Sơn Tùng M-TP và việc sử dụng beat nhạc trái phép (Kỳ 1): Đằng sau chuyện 'đạo nhạc'
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây vụ việc của ca sĩ trẻ Sơn Tùng được nhiều báo chí đề cập. Việc Sơn Tùng lấy beat nhạc của người khác để làm thêm phần giai điệu mà không ghi rõ xuất xứ, đó là điều sai trái. Tuy nhiên, một vấn đề khác được đặt ra là: liệu các giai điệu mà Sơn Tùng tạo ra có giá trị gì đối với tình hình ca khúc Việt hiện nay hay không?
Việc viết giai điệu trên một nền hòa âm có sẵn, Charles Gounod đã làm cách đây khoảng 150 năm khi ông tạo ra bản nhạc Ave Maria bằng cách viết thêm phần giai điệu vào bản Prelude số 1 của J.S.Bach và đó là một bản nhạc lừng danh trên thế giới.
Một xu hướng của thế giới
Một vài thập niên gần đây, một xu hướng sáng tác ca khúc trên thế giới là được thực hiện theo nhóm. Phần hòa âm, giai điệu, ca từ do từng người trong một nhóm thực hiện. Phương pháp này cho phép phát huy tối đa thế mạnh của từng người để tạo ra một ca khúc. Có ý kiến cho rằng, như vậy trình độ của mỗi cá nhân chưa đạt đến đẳng cấp toàn diện. Nhưng nếu xem chất lượng tác phẩm là hiệu quả cuối cùng để đưa đến công chúng thì phương pháp này vẫn có nhiều người thực hiện và nhiều người ủng hộ.
Nói như thế để thấy rằng, nếu Sơn Tùng không có một “groupe” thì việc dùng beat có sẵn (hiểu theo nghĩa toàn bộ phần hòa âm, phối khí) để viết thêm giai điệu cũng là việc bình thường.
Tuy nhiên, công luận phê phán Sơn Tùng vì anh đã hành xử không đúng theo những quy định về bản quyền. Dùng beat nhạc của người khác nhưng không ghi tên tác giả, và không xin phép tác giả, đó là hành vi trái với quy định về việc làm một tác phẩm phái sinh theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Công ước Berne. Nếu Sơn Tùng ghi rõ xuất xứ (kể cả beat free trên mạng internet - nếu có) có lẽ anh sẽ không bị gán cho cái tội “đạo nhạc”.
Qua tìm hiểu, đa số các beat mà Sơn Tùng dùng để viết thêm giai điệu là có tên người hòa âm cụ thể và nằm trong một ca khúc đã có giai điệu và ca từ. Vì vậy, có lẽ Sơn Tùng cần “dũng cảm” nhận lỗi của mình, không nên nói chung chung là “lấy từ trên mạng”.
Ca khúc Cơn mưa ngang qua, Đừng về trễ và Em của ngày hôm qua của Sơn Tùng M-TP đã bị loại khỏi bảng xếp hạng Bài hát yêu thích.
Rạch ròi hai việc
Có lẽ chúng ta cần rạch ròi 2 việc: thứ nhất, Sơn Tùng đã vi phạm bản quyền (hay nói nặng hơn một chút là “ăn cắp” nhạc), đó là việc cần phê phán, Sơn Tùng và các nhạc sĩ trẻ sáng tác theo xu hướng như Sơn Tùng cần lấy làm bài học kinh nghiệm, nhất là trong bối cảnh vi phạm bản quyền âm nhạc tràn lan như hiện nay. Cần nói thêm rằng, năm 2005 để dùng đoạn nhạc dạo của bài Gimme! Gimme! Gimme! nhằm sáng tác bản Hung Up nổi tiếng, Madonna đã phải gửi người đại diện của mình sang Thụy Điển để xin phép ABBA. Nói như thế để thấy rằng ý thức về bản quyền của Sơn Tùng là quá kém.
Thứ hai, những giai điệu mà Sơn Tùng đã thực hiện trên các beat nhạc, chúng có giá trị gì về nghệ thuật không? Nếu thật sự là những giai điệu có giá trị chúng ta cũng cần có những nhìn nhận đúng mức đối với Sơn Tùng. Còn nếu giai điệu của Sơn Tùng cũng “na ná” như giai điệu có sẵn của beat nhạc thì là vô nghĩa. Các nhà chuyên môn cần vào cuộc để làm rõ điều này nhằm đem lại một sự trả lời thỏa đáng đối với công luận.
Cũng cần nói thêm rằng, công việc Sơn Tùng làm, có điều khác với những người đã từng làm điều này. Nếu Gounod soạn giai điệu trên phần hòa âm của Bach, mà phần hòa âm này chưa có giai điệu. Hoặc các thành viên sáng tác theo nhóm, soạn giai điệu trên phần beat chưa có giai điệu, thì Sơn Tùng thực hiện phần giai điệu của mình trên những beat nhạc đã có giai điệu và lời ca, đó là những ca khúc khá nổi tiếng (mà Sơn Tùng bỏ phần giai điệu này ra để thay phần giai điệu của mình vào).
Một ca khúc hiện nay nếu đáp ứng được cả yêu cầu của công chúng và giới chuyên môn thì đó là một điều rất lý tưởng. Về khía cạnh công chúng, Sơn Tùng có khá nhiều bài hit, trong đó ca khúc có lượng nghe nhiều nhất là Em của ngày hôm qua: trên mp3.zing.vn là hơn 157 triệu lượt nghe và trên YouTube là gần 32 triệu lượt (tính đến chiều 13/6/2014). Nếu ca khúc đình đám Chuyện như chưa bắt đầu của Mỹ Tâm làm “chấn động” trên YouTube năm 2012 và kéo dài sang gần hết năm 2013, ca khúc này cũng chỉ đạt khoảng 8 triệu lượt nghe. Nói như thế để thấy con số gần 32 triệu lượt nghe trên YouTube của Em của ngày hôm qua là rất kinh khủng.
Tuy nhiên, có khi những ca khúc được giới chuyên môn cho là “tầm phào”, công chúng mạng lại ào ào vào nghe. Vì vậy, chúng ta cần có sự thẩm định của các nhà chuyên môn, xem các giai điệu của Sơn Tùng như thế nào?
Những beat nhạc có chủ chứ không “free trên mạng” Ca khúc Cơn mưa ngang qua của Sơn Tùng dùng beat của Sarangi Mareul Deutjianha. Đây là ca khúc nằm trong single Revolution của nhóm hip-hop người Hàn Quốc Namolla Family, phát hành tháng 4/2011. Ca khúc này được nhạc sĩ Kim Soo Bin (sản xuất: Oh Se Wook) sáng tác và hòa âm. Nó đã từng đứng ở hạng 34 trên bảng tổng sắp âm nhạc Soompi năm 2011. Ca khúc Đừng về trễ của Sơn Tùng dùng beat của ca khúc Nostalgia. Đây là ca khúc song ca giữa Ga-in (cựu thành viên nhóm Brown Eyed Girls) và Eric Mun (trưởng nhóm Shinhwa). Ca khúc này được Kim Dohyun sáng tác với phần lời của Park Seung Chul được Ga-in hát để tri ân người hâm mộ cô. Ca khúc khá hot vào tháng 11/2012. Ga-in là một trong những nữ ca sĩ được yêu thích nhất tại Hàn Quốc và cũng được xếp vào danh sách mỹ nhân của làng K-Pop. Ca khúc Em đừng đi của Sơn Tùng dùng beat của ca khúc Still. Ca khúc này của Flower, nhóm nhạc đến từ Nhật Bản. Tuy vậy Sơn Tùng cho rằng bài này anh sáng tác từ năm học lớp 11-12 và lấy từ “những beat miễn phí trên mạng”. Sự thật thì không phải vậy. Ca khúc Still là single đầu tay của nhóm nhạc nữ Flower phát hành tại Nhật vào tháng 10/2011. Bài này được sáng tác bởi Kawaguchi Daisuke, lời của Matsuo Kiyoshi, do Nakano Yuta hòa âm. v.v… N.M |
Kỳ 2: Cân đo chất lượng ca khúc Sơn Tùng
Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa