel California (Eagles), And I Love Her, Come Together (The Beatles)… để thay bằng bản phối hoặc giai điệu khác!
Ở trường hợp sau, thường chỉ là một trong những cách “chơi” của giới underground. Họ không có nhu cầu phổ biến rộng rãi tác phẩm kiểu này. Tôi đã tiếp xúc nhiều bạn trẻ tập tành sáng tác kiểu này, họ rất dè dặt khi “khoe”tác phẩm với tôi, và hầu như không có ý định phổ biến tác phẩm, mà chỉ xem như một bài tập viết nhạc thôi.
* Nếu người làm thêm giai điệu ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, tên tuổi tác giả của phần phối khí “karaoke” đó, hay nói rộng hơn là tôn trọng bản quyền một cách nghiêm túc, việc viết giai điệu trong trường hợp như vậy anh có ủng hộ không? Lý do tại sao?
- Điều này cũng giống như có những cặp đôi không cần hôn nhân nhưng vẫn sống hạnh phúc. Nhưng để ủng hộ cho cả xã hội sống theo kiểu này thì không thể! Bởi không có nhiều người có đủ bản lĩnh và am hiểu để sống không cần hôn nhân!
Hãy nghe thử Hung Up do Madonna thể hiện (Madonna và Stuart Price đồng sáng tác), ca khúc được phóng tác từ Gimme! Gimme! Gimme! của Abba. Một tác phẩm biến tấu thật điệu nghệ. Chỉ lấy cảm hứng từ câu intro và vòng hòa âm của câu intro này, sau đó là một bài khác hẳn. Nhạc sĩ này thừa sức để làm vô số bài hát mới mà không cần vịn vào Abba, nhưng không! Anh ta có ý thức và chủ đích khi tạo ra Hung Up!
Làm theo cách này trên thế giới đã là cá biệt! Huống hồ hoàn toàn dựa vào cái khuông của người khác để tìm giai điệu cho mình! Cho dù anh có ghi rõ xuất xứ nguồn gốc của bản hòa âm đi chăng nữa, cũng không phải là điều nên thường xuyên làm! Đó không phải cách của dân nhạc chuyên nghiệp!
Phải tự “xây nhà” cho ca khúc của mình
* Người làm giai điệu trên phần hòa âm phối khí có sẵn, xét về khía cạnh tài năng, họ chưa toàn diện, nhưng nếu tạo được một giai điệu hay trên một beat nhạc hay (kiểu như Ave Maria mà Charles Gounod tạo trên nền hòa âm của Bach) để cho ra đời 1 tác phẩm có giá trị, điều đó cũng có ý nghĩa với đời sống âm nhạc chứ?
- Charles Gounod cũng tương tự như người làm Hung Up cho Madonna: Đó là một bậc thầy! Họ thừa kiến thức và khả năng để sáng tạo vô số tác phẩm mới! Nhưng họ muốn thể nghiệm một điều mới cá biệt, rất cá biệt! Bằng chứng là những tác phẩm làm theo kiểu này không nhiều, nếu không thì toàn bộ các tác phẩm của họ và của cả thế giới đều làm theo kiểu này hết! Điều này chứng tỏ rằng cách làm nhạc theo kiểu “ốc mượn hồn” không thuận tự nhiên, chỉ vài trường hợp cá biệt của vài người có tài năng cá biệt!
* Việc viết giai điệu trên phần beat của nước ngoài có đem lại một giai điệu cá tính của Việt Nam không? Tại sao?
- Làm sao có cá tính được khi bạn mượn khuôn đúc của người khác? Bạn phải là người tạo ra cái khuôn cho chính bạn chứ! Bạn phải là người tự xây chính ngôi nhà của mình! Dân trong nghề thừa biết làm hòa âm cho một ca khúc còn khó gấp mấy lần việc tìm một giai điệu trên nền hòa âm! Khi mà công việc khó nhọc ấy đòi hỏi phải có một quá trình học tập, kinh nghiệm, cập nhật mà do người khác làm… thì bạn còn vai trò gì cho bài hát của mình nữa chứ?!
* Anh có nhận định như thế nào về một số bạn trẻ sáng tác hiện nay. Có thật sự là các nhạc sĩ trẻ làm việc với tinh thần cầu tiến trong nghệ thuật?
- Không thể vì một trường hợp của Sơn Tùng vừa rồi mà đánh giá hết toàn bộ mặt bằng các nhạc sĩ trẻ hiện nay. Tôi nghĩ Sơn Tùng không cố ý, chỉ vì bạn ấy không hiểu nên mới làm vậy. Bạn ấy sẽ phải chứng minh tài năng bằng các tác phẩm sắp tới!
Tôi vẫn thấy rất nhiều bạn trẻ làm việc nghiêm túc với âm nhạc, cùng nhau sáng tạo nên những bài hát cá tính, với phần hòa âm rất riêng của mình. Các sân chơi như Bài hát Việt là nơi để các bạn trẻ khẳng định điều này.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy nguyên nhân sâu xa là nền nhạc pop Việt đang mất cân đối trầm trọng. Khán giả trẻ tuổi đang “khát” phân khúc nằm ở giữa - các bài hát có tiết tấu trẻ trung cuốn hút, dễ nghe, không quá học thuật. Trong khi đó, các nhạc sĩ trẻ phía Bắc luôn có khuynh hướng hàn lâm, các nhạc sĩ phía Nam thì lại uỷ mị, sướt mướt. Chính vì thế, khi Sơn Tùng lấp vào khoảng trống này bằng các tiết điệu và hòa âm mấy bài nhạc Hàn, thì lập tức tạo cơn sốt. Mặc dù cách làm của cậu ta chưa ổn lắm, khán giả cũng không quan tâm điều đó! Vì họ được thỏa cơn khát!
* Anh có nhắn nhủ gì đến các nhạc sĩ trẻ, nhất là các nhạc sĩ trẻ dùng beat nước ngoài để viết thêm giai điệu?
- Cho dù chúng ta đang có trong tay những phương tiện máy móc, phần mềm, internet cực kỳ thuận lợi cho việc viết nhạc. Tất cả những cái đó chỉ là phương tiện. Nhưng cái quan trọng nhất: cảm xúc phải của mình! Nó xuất phát từ trái tim mình, không phải từ trái tim của người khác!
* Cám ơn anh về cuộc trao đổi này.
Hữu Trịnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa