Sơn mài Việt - Hàn trước ngưỡng cửa di sản thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ VH,TT&DL đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin phép xây dựng hồ sơ đa quốc gia “Nghề sơn mài truyền thống” có ở một số nước Đông Á, Đông Nam Á (tiêu biểu là Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc).
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), các nhà quản lý Việt Nam, đại diện phía Hàn Quốc cũng như giới hội họa đều đánh giá, đây sẽ là bước chuyển quan trọng trong việc bảo tồn vốn quý của hội họa dân tộc nói riêng và nghệ thuật sơn mài nói chung.
“Đặc sản” Hàn Quốc
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), các chuyên gia đều cho rằng, nghệ thuật sơn mài là một trong những tinh hoa của Hàn Quốc. Đó cũng là lý do, quốc gia này cất công kêu gọi các nước có chung nghề sơn mài truyền thống xây dựng hồ sơ, đệ trình UNESCO.
Bà Đoàn Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ: Ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, chất liệu để làm sơn mài cũng được khai thác từ những chất liệu có trong thiên nhiên. Ví dụ như Hàn Quốc, sơn mài được gọi bằng cái tên OttChil chủ yếu sử dụng kỹ thuật Najeon-chil (kỹ thuật sử dụng vỏ trai, vỏ sò…) để sáng tác các tác phẩm hội họa. Sơn Ottchil được khai thác từ cây sơn Ott-namu, một loại sơn tự nhiên, thân thiện với môi trường và không gây hại cho con người.
Đồng quan điểm với bà Hương, ông Park Nark Jong, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc chia sẻ: Nghệ thuật sơn mài truyền thống Hàn Quốc thường được ứng dụng trong cuộc sống chứ không phải hội họa. Cụ thể, người Hàn Quốc ứng dụng sơn mài trong việc trang trí và bảo vệ các vật dụng trong nhà như các hòm gỗ, đĩa, các loại vũ khí, nhạc cụ, tủ quần áo...
“Gần đây, Hàn Quốc đang cố gắng tạo nên sức sống hiện đại cho nghệ thuật sơn mài, nhờ vậy mà ngành hội họa sơn mài của Hàn Quốc cũng đang có những bước phát triển rất sáng tạo”- ông Park chia sẻ thêm- “Chính phủ Hàn Quốc hiện đang nỗ lực bảo tồn và kế thừa văn hóa truyền thống. Trong đó, Hàn Quốc đã công nhận các chuyên gia của nghệ thuật sơn mài là những di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của đất nước”.
Đột phá của sơn mài Việt
Khác với Hàn Quốc, cũng như những quốc gia khác chủ yếu coi sơn mài là chất liệu mỹ nghệ, từ đầu thế kỷ 20, sơn mài ở Việt Nam đã có vai trò như một chất liệu hội họa. Cụ thể, sau hàng ngàn năm tồn tại như một chất liệu mỹ nghệ, năm 1925 (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập) sơn mài Việt “bước chân” vào hội họa.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Thời điểm đó, những người thầy Pháp cùng những sinh viên ưu tú của “thế hệ vàng” mỹ thuật Việt Nam đã thử nghiệm chất liệu mới lạ với toàn thế giới: sơn mài. Chất liệu truyền thống Việt kết hợp với lý thuyết hội họa hàn lâm cổ điển châu Âu, dưới bàn tay của các danh họa Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Phạm Hậu… đã tạo lên một diện mạo mới của nền mỹ thuật đất nước. Trong một khoảng thời gian không lâu, sơn mài Việt đã có chỗ đứng đĩnh đạc, song song với sơn dầu châu Âu khi hội họa hiện đại vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Lương Xuân Đoàn, tranh sơn mài truyền thống đang gặp những thách thức rất lớn. Cụ thể, để đáp ứng thị trường, tăng tốc độ sáng tác, nhiều họa sĩ đã chuyển sang làm tranh sơn mài bằng bột Nhật thay vì chất liệu truyền thống.
“Điều này cũng dễ lý giải, bởi tranh sơn mài truyền thống đòi hỏi sự bền bỉ của người sáng tác. Mỗi bức tranh được thực hiện trong cả năm ròng. Đặc biệt, bức sơn mài bảo vật quốc gia Vườn Xuân Trung Nam Bắc được danh họa Nguyễn Gia Trí thực hiện trong… 20 năm”- ông Đoàn chia sẻ.
Cũng từ những thách thức trên, giới chuyên môn đều đang mong chờ những biến chuyển mới trong việc tôn vinh nghệ thuật sơn mài. Bởi, việc ghi nhận “nghề sơn mài truyền thống” là di sản thế giới sẽ mở ra nhiều hướng đi mới trong việc “xuất khẩu” văn hóa, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có thể sống bằng nghề.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa