Sớm có phương án tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh
(Thethaovanhoa.vn) - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 vào chiều 6/11, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời các vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua, trong đó có vấn đề tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và đưa học sinh trở lại trường học.
* Tăng cường kiểm tra việc tiêm vaccine phòng COVID-19
Về công tác tổ chức tiêm chủng của ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay có hai hình thức tiêm vaccine là tiêm chủng mở rộng bằng việc đưa trẻ em đi tiêm vaccine theo quy định vào ngày 4 và 5 hằng tháng; tiêm chủng trong công tác phòng, chống dịch.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, khi bệnh bạch hầu bùng phát tại 4 tỉnh Tây Nguyên vào giữa năm 2020, Bộ Y tế đã phối hợp với các địa phương phát động chiến dịch tiêm chủng và sau thời gian rất ngắn, dịch bệnh đã được khống chế.
Trong việc phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã và đang hướng dẫn các địa phương tổ chức tiêm vaccine để góp phần cùng với các giải pháp khác ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới.
Để đảm bảo an toàn cao nhất trong công tác tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, cần phải đảm bảo các yêu cầu: có kế hoạch cụ thể, thường xuyên tập huấn, cập nhật về kỹ thuật tiêm đối với từng loại vaccine khác nhau; tổ chức tốt công tác khám sàng lọc, để phân loại những trường hợp không đủ điều kiện tiêm; các cơ quan chức năng của Bộ Y tế phải có hướng dẫn cán bộ y tế ở các tỉnh, thành phố nắm chắc được kỹ thuật tiêm và kỹ thuật xử lý phản ứng sau tiêm; thẩm định kết quả tiêm chủng; thực hiện tốt quy trình vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản vaccine; tuyên truyền để người dân nắm được hiệu quả cũng như phản ứng phụ sau tiêm… Cuối cùng, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên là cần phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động tiêm chủng để đạt được các mục tiêu cao nhất đã đề ra.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Y tế thường xuyên tổ chức các cuộc họp để nghe các địa phương, các cơ quan của Bộ báo cáo về tình hình tiêm chủng. Từ đó rút kinh nghiệm và đưa ra những văn bản hướng dẫn chi tiết về triển khai các hoạt động tiêm phòng. Bộ trưởng Y tế cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra về công tác tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 tại các khu vực miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên; giao cho lãnh đạo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Mình Viện Pasteur Nha Trang cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm trưởng đoàn.
Để tập trung cho công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định hướng dẫn trong công tác tiêm chủng. Bộ Y tế cũng đã ban hành trên Cổng thông tin tiêm chủng Quốc gia công văn hướng dẫn và chỉ đạo chi tiết để đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng nói chung cũng như tiêm vaccine phòng COVID-19 nói riêng…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân khi chuyển trạng thái sang thích ứng, an toàn, linh hoạt và hiệu quả.
* Có 21 tỉnh, thành tổ chức cho học sinh học trực tiếp
Liên quan đến vấn đề tổ chức cho học sinh quay lại trường học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ với nhiều gia đình mong muốn con em đến học trực tiếp từ yếu tố chuyên môn đến tâm lý học sinh; nhiều gia đình cũng lo lắng dịch bệnh, con em mình đến trường có an toàn không.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin ý kiến của Bộ Y tế và các ban ngành bằng văn bản, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào việc phân loại đánh giá cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định dạy và học trực tiếp theo nguyên tắc địa phương nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại học tập. Căn cứ vào đó, với địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1, 2 thì tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai hướng dẫn này tùy thuộc vào đặc điểm của từng địa phương, thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đến nay, cả nước có 21 tỉnh, thành phố tổ chức cho học sinh học trực tiếp; có 18 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, còn 24 địa phương học trực tuyến và qua truyền hình.
Các địa phương có số lượng học sinh lớn và đặc thù như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã có phương án cho học sinh trở lại học tập. Ngày 31/10, Hà Nội ban hành quyết định cho học sinh trở lại học của 18 huyện, thị xã có cấp độ dịch 1 và 2, nhưng đến ngày 6/11 Hà Nội đã có văn bản mới tạm dừng việc đó và chỉ cho riêng học sinh huyện Ba Vì đi học trở lại, đây là trách nhiệm thuộc về địa phương tự quyết định.
“Tất cả chúng ta đều mong muốn học sinh sớm được đến trường, bên cạnh đó cũng có những lo lắng”, Thứ trưởng chia sẻ.
Ngày 1/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã họp với Bộ trưởng Y tế thống nhất về việc cho học sinh quay trở lại trường không những là nhu cầu chính đáng mà còn là nhu cầu đảm bảo chất lượng dạy và học cũng như đảm bảo yếu tố tâm lý cho học sinh…
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế thống nhất về việc sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến vào đầu tháng tới để cho tất cả các Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng như các quận, huyện triển khai đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy và học trực tiếp, đồng thời, thống nhất sớm ban hành và rà soát bổ sung hướng dẫn sổ y tế phòng, chống COVID-19 trong trường học, tổ chức tập huấn hệ thống trường học toàn quốc, kỹ năng dự phòng và quản lý chăm sóc và phòng chống dịch cho đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế trường học.
- Ngày 6/11, Việt Nam có 7.480 ca mắc Covid-19 trong nước
- Dinh dưỡng cho trẻ trước và sau khi tiêm vaccinne phòng Covid-19
- Những điều cần lưu ý sau khi trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19
“Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mong muốn và hy vọng trong thời gian tới địa phương sẽ có biện pháp để quyết định cho học sinh sớm trở lại trường học”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu rõ, đồng thời cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có đề nghị rất rõ với các địa phương cũng như Bộ Y tế sớm có phương án tổ chức cho học sinh, đặc biệt lứa tuổi 12-18 có thể sớm được tiêm vaccine.
TTXVN